Nếu chỉ được phép chọn một từ duy nhất để nói về cảm nhận sau khi đọc Dẫu không nhìn thấy nắng, thì xin được phép chọn hai chữ THẤU HIỂU.
Dẫu không nhìn thấy nắng giúp chúng ta giải đáp những thắc mắc về cuộc sống của người khiếm thị: cách mà họ đối diện với những trở ngại; cách họ sống, làm việc; cách họ cảm nhận đồ vật, sự vật. Từ những chuyện nhỏ nhặt như cách tập xe đạp sao cho không tông phải tường, cho đến chuyện ngửi mùi dầu để phân biệt chiếc radio nào là hàng Nhật, chiếc nào là hàng Trung Quốc. Từ việc thay vì nắm tay, bám vào vai là cách tốt nhất để dẫn người khiếm thị đi theo mình, cho đến việc dùng phím số “5” trong điện thoại có phím để làm điểm tựa cho việc sử dụng điện thoại. Có thể nói cuốn sách là một lần trải nghiệm “bước ra từ bóng tối” để hiểu về tâm hồn, cuộc sống của người khiếm thị.
22 bài viết, 22 câu chuyện về những mảnh đời khác nhau, Dẫu không nhìn thấy nắng chạm khẽ vào trái tim người đọc bằng những nốt trầm của lòng yêu đời, yêu người mặc cho những khiếm khuyết sinh học trên cơ thể. Bằng những dòng tự sự chân thành, về bài học làm người, giản dị mà giàu tính nhân văn. Đọc cuốn sách ta thấy thương những mảnh đời ấy, và thấy may mắn biết bao nhiêu, khi đời còn cho ta đôi mắt.
Dù không nhìn thấy nắng, nhưng họ có ánh sáng riêng phát ra từ nội tâm. Đó là giá trị của bản thân. Là cảm nhận hương vị cuộc sống qua khứu giác, vị giác, xúc giác, thính giác và bằng sự bình thản trong tâm hồn.
Cuộc sống xô bồ với nhiều lo toan nên đôi khi người ta quên lãng hoặc không dám chạm tới sự bình thản. Nhưng Dẫu không nhìn thấy nắng sẽ giúp khơi gợi sự bình thản ấy, khơi gợi sự tĩnh lặng trong tâm hồn của mỗi con người, không chỉ những người khiếm thị hay khuyết tật, để chúng ta nhìn lại chính cuộc sống tất bật mỗi ngày bằng một lăng kính khác: bao dung hơn, tĩnh lặng hơn, bình thản hơn.
Có lẽ, Dẫu không nhìn thấy nắng là món quà mà Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ dành tặng không chỉ cho những ai muốn hiểu thêm về những người khiếm thị, mà còn cho những ai vẫn mệt nhoài vì khó khăn, vấp ngã. Cho những ai vẫn đang khó chịu với những gì nhỏ nhặt, tầm phào. Bởi, phải một lần, đừng nhìn cuộc đời bằng mắt, mà bằng những cảm nhận, bằng sự bao dung, để thấy ta bỏ lỡ quá nhiều điều trân quý quanh mình.
_______
DẪU KHÔNG NHÌN THẤY NẮNG
Tác giả: Lê Trung Cường
NXB Văn Hóa Văn Nghệ TP.HCM
Năm XB: 2019
Số trang: 124
Giá bìa: 58.650đ
Sản phẩm bán chạy nhất Top 100 sản phẩm Tiểu thuyết bán chạy của tháng
Lê Trung Cường là người khiếm thị. Sinh ra và lớn lên ở một làng nhỏ thuộc huyện An Dương thành phố Hải Phòng, từ làng quê ấy, Lê Trung Cường đã có bước tiến dài trong sự nghiệp và văn chương. Với người khiếm thị làm việc gì cũng khó, vậy mà anh đã quyết tâm học tập để trở thành một giáo viên dạy Tin học của trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng. Anh tự kiếm sống và thực hiện được ước mơ của mình là viết văn.
Rất ít người khiếm thị trở thành nhà văn, bởi những trải nghiệm từ cuộc sống là cái vô cùng cần thiết với người cầm bút. Anh đã lắng nghe hơi thở cuộc sống, lắng nghe tiếng thì thầm của con tim để thấy rằng thế giới xung quanh của mình thật phong phú và tràn đầy yêu thương.
Vì vậy anh có cách tiếp cận với cuộc sống thật khác, thật đẹp, khiến có người đọc những trang viết của anh đã gai người mà thốt lên: “Giỏi quá!” để rồi qua văn của anh, không ai nghĩ Lê Trung Cường là người khiếm thị.
Lê Trung Cường yêu thích du lịch. Anh không thể nhìn ngắm thì anh cảm nhận. Anh phân biệt được đặc điểm mỗi vùng đất bằng bước chân, bằng cách sờ nắn và cả dò dẫm… Anh lắng nghe sóng biển, gió thổi để biết được cảnh sắc thiên nhiên… Anh biết cách khơi gợi, khai thác đặc tính riêng của từng địa danh… Và rồi, những trang viết giàu hình ảnh, đầy hơi thở cuộc sống ra đời.
Anh ghi chép lại những gì lĩnh hội được từ tự nhiên và cuộc sống để người đọchiểu thêm về người khiếm thị, về cách cảm nhận thế giới xung quanh của người khiếm thị.
Tác phẩm Ký Cô Tô trong mắt người khiếm thị được giới thiệu đầu tiên trên Tạp chí Cửa Biển (Hải Phòng) đã tiếp thêm ngọn lửa say mê văn chương cho Lê Trung Cường. Chỉ mới xuất hiện khoảng năm năm nhưng anh đã cho ra đời tập Ký và Tản văn Trong mắt trái tim (Nhà XB Kim Đồng) năm 2017 và được tái bản năm 2018. Lê Trung Cường dần trở thành cái tên quen thuộc trong làng văn chương. Anh xuất hiện nhiều trên các báo, tạp chí địa phương và trung ương. Và nữa, Giải thưởng tác phẩm hay trên Tạp chí Cửa biển năm 2013, 2017, với Cô Tô trong mắt người khiếm thị (Ký) và Tiếng sáo trên thảo nguyên (Truyện ngắn); Giải Nhì không có giải Nhất thể loại Ký (trong cuộc thi Truyện ngắn và Ký) Báo Văn nghệ Thái Nguyên năm 2016 với tác phẩm Cơn mưa bất ngờ. Một niềm vui lớn đếnvới Lê Trung Cường là anh vừa nhận được Giải thưởng Giải tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2018 với tập Ký và Tản văn đầu tay Trong mắt trái tim.
Với những gì có được trong tháng năm vừa là thầy vừa là người viết của nhà văn Lê Trung Cường cũng là một niềm hạnh phúc. Mong rằng cuộc sống đầy biến động sẽ đi tiếp vào trang viết của anh một cách lắng đọng và tràn đầy yêu thương.
Nhà văn Dương Thị Nhụn