Ngày nay, Jeju nức tiếng là hòn đảo đẹp nhất Hàn Quốc. Nhờ có khí hậu dễ chịu và quang cảnh mỹ lệ, Jeju thu hút các cặp đôi mới cưới đến chụp ảnh và tận hưởng khoảng thời gian đắm say. Thế nên người ta còn gọi nơi này là “Hòn đảo tuần trăng mật”.
Ít ai nhớ cũng chính trên vùng đất nên thơ ấy vẫn còn đó 30.000 bộ xương của 30.000 đã chết và đó còn là hệ quả của chỉ đúng một ngày dám nổi dậy chống chính quyền Cộng hòa ngày 3-4-1948. Chí ít thì trên đảo Jeju cũng có tới 154 điểm thảm sát tập thể, 109 ngôi làng bị đốt trụi và hàng ngàn người bị bắt bớ, tra tấn…
Thiên đường lộng lẫy
Với diện tích rơi vào tầm 1.846km2, Jeju là hòn đảo lớn nhất xứ sở kim chi. Nó sở hữu một nền tảng khí hậu ôn hòa lý tưởng, ngay cả lúc nóng nhất cũng không vượt qua 33oC, còn khi lạnh lắm cũng chỉ 10oC.
Người Hàn Quốc yêu thích hòn đảo này đến nỗi chỉ tính bình quân thôi, mỗi ngày cũng đã có tới gần 90 chuyến bay nội địa từ Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, hạ cánh xuống sân bay quốc tế Jeju. Nguyên nhân rất đơn giản. Đó là bởi vì Jeju cực kỳ yên bình và tuyệt đẹp.
Dưới mặt đất của nó là những vườn quýt mọng nước sai quả, các bãi đá đen huyền ảo và thác nước đẹp diệu kỳ. Trên núi, từng vạt hoa đỗ quyên nở rộ, khoe sắc hồng rực rỡ. Mùa thu đến, rừng phong thay áo, đổi màu xanh sang sắc đỏ miên man. Và khi xuân sang, cả hòn đảo như rạo rực trong sắc vàng sóng sánh của những cánh đồng cải dầu trổ bông bát ngát.
Bao bọc Jeju là biển biếc trong xanh vô tận. Sóng nhẹ vỗ bờ, êm đềm như khúc hát. San hô dày đặc, đẹp lung linh tựa thế giới long cung trong truyện cổ tích. Cho dù là bơi hay lặn, vùng biển này vẫn thỏa mãn du khách.
Điều thú vị là để đến được Jeju, khách du lịch ngoại quốc không cần phải xin thị thực. Tất nhiên, với các công dân của Hàn Quốc thì lại càng không. Nhưng đừng vội vì “chiều đi” dễ dãi mà thoải mái bỏ qua kiểm tra hành lý trước lúc lên máy bay bởi với “chiều về”, mọi hành khách đều phải trình giấy tờ tùy thân cả.
Nửa địa ngục trần gian
Có điều, câu chuyện mà chúng ta sẽ đề cập hôm nay không phải là vẻ hoàn mỹ hay sức cuốn hút vô hạn của hòn đảo tuần trăng mật này.
Lùi lại thập niên 1940, vào ngày 3-4-1948, bạn sẽ bắt gặp một cuộc nổi dậy của dân cư trên đảo. Họ chống lại cảnh sát, quân đội Mỹ và chính phủ Cộng hòa Hàn Quốc mới thành lập. Hệ quả của nó là khoảng 30.000 thường dân bị giết hại. Không dừng lại ở đấy, tất cả những ai sống sót còn đều bị gắn mác cộng sản, phần tử phản bội, kẻ thù quốc gia.
Bên cạnh những danh lam thắng cảnh trên khắp Jeju này nay vẫn còn đó gần 800 di tích lịch sử liên quan đến ngày 3-4 hãi hùng. Đáng buồn là rất nhiều trong số chúng còn bị bỏ bê, chưa được đánh dấu, bảo vệ, thậm chí còn không được biết đến.
