Dải Gaza triền miên bạo lực

Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hamas ở dải Gaza đã tạm thời tháo ngòi cho một cuộc chiến với những hậu quả khó lường giữa hai bên đối địch. Ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố, người dân dải Gaza đổ ra đường reo hò, Hamas tổ chức bắn pháo hoa đồng thời tuyên bố lấy ngày 22-11 làm “Ngày chiến thắng quốc gia”.

Trong khi đó, về phía Israel, người phát ngôn chính phủ tuyên bố: “Hamas phải nhận ra sự thật chua chát là tấn công Israel sẽ phải trả giá đắt về con người, thiết bị và sự ủng hộ của nhân dân”.

Bản đồ Israel

Như vậy là sau cuộc chiến chớp nhoáng tám ngày, cả Hamas và Israel đều cho rằng mình chiến thắng. Cuối cùng chỉ có người dân là kẻ chiến bại: theo thống kê, cuộc xung đột bất ngờ bùng phát này đã cướp đi sinh mạng của gần 168 người và hơn 1.200 người bị thương ở dải Gaza, còn ở bên kia chiến tuyến cũng có sáu người Israel thiệt mạng.

Hãng tin Reuters nhận định Israel hay Hamas đều có lợi ích chính trị và chiến lược từ thỏa thuận ngừng bắn, dù không bên nào nuôi ảo tưởng rằng thỏa thuận này sẽ được tôn trọng lâu dài.

 Một tên lửa của phe Hamas nhắm vào Israel ở phía nam Gaza

Hamas mất nhiều cán bộ trong chiến dịch không kích của Israel nhưng đã đạt được tầm vóc vốn dĩ trước nay chưa được công nhận trên trường quốc tế cũng như trong nội bộ Palestine. Quang cảnh hàng chục ngàn người Palestine ở dải Gaza xuống đường vào đêm ngừng bắn 21-11 đã khác với một Hamas mất lòng dân sau cuộc xung đột trước đó với Israel từ tháng 12-2008 đến tháng 1-2009.

Về phía Israel, chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng không thua cuộc bởi có thể thỏa mãn vì đã giảm thiểu sức mạnh chiến đấu của Hamas trong khi vẫn tiếp tục cộng tác về ngoại giao với Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi ở Ai Cập.

Ngoài ra, Israel cũng đã củng cố thêm quan hệ vốn dĩ căng thẳng với Mỹ. Như hãng AP đưa tin, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Obama đã đề nghị Thủ tướng Netanyahu chấp thuận ngừng bắn và Mỹ sẽ giúp Israel giải quyết các vấn đề về an ninh.

Tín hiệu tích cực này bước đầu hạ nhiệt căng thẳng, tạo điều kiện cho những bước tiếp theo nhằm tháo gỡ những mâu thuẫn  sâu sắc trong quan hệ giữa Israel và Hamas.

Tuy nhiên, trên thực tế thỏa thuận này còn rất mong manh.

Trong tuyên bố trên đài phát thanh của Israel hôm 22-11, Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak cảnh báo Israel có thể nối lại các hoạt động quân sự tấn công dải Gaza vào bất cứ thời điểm nào nếu phía Hamas tiếp tục các vụ bắn pháo cũng như hành động khiêu khích. Ông Barak nhấn mạnh, thỏa thuận ngừng bắn vừa qua không phải là hiệp ước chính thức giữa Israel và Hamas đạt được thông qua đàm phán.

Phát biểu của ông Barak đưa ra khi chỉ vài giờ sau khi chính thức có hiệu lực, thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền Israel và Hamas đang kiểm soát dải Gaza đã bị vi phạm với 12 quả rocket từ dải Gaza bắn sang phần lãnh thổ phía nam của Israel.

Vùng đất đầy bất an

Dải Gaza là một vùng đất hẹp ven biển dọc theo Địa Trung Hải, có biên giới trên bộ 11km với Ai Cập ở phía tây nam và biên giới 51km với Israel ở phía bắc và phía đông, còn về mặt pháp lý thì không được quốc tế công nhận là một phần của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào. Tên của nó được đặt theo tên thành phố chính Gaza. Đây là vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất trên trái đất, với hơn 1,6 triệu người sống trên diện tích 360km².

