Thế kỷ 21, thế giới chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Tiến trình nào khiến đất nước đang phát triển trong thế kỷ 20 trở thành một thế lực thực sự khiến châu Âu và Mỹ phải kiêng dè?
Đạo quân Trung Quốc thầm lặng (China’s Silent Army) của Heriberto Araújo và Juan Pablo Cardenal khảo sát sự tăng trưởng chưa từng có của nền kinh tế của Trung Quốc ở thế giới cũng như tầm ảnh hưởng của nước này đến các quốc gia “nhận hỗ trợ”. Cuốn sách là bức tranh thực tế hiếm hoi về vai trò của người Trung Quốc bình dân, len lỏi thâm sâu và lặng lẽ phủ khắp mọi lục địa: châu Phi, Malaysia, Myanmar, các nước Đông Nam Á…
Hai nhà báo Juan Pablo Cardenal và Heriberto Araújo có nhiều năm sinh sống, làm việc tại Bắc Kinh. Họ đã đi khắp thế giới từ năm 2009-2011 để điều tra cách mà người Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và áp đặt sự vận hành thế giới dưới danh nghĩa “hỗ trợ”.
Những gì họ khám phá là loạt câu chuyện con người, kinh tế và thể chế chính trị – một thứ đang thay đổi tiến trình lịch sử và chưa bao giờ được báo cáo hay công bố rộng rãi.
“Đội quân thầm lặng” mà các tác giả đề cập đến bao gồm nhiều công dân Trung Quốc bình thường làm việc trên khắp thế giới. Họ có mặt trong ngành công nghiệp dầu mỏ ở Kazakhstan, khai thác khoáng sản ở Cộng hòa Dân chủ Congo, xây đập ở Ecuador, bán hijab ở Cairo – những người đang đóng góp vào sự thống trị toàn cầu của Trung Quốc, đồng thời để lại dấu ấn của họ theo những cách ít nhiều mang tính tiêu cực.
Với báo cáo ban đầu mới mẻ cùng ngòi bút chi tiết, sắc bén, Đội quân Trung Quốc thầm lặng tận dụng tối đa kinh nghiệm của các tác giả người Tây Ban Nha để tiết lộ ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực quan trọng: thương mại, kinh doanh tư nhân và môi trường.
Frank Dikötter nhận xét trên Literary Review: “Sống động và đầy tính nhân văn… [Đạo quân Trung Quốc thầm lặng] cung cấp thông tin cần thiết cho tất cả những ai muốn tìm hiểu cách tiếp cận toàn cầu của tập đoàn Trung Quốc đang thay đổi cuộc sống của mọi người trên hành tinh này.”
Heriberto Araújo đến Bắc Kinh vào đầu năm 2007 và tập trung vào các vấn đề xã hội và kinh tế liên quan đến Trung Quốc và châu Á. Ban đầu ông làm việc cho cơ quan AFP, với tư cách là phóng viên người Tây Ban Nha tại Bắc Kinh, và sau đó bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một người làm việc tự do cho một số phương tiện truyền thông của Pháp (M6, France 24, RFI) và Tây Ban Nha (Notimex, Capital).
Juan Pablo Cardenal đưa tin về Trung Quốc và khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần đầu kể từ năm 2003, với tư cách là phóng viên Thượng Hải của tờ nhật báo Tây Ban Nha El Mundo và sau đó, ở Singapore và Bắc Kinh cho tờ nhật báo kinh tế hàng đầu của Tây Ban Nha El Economista.
Họ đã cùng xuất bản các bài báo liên quan trong Foreign Policy, El País, The South China Morning Post, Radio France International (RFI) và trong Tuần san hàng đầu Nhật Bản Shukan Bunshun.