Từ trung tâm thành phố Las Vegas, nơi có rất nhiều sòng bài nổi tiếng, chúng tôi di chuyển bằng ô-tô đến tham quan công trình thủy điện lớn nhất nước Mỹ: đập nước Hoover Dam cách Las Vegas khoảng 50km, gần biên giới hai bang Nevada và Arizona.
Hoover Dam là một công trình kiến trúc vĩ đại nhằm điều hòa lưu lượng nước, ngăn ngừa lũ lụt, quan trọng hơn hết là dẫn nước tưới cho hoa màu trong tình trạng hạn hán thường gặp ở bang California.
30 phút di chuyển trên con đường dẫn đến đập có nhiều khúc quanh co theo núi. Từ trên cao nhìn xuống, trước mắt chúng tôi là hồ Mead (Lake Mead) nước xanh rì và đập Hoover Dam hùng vĩ nằm chắn ngang. Trước khi chạy vào khu vực này, lực lượng an ninh đã chặn để kiểm soát từng xe ra vào. Một viên cảnh sát Mỹ vui vẻ chào chúng tôi và đi từ đầu đến cuối xe kiểm tra rồi nói lời chào tạm biệt để xe được thông qua khu vực kiểm soát.
Để vào tham quan đập phải đỗ xe tại bãi garage rất rộng có đến 459 chỗ đậu xe, gần Tour Center. Garage này có nhiều tầng, chạy quanh cao dần và mới được hoàn tất tháng 5-2002. Được biết, trước khi xây dựng bãi xe này phải cho nổ núi, dọn đá mới có chỗ vì nơi đây toàn là núi đá đen, không có mặt bằng để xây cất. Do tham quan vào ngày cuối tuần nên du khách rất đông, các tầng thấp không còn chỗ đỗ, chúng tôi phải chạy vòng lên cao như leo lên một con đèo nhỏ mới tìm được chỗ đỗ ở tầng thứ 4. Sau đó, xuống tầng dưới bằng thang máy và đi bộ về hướng đập. Trên đường dẫn ra đập có để các bảng đề khắc hình ảnh về quá trình lịch sử hình thành đập, cùng với những hình tượng của công nhân đang trong quá trình xây dựng.
Phải nói rằng con đập này rất hùng vĩ: ngoài các chức năng như đã nói, nó cung cấp điện năng cho thành phố sống về đêm Las Vegas và cả một vùng Nam California tưng bừng sức sống. Hai bên đập phía dưới vực sâu đều được xây nhà máy điện, nhưng du khách chỉ được tham quan nhà máy bên phía Nevada mà thôi.
Theo các tài liệu được phát cho du khách đến tham quan ở đây thì đập được đắp trên sông Colorado; sông phát nguyên trên vùng núi tuyết miền Bắc tiểu bang Colorado và chảy ngoằn ngoèo theo hướng Tây Nam dài hơn 1400 miles qua Grand Canyon, rồi đổ vào hồ Mead (Lake Mead), sau khi tràn ra khỏi hồ bằng Black Canyon, sông Colorado theo biên giới giữa California và Arizona chảy ra biển ở vịnh California thuộc Mexico.
Được biết trước khi đập được xây, cả vùng Colorado River Basin phía Nam thường hay bị ngập lụt, nhất là mùa xuân tuyết tan trên dãy Rocky Mountains chảy vào sông gây ngập lụt và tàn phá hoa màu. Năm 1921, ông Herbert Hoover (sau đó đắc cữ tổng thống thứ 31 nhiệm kỳ 1929-1933) có ý kiến là xây đập thật cao ở Boulder Canyon, cạnh hồ Mead để chận nước lại và trữ trong hồ Mead dùng tưới tiêu cho các ruộng trồng hoa màu, cũng như kiểm soát lượng nước ngăn ngừa lũ lụt, đồng thời lấy thủy điện từ đập phân phối cung cấp cho các thành phố, tiền bán điện sẽ trả dần cho chi phí xây đập và bảo trì hàng năm.
Tháng giêng năm 1922, ông Hoover gặp các thống đốc của các bang mà sông Colorado chảy qua như Arizona, California, Colorado, Nevada, New Mexico, Utah và Wyoming, kết quả là Hiệp ước sông Colorado được ký kết vào ngày 24-11-1922, chia sông thành hai vùng thượng nguồn và hạ nguồn, các bang thỏa thuận việc nguồn nước được điều hòa và sử dụng như thế nào để không ai bị thiệt thòi.
Năm 1930, đồ án xây đập Boulder Dam được các tiểu bang chấp thuận và Tổng thống Hoover phê chuẩn và địa điểm xây đập được dời đến Black Canyon để đập có độ cao hơn.