Bạn có thể đã đến Jeju, song có lẽ vẫn chưa biết ngay dưới chân đường băng sân bay chính là ngôi mộ tập thể của khoảng 700 người. Và họ cũng chỉ là một phần trong một nhóm gồm 2.500 cư dân Jeju bị bắt bớ vì tình nghi là Cộng sản sau ngày 3-4. Tất cả đều phải chịu cực hình tra khảo trước khi bị bắn chết.
Lùi lại một chút nữa, vào Thế chiến thứ Hai (1939-1945), khi bán đảo Triều Tiên hãy còn nguyên một khối, chưa tách đôi thành Nam Hàn (Hàn Quốc) và Bắc Hàn (Triều Tiên). Dân tộc Triều Tiên bị phát xít Nhật Bản cai trị, muôn bề cực khổ. Nhưng ngay chính tại thời điểm mà Nhật Bản buộc phải rút khỏi, trao trả tự do cho vùng đất bị giẫm đạp như nô lệ, đất nước này lại bị chia cắt làm đôi.
Nửa phía Bắc là Triều Tiên ngày nay, dưới sự che chở của Liên Xô. Còn nửa phía Nam là Hàn Quốc bây giờ, dưới sự bảo hộ của Mỹ. Vĩ tuyến 38 trở thành đường phân giới, lạnh lùng chia rẽ cả các gia đình, anh chị em ruột thịt. Jeju nằm ở phía Nam nên thuộc về chính phủ Hàn Quốc.
Đau đớn vì tổ quốc bị chia cắt, Đảng Lao động Cánh tả ở Hàn Quốc kêu gọi biểu tình đòi thống nhất quốc gia. Jeju cũng hưởng ứng, song đoàn người diễu hành trên đảo lập tức bị xé nát bởi họng súng của cảnh sát. Lực lượng vũ trang của chính phủ Hàn Quốc tàn nhẫn nhắm thẳng vào đám đông, bắn chết 6 người, sau đó còn bắt giữ, thẩm vấn và tra tấn hàng ngàn người khác.
Trước sự đàn áp quá sức tàn bạo, dân chúng đảo Jeju cực kỳ bất mãn. Sau khi hay tin một sinh viên đã bị chết trong tù, họ “tức nước vỡ bờ”. Vào đúng ngày mùng 3-4-1948 trên toàn đảo, những đám đông đầy phẫn nộ đã tràn vào tấn công các đồn cảnh sát.
Mặc dù không có bằng chứng nào chỉ ra dân cư trên đảo bị xúi giục bởi Bắc Triều Tiên, Thiếu tướng William F. Dean, thống đốc quân đội Hoa Kỳ đương thời, vẫn cổ xúy chính sách thà giết nhầm còn hơn bỏ sót. Ông để mặc binh lính Mỹ và cảnh sát Hàn Quốc tàn sát cư dân đảo Jeju, không tha cả phụ nữ, trẻ em lẫn người già.
Theo học giả Kim Jong Min, ngoài chính phủ Hàn Quốc ngày ấy ra thì Hoa Kỳ cũng phải chịu một phần trách nhiệm cho vụ thảm sát. Vì chính họ chứ không ai khác đã giữ quyền kiểm soát quân đội Hàn Quốc vào thời điểm ấy cho đến tháng 6-1949, khi rút quân khỏi Jeju.
Vẫn đầy rẫy dấu vết tang thương
Nếu đến Jeju ngày nay, bạn sẽ thấy vẫn còn một số tàn tích đổ nát của 109 ngôi làng bị đốt cháy tan hoang trong hai năm 1948-1949. Đau lòng hơn nữa là nhiều làng mạc ngày ấy còn chẳng sót lại dấu vết gì, chỉ trơ trọi đúng một tấm bia tưởng niệm đứng đơn độc trong bãi đất trống hoặc trên vệ đường.