Ngược dòng lịch sử, làn sóng di cư của người Do Thái vào vùng đất Israel/Palestine dưới thời cầm quyền của Đế chế Ottoman và sau này dưới thời ủy trị Anh đã làm nảy sinh căng thẳng giữa dân tộc Do Thái và các sắc dân Ả Rập trong vùng.

Từ sau Thế chiến thứ nhất, Palestine trở thành lãnh thổủy trị của Anh. Ngày 14-5-1948, trước khi thời hạn ủy trị của Anh tại Palestine chấm dứt thì vào lúc nửa đêm ngày 15-5, giới lãnh đạo chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã tuyên bố thành lập Nhà nước Israel tại chính nơi này. Hầu như ngay lập tức, Ai Cập, Lebanon, Syria, Jordan và Iraq tuyên bố chiến tranh với nhà nước non trẻ, bắt đầu giai đoạn chiến tranh Ả Rập – Israel.

Một cuộc ngừng bắn được các bên liên quan tuyên bố năm 1949, thừa nhận các biên giới tạm thời gọi là Giới tuyến xanh. Theo đó Israel có thêm được 26% lãnh thổủy trị phía tây sông Jordan. Về phần Jordan thì chiếm các vùng núi rộng lớn của Judea và Samaria, sau này được gọi là Bờ Tây. Ai Cập giành quyền kiểm soát một dải đất nhỏ dọc theo bờ biển, chính là dải Gaza hiện nay.

Sau khi liên quân Ả Rập bị Israel đánh bại, khoảng 800.000 người Palestine đã bỏ chạy khỏi các khu vực bị Israel sáp nhập và trở thành những người tỵ nạn tại các nước láng giềng, vì thế đã tạo ra “Vấn đề Palestine” khiến khu vực từ đó luôn ở trong tình trạng bất an.

Tiếp theo, trong cuộc chiến tranh Ả Rập – Israel diễn ra giữa Israel với Ai Cập, Jordan và Syria trong sáu ngày hồi năm 1967, Israel đã chiếm được dải Gaza, bán đảo Sinai, vùng Bờ Tây sông Jordan và cao nguyên Golan.

Về phía người Palestine, vào năm 1958, Al-Fatah – tổ chức cách mạng đầu tiên của nhân dân Palestine, được thành lập dưới sự lãnh đạo của ông Yasser Arafat. Tiếp theo, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) thành lập năm 1964, quy tụ nhiều đảng phái khác nhau của người Palestine như Fatah (lớn nhất), PFLP và DFLP (lớn thứ nhì và thứ ba), PLF (của ông Abu Abbas hiện là tổng thống Palestine) và một số phái khác.

Năm 1969, tại “Quốc dân đại hội Palestine”, ông Arafat được chọn làm lãnh đạo toàn thể PLO và năm năm sau đó Liên đoàn Ả Rập nhìn nhận PLO như là đại diện duy nhất của người Palestine.

Ngày 15-11-1988, “Quốc dân đại hội Palestine” ra tuyên ngôn độc lập, tuyên cáo nhà nước Palestine, cho dù lúc đó họ không có mảnh đất cắm dùi chính thức nào.

Một tháng sau, tại Geneva, ông Arafat gián tiếp tuyên bố thừa nhận sự tồn tại của Israel trong phạm vi của các đường biên giới trước năm 1967. Điều này có nghĩa là dải Gaza và Bờ Tây sông Jordan không thuộc về Israel. Hoa Kỳ và Israel hoan hỉ trước tuyên bố này.

Binh sĩ Israel cầu nguyện tại một phòng tuyến ở phía nam Gaza

Cũng trong năm 1988, Quốc vương Hussein của Jordan tuyên bố chấp nhận khu vực Bờ Tây sông Jordan tách ra khỏi Jordan để cung cấp lãnh thổ cho người Palestine.

Vậy là Palestine đã hội đủ ba yếu tố cấu thành quốc gia là dân tộc, chính quyền và lãnh thổ. Khoảng 100 quốc gia lần lượt thừa nhận nhà nước Palestine mới mẻ này.

