Theo trang web 7sur7, trong số 1.800 tay vợt nam và 1.400 tay vợt nữ, chỉ khoảng 10% sống được bằng nghề của mình. Thậm chí từ thứ hạng 200 thế giới, các tay vợt chi tiền nhiều hơn thu.
Trong thực tế, chênh lệch thứ hạng và thành tích dẫn đến chênh lệch thu nhập rất khốc liệt. Năm 2012, Novak Djokovic kiếm được 9,7 triệu euro tiền thưởng trong thi đấu và Victoria Azarenka là 6 triệu euro. Nhưng họ có tổng thu nhập gấp bốn lần con số này nhờ tài trợ quảng cáo và tiền trả cho các giải đăng ký thi đấu và biểu diễn. Trong khi đó, các tay vợt xếp hạng từ 90-100 thế giới chỉ kiếm được trung bình 202.970 euro tiền thưởng chưa trừ thuế trong năm 2012. Đối với tay vợt thứ hạng 150 thế giới, thu nhập chỉ còn 75.000 euro/năm, hạng 200 là 20.780 euro. Ngoài ra, còn phải trừ đi tiền thuế, chiếm đến 30%, chi phí đi lại ở khắp năm châu, tiền ăn uống, khách sạn và thỉnh thoảng tiền thuê huấn luyện viên tập luyện và cùng đi du đấu không phải là nhỏ.
Sergiy Stakhovsky, tay vợt số 1 của Ukraina có thu nhập kém hơn một cầu thủ bóng đá hạng 100 của nước này
Nếu so sánh quần vợt với các môn thể thao khác, sự chênh lệch rất lớn. Trong môn golf, vận động viên hạng 144 thế giới kiếm được 1 triệu USD trong năm 2012. Trong bóng đá, cầu thủ hạng 100 thế giới đã là ngôi sao. “Tại Ukraina, một cầu thủ hạng 100 có thu nhập cao hơn tôi”, tay vợt số 1 nước này Sergiy Stakhovsky nói. Không có lương cứng, tay vợt hoàn toàn phụ thuộc vào thành tích thi đấu. Nếu chấn thương ập đến, họ càng khó khăn hơn.
Claire Feuerstein, tay vợt nữ của Pháp hạng 130 thế giới kiếm được 71.317 euro tiền thưởng trong năm 2012. Sau khi trừ thuế và mọi chi phí, cô chỉ còn vỏn vẹn 200 euro trong tài khoản và phải đi vay tiền để tiếp tục ra sân. “Để chuyển sang chuyên nghiệp, các tay vợt phải tự hỏi mình rằng gia đình họ giàu có hay không”, Arnaud Di Pasquale, cựu tay vợt Pháp bị dang dở sự nghiệp thi đấu vì chấn thương hiện là giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn Quần vợt Pháp tóm lược tình hình.
Minh Trường