Theo giáo sư Kim Tae Il, ít nhất cũng đã có 154 điểm thảm sát trên hòn đảo, trong đó có điểm hành quyết tập thể trên đường lên núi Seodal. Tại vị trí này, 149 người dân đã bị giết và vứt xác chung một hố. Sáu năm sau, đống hài cốt lộn xộn của họ mới được trả về cho thân nhân, cuối cùng an táng trong “mộ trăm người” Baekjoilsonjiji.
Sau cuộc nổi dậy và đàn áp ngày 3-4, người Jeju còn phải tiếp tục chịu khổ qua cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nữa. Đến năm 1954, 1/10 dân số đã thiệt mạng, 1/3 bỏ đảo, lánh đi nơi khác.
Bước lên Jeju bây giờ, đi dọc theo con đường mòn đi bộ Olle dài khoảng 422km băng ngang hòn đảo, bạn sẽ thấy nó uốn khúc qua dấu tích đổ nát của Gonul-dong, một trong 109 ngôi làng từng trải qua biến cố kinh hoàng năm 1948-1949.
Người ta kể rằng những nóc nhà trên suốt dọc 5km bờ biển nơi này đã bị đốt cháy. Trên bản đồ Jeju ngày nay không hề còn tên Gonul-dong, nên cũng ít người biết đến lịch sử tang tóc của mảnh đất này.
Vì được hình thành từ núi lửa nên Jeju rất nhiều hang động, đường hầm tự nhiên (vốn là ống thoát dung nham) phức tạp. Trong bối cảnh loạn lạc 1948-1949, các dân cư đã nhờ vào chúng mà lẩn trốn.
Nhưng một khi đã bị phát hiện, nơi ẩn náu cũng dễ trở thành nấm mồ chôn, ví dụ như ở hang Darangshi. Tất thảy 11 người, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em đã trốn trong này, và bị lính cộng hòa truy sát cố ý đốt lửa ngoài miệng hang cho chết ngạt.
Suốt nhiều năm, Hàn Quốc cố ý nhấn chìm sự vụ thảm sát kinh hoàng trên hòn đảo tuy đẹp đẽ nhưng nghèo nàn này trong câm lặng. Để sống sót, người Jeju cũng nín thinh. Chỉ khi bước sang thập niên 1970-1980, khi nền kinh tế Hàn Quốc bước vào giai đoạn bùng nổ tăng trưởng, Jeju mới được người Hàn trên lục địa để tâm đến.
Nhờ mang dáng vẻ lộng lẫy cùng điều kiện khí hậu tuyệt vời, nó nhanh chóng trở thành địa điểm du lịch được yêu thích nhất. Và cũng bắt đầu từ thời gian này, các nhà báo, phóng viên mới tìm đến, tiến hành phỏng vấn, lật lại sự kiện thảm sát thảm khốc ngày 3-4.
Sau họ, giới nghiên cứu, sử học cũng vào cuộc. Vào năm 1992, sau khi phát hiện xác của 11 nạn nhân bị chết ngạt trong hang Darangshi, dân chúng Hàn Quốc kịch liệt yêu cầu chính phủ phải xác minh sự thật.
- Xem thêm: Lưu ý khi sử dụng tàu điện ngầm Hàn Quốc
Nhờ sự căng thẳng giữa hai nửa Nam-Bắc Hàn đã phần nào giảm xuống, một cuộc thảo luận mở đã được tổ chức. Song vẫn phải chờ đến tận năm 2003, chính phủ Hàn Quốc mới thừa nhận ngày 3-4-1948 chính xác là một vụ thảm sát.
Kể từ lúc này, họ cũng bắt đầu có những hành động thiết thực để làm sáng tỏ lịch sử, thể hiện sự hối lỗi và bồi thường, ví dụ như xây dựng nghĩa trang, bia, đài tưởng niệm, cho phép khai quật các địa điểm mồ chôn tập thể, trao trả hài cốt về cho thân nhân…