Việc ông Arafat và PLO năm 1988 thừa nhận sự tồn tại của Israel là một diễn biến hợp xu thế của thời cuộc. Bởi trước đó, vào tháng 3-1979, sau bao cuộc chiến tranh từ 1948-1956, rồi thì 1967, 1973, cuối cùng Ai Cập và Israel cũng đã ký hiệp định hòa bình, từ chỗ không nhìn nhận sự tồn tại của nhau chuyển qua thừa nhận và sống chung hòa bình, hợp tác.

Từ sau tuyên bố Geneva, PLO lẳng lặng đàm phán với Israel để rồi tiến đến Hiệp định Hòa bình Oslo năm 1993. Ngày 13-9, Thủ tướng Israel lúc ấy là Yitzhak Rabin cùng Chủ tịch PLO Yasser Arafat cùng ký kết hiệp định này tại thủ đô Washington với sự chứng thực của Tổng thống Bill Clinton. Căn cứ theo thỏa thuận trong Hiệp định, Chính quyền Palestine (PNA) được thành lập như là một nhà nước lâm thời của người Palestine và Yasser Arafat trở thành tổng thống của PNA.

Hiệp định lịch sử này là kết quả của chuỗi đối thoại giữa đại diện của chính phủ Israel và đại diện của người Palestine là PLO, tức một sự thừa nhận lẫn nhau lần đầu tiên. Động thái này đã giúp các ông Yasser Arafat, Yitzhak Rabin và Shimon Peres (Bộ trưởng Ngoại giao Israel lúc ấy) được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1994.

Năm 2003, ông Arafat rút lui, trao ghế thủ tướng lại cho ông Abu Abbas sau này đắc cử tổng thống Chính quyền Palestine.

Tháng 8-2005 chính phủ Israel trong một động tác bày tỏ thái độ hòa hoãn tích cực đã đồng ý áp dụng kế hoạch của Thủ tướng Ariel Sharon đơn phương rút khỏi Gaza, theo đó dỡ bỏ toàn bộ các khu định cư của người Israel và dời toàn bộ người định cư cùng các căn cứ quân sự khỏi dải đất hẹp này. Cuối năm 2005, chính quyền Israel chính thức tuyên bố kết thúc giai đoạn kiểm soát quân sựở dải Gaza sau 38 năm.

Dải Gaza chính thức thuộc quyền tài phán của chính quyền Palestine và họ cùng kiểm soát biên giới của dải Gaza với Ai Cập, còn Israel thì kiểm soát không phận và đường bờ biển mà Israel nói là để bảo vệ an ninh cho mình.

Hamas – không đội trời chung với Israel

Thế nhưng, không phải tất cả đều cùng suy nghĩ và thái độ như ông Arafat, hoặc ông Abu Abbas sau này thay thế ông Arafat ở ghế tổng thống Palestine.

Tổ chức Hamas ở dải Gaza hay tổ chức Hezbollah ở miền nam Lebanon là những điển hình của lập trường không đội trời chung với Israel.

Là một tổ chức chiến binh Hồi giáo chính thống hoạt động ở Bờ Tây và dải Gaza, Hamas là từ viết tắt cho Harakat
al-Muqawama al-Islamiyya (Phong trào Kháng chiến Hồi giáo). Trong tiếng Ả Rập, Hamas có nghĩa là “nhiệt huyết”.

Hamas thường được biết đến dưới vai trò là một phong trào quân sự, nhưng trên thực tế họ còn hoạt động trên nhiều lĩnh vực như tôn giáo, chính trị và an ninh. Họ thực hiện nhiều chương trình phúc lợi xã hội ở các trường học, bệnh viện và các tổ chức tôn giáo.

Thường dân Israel sơ tán khỏi hiện trường các vụ không kích

Lực lượng quân đội của tổ chức này có hơn 1.000 chiến binh cùng hàng ngàn người ủng hộ và tình nguyện viên.

Mục tiêu cao nhất của Hamas là tiêu diệt nhà nước Israel và xây dựng các chuẩn mực Hồi giáo trên toàn lãnh thổ Palestine với khẩu hiệu “Giương cao ngọn cờ Thánh Allah trên mỗi một tấc đất của Palestine”.