Đập chính thức được khởi công xây ngày 20-4-1931 trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế nên nhân công rất cần việc làm. Hàng chục ngàn người tới xin việc che lều sinh sống ở xung quanh công trường xây đập, thời ấy người ta gọi là Ragtown. Vợ con của công nhân phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu vệ sinh, nóng bức, bệnh tật…
Có 6 hãng trúng thầu xây đập, theo hợp đồng họ phải xây làng cho công nhân ở Boulder City, nhưng các hãng thầu chỉ lo tiến hành xây đập cho kịp thời hạn, nếu không sẽ bị phạt nên họ chểnh mảng việc xây nhà và cộng thêm điều kiện làm việc khá nguy hiểm, nên cuối cùng, công nhân đã phản đối, đình công vào ngày 8-8-1931. 6 hãng thầu xây đập đã phản ứng bằng cách gởi lực lượng chống đình công đến với súng ống và ma trắc khiến cuộc đình công sớm bị dẹp tan. Sau cuộc đình công, việc xây nhà tạm trú cho công nhân ở Boulder City mới tăng tốc và mùa xuân năm 1932, Ragtown được giải tỏa.
Công việc hết sức quy mô là trước khi xây đập, người ta phải đào 4 đường hầm xuyên qua đá làm đường cho nước chảy thay thế con sông thiên nhiên sẽ bị ngăn lại để làm đập. Muốn đào đường hầm qua núi đá, ngoài cho mìn nổ, họ còn dùng một xe truck lớn có 3 tầng và trên mỗi tầng là những người thợ cầm những mũi khoan chạy bằng hơi ép trông như những khẩu súng đại liên. Mùa hè trong vùng này rất nóng, nhất là trong đường hầm lại thiếu quạt gió, nên những công nhân phải quấn những bọc nước đá quanh người cố làm cho mát nhưng cũng không đủ, hơn 100 người đã thiệt mạng trong công trình xây đập!
Ngày 1-3-1936, công trình xây đập hoàn tất và nhà máy phát điện ở Hoover Dam bắt đầu chuyển điện trên dây cao thế dài 266 miles về Los Angeles từ ngày 9-10-1936. Sau đó, nhà máy được gắn thêm những máy phát điện khác cho tới năm 1961 mới hoàn tất. Nhà máy điện có tất cả 17 máy turbine sản xuất 2,074 megawatts điện năng và được quản trị bởi cơ quan Bureau of Reclamation trực thuộc Bộ Nội vụ Mỹ (US Department of the Interior).
Về tên của đập cũng có sự tranh chấp trong việc đặt tên. Từ trước vẫn gọi là Boulder Dam, đến ngày 17-9-1930 dưới thời Tổng thống Hoover, Bộ trưởng Nội vụ là Ray L. Wilbur loan báo tên chính thức là Hoover Dam.
Năm 1933, Tổng thống Hoover tái tranh cử, nhưng thất bại trước đối thủ là Franklin D. Roosevelt và Bộ trưởng Nội vụ mới là ông Harold Ickes đổi trở lại tên cũ là Boulder Dam. Cuối cùng ngày 30-4-1947, Tổng thống Harry Truman ký nghị định phục hồi tên Hoover Dam như cũ.
Phải công nhận rằng đây là một công trình rất vĩ đại hình thành cách đây gần 100 năm trước. Công trình đã cho thấy thành quả và chất lượng bê-tông rất tốt thời đó. Trong một thử nghiệm vào năm 1995, các kỹ sư nhận thấy bê-tông trong đập thủy điện Hoover chẳng những không xuống cấp mà lại còn đạt được sức mạnh và chất lượng đáng kinh ngạc dù đã trải qua nhiều thập kỷ. Các chuyên gia hy vọng rằng, nếu được duy trì tốt, cấu trúc đập nước có thể sẽ kiên cố trong hàng ngàn năm tới.
Nhiều tài liệu cũng cho biết biến cố khủng bố xảy ra ở Mỹ ngày 11-9-2001 đã khiến cho giới chức chính quyền đi đến quyết định sẽ xây một cây cầu bê-tông với hệ thống dây cáp để thay thế cho con đường đi qua đập đã có từ trước và được hoàn tất vào tháng 10-2010. Cây cầu cao 260m tính từ mặt sông Colorado là cây cầu cao nhất nước Mỹ.
Bên cạnh chức năng quan trọng là giải quyết vấn đề tưới tiêu và cung cấp năng lượng, hồ chứa nước và đập Hoover đã góp phần tạo nên một thắng cảnh kỳ vĩ giữa lòng núi đá, thu hút hàng triệu khách du lịch tới tham quan nước Mỹ mỗi năm.