Thành tích thứ ba toàn đoàn, với số huy chương vàng không kém quá xa nước chủ nhà Singapore và nền thể thao số 1 khu vực (Thái Lan) là một kết quả chấp nhận được đối với thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 vừa kết thúc (ngày 16-6). Nếu loại trừ yếu tố chủ nhà (tại SEA Games, các nước chủ nhà được phép đưa vào những môn thi đấu thế mạnh của mình và loại bớt những môn hoặc nội dung thi đấu thế mạnh của các nước khác), có thể khẳng định Việt Nam đã là cường quốc thể thao số 2 khu vực, chỉ sau Thái Lan. Tại Myanmar hai năm trước, “công thức” của ba vị trí đầu này không thay đổi, chỉ là chủ nhà Myanmar thay cho Singapore ở vị trí thứ hai toàn đoàn. Quan trọng hơn, càng ngày, các môn thể thao Olympic càng đóng góp nhiều hơn cho bảng vàng của thể thao Việt Nam. Nếu trước kia, chúng ta vẫn còn tham gia nhiều môn không thuộc hệ thống thi đấu Olympic để kiếm huy chương, thì ở kỳ SEA Games này, các môn thể thao Olympic đã chiếm đa số và giữ vị trí chủ đạo trong việc tranh chấp những thứ hạng cao nhất. Ngay kỳ SEA Games trước, nếu như số lượng huy chương vàng các môn Olympic của chúng ta chỉ khoảng 60% thì tại SEA Games này đã lên đến gần 90% dù môn thế mạnh của nước ta là cử tạ không nằm trong hệ thống thi đấu.
Thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh là ba môn thể thao cơ bản của Olympic ra đời từ Olympic Hy Lạp cổ đại. Thêm đấu kiếm cũng là môn thể thao Olympic, chỉ riêng bốn bộ môn này đã đóng góp hơn một nửa số huy chương vàng của đoàn Việt Nam tại SEA Games 28. Đây là bước chuyển mình của thể thao nước nhà, trong bối cảnh nguồn kinh phí dành cho thể thao còn hạn hẹp so với các nước. Ngành thể thao đã mạnh dạn đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao Olympic, để không chỉ giành thành tích cao tại các kỳ SEA Games mà còn vươn tầm đến những đấu trường cao hơn, đó là Asiad và Olympic. Chẳng hạn, đội tuyển điền kinh Việt Nam với 43 VĐV, dự thi hơn 30 nội dung, đã giành thành tích ấn tượng 11 HCV, 14 HCB và 7 HCĐ. Hàng loạt kỷ lục của SEA Games tồn tại trong nhiều năm đã bị phá vỡ. Đặc biệt, Nguyễn Thị Huyền đã giành 2 HCV 400m và 400m rào, đạt chuẩn dự Olympic. Thành tích này chứng minh rằng chúng ta đủ khả năng chiến thắng ở nhiều nội dung mà người Việt không có thế mạnh về sức vóc.
Nói về đầu tư trọng điểm, có lẽ không có dẫn chứng nào sinh động hơn trường hợp của VĐV bơi lội Ánh Viên. Ở tuổi 19, đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Ánh Viên đã trở thành ngôi sao sáng của thể thao Việt Nam. Dù được phát hiện tài năng từ rất sớm nhưng nếu không có quyết định đưa cô sang Mỹ tập dài hạn thì đã không có “cô gái vàng” ngày nay. Kinh phí dành cho Ánh Viên không dưới 100.000 USD/năm, quá lớn đối với ngân sách eo hẹp của bất kỳ bộ môn thể thao nào. Tuy nhiên, sự đổi mới tư duy của những người làm thể thao đã đem lại cho đất nước một kình ngư tên tuổi. Trong khoản kinh phí này, ngành thể thao chi 60.000 USD, còn đơn vị chủ quản quân đội chi 40.000 USD. Với 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ, phá tám kỷ lục của SEA Games, Ánh Viên không chỉ tạo được tiếng vang ở trong nước mà còn cả với giới truyền thông quốc tế.
Theo Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 Trần Đức Phấn, ngành thể thao sẽ có chế độ đầu tư chuyên biệt cho Ánh Viên, tạo mọi điều kiện tốt nhất để cô phát triển. Ngay sau SEA Games, Ánh Viên sẽ bắt tay vào tập luyện để tham dự Giải vô địch thế giới diễn ra ở Nga. Cô sẽ được đầu tư đặc biệt và mục tiêu là giải đấu cao nhất – đấu trường Olympic trong tương lai.
Trong thể thao, câu chuyện “đầu tư trọng điểm” để thu được thành công không chỉ đúng với Ánh Viên mà còn với nhiều vận động viên khác, và với các quốc gia khác. Chúng ta sẽ còn có dịp phân tích kỹ hơn về vấn đề này.
- Địch Vân