Hiến chương của Hamas kêu gọi hủy diệt nhà nước Israel và thay vào đó là nhà nước Palestine trong lãnh thổ bao gồm cả Israel và Bờ Tây cùng dải Gaza. Đây chính là tính hấp dẫn của Hamas đối với người Palestine, dẫn đến chiến thắng của Hamas trong cuộc bầu cử Quốc hội Palestine tháng 1-2006, giành được 76/132 ghế, trong khi phái Fatah của ông Abbas chỉ được 43 ghế. Nguyên nhân là một bộ phận lớn dân chúng Palestine nhìn phái Fatah cầm quyền từ mấy năm qua là quá nhượng bộ Israel trong khi Hamas cực kỳ cương quyết với Israel. Sau chiến thắng bất ngờ này, thành phần chính phủ mới do Thủ tướng Ismail Hanyah lãnh đạo gồm 24 thành viên chủ yếu là người của Hamas.

Phong trào Fatah, lực lượng nòng cốt trong PLO, phản đối và không hợp tác với chính phủ của Hamas.

Mâu thuẫn nội bộ Palestine càng trở nên gay gắt hơn khi vào ngày 15-6-2007, Hamas làm cuộc chính biến, dùng vũ lực chiếm toàn bộ dải Gaza, đẩy lực lượng Fatah về khu Bờ Tây. Ngay sau đó Tổng thống Abbas tuyên bố giải tán chính phủ do phe Hamas chiếm đa số và thành lập chính phủ khẩn cấp do ông S. Fayad làm thủ tướng.

 Phe Hamas vui mừng tuyên bố chiến thắng trước Israel

Từ đó đến nay, Hamas chính thức hùng cứở dải Gaza, còn Tổng thống Abu Abbas trụ lại ở Bờ Tây.

Chính quyền ở Gaza dưới sự lãnh đạo của Hamas đã bị Israel, Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu ngừng mọi khoản viện trợ, sau khi Hamas từ chối công nhận quyền tồn tại của Israel, từ chối từ bỏ bạo lực cũng như không đồng ý với những thỏa thuận trong quá khứ. Những nước này coi Hamas như một tổ chức khủng bố. Vì thế tuy hoàn toàn kiểm soát dải Gaza, Hamas đã phải đối mặt với sự cô lập ngoại giao và kinh tế của quốc tế.

Từ sau khi Hamas lên nắm toàn quyền ở Gaza, Israel bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa trên đường bộ và đường biển nhằm làm suy yếu chính quyền này. Tuy nhiên, Hamas đã vượt được các trở ngại bằng cách đào những đường hầm để vận chuyển lương thực cũng như vũ khí từ Ai Cập. Do vậy, vũ khí tối tân, máy bay trinh thám không người lái hay bom điều khiển từ xa của Israel vẫn không ngăn chặn được các vụ pháo kích của Hamas, từ đó mà xảy ra những cuộc xung đột dữ dội giữa hai bên.

* * *

Chưa một động thái nào cho thấy có triển vọng chấm dứt các vụ bắn phá ở khu vực này, mà một trong những khó khăn lớn hiện nay trong vấn đề làm trung gian hòa giải là tìm được người để đối thoại ở dải Gaza. Do châu Âu và Mỹ đều xem Hamas là một tổ chức khủng bố và không đặt quan hệ, như thế phải nhờ đến Ai Cập hoặc Syria – những nước đang ủng hộ Hamas – trong vai trò này.

Thỏa thuận ngừng bắn vừa qua được coi là thành công của các nỗ lực ngoại giao con thoi, trong đó Ai Cập đã có công lớn, cũng như sức ép mạnh mẽ của dư luận quốc tế.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế nhận định đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trên chặng đường gian nan để tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn giao tranh bắt nguồn từ mối quan hệ căng thẳng từ nhiều năm nay giữa Israel và Phong trào Hamas.

Có thể thấy điều này sẽ khó thành hiện thực một khi Hamas vẫn không từ bỏ lập trường tiên quyết là tiêu diệt nhà nước Israel, kéo theo việc Israel tất nhiên sẽ không dung thứ cho những hành động khủng bố của Hamas.

Nguyễn Nam tổng hợp

Exit mobile version