Trong gần 22 tháng qua, lực lượng quân đội Syria trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đã nỗ lực ngăn chặn cuộc nổi dậy trong nước, bạo lực nhất trong số các cuộc nổi dậy của mùa xuân Ả Rập. Theo các thống kê mới nhất, chiến sự tại quốc gia Trung Đông này đã làm khoảng 2,5 triệu người Syria bị mất nhà cửa và phải đi lánh nạn. Liên Hiệp Quốc ước tính số người thiệt mạng là hơn 10.000 người, trong đó có hàng ngàn phụ nữ và trẻ em. Và khi Syria lún sâu hơn vào tình trạng hỗn độn, một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra ở đất nước này khiến tình hình ngày càng căng thẳng.
Một cuộc tập trận với vũ khí thật của quân đội Syria
Chế độ của Tổng thống Assad đã nhập khẩu vũ khí từ nước Nga là một phần của các thỏa thuận từ lâu giữa hai nước. Theo Tổ chức tư vấn quân sự CAST của Nga, hiện các hợp đồng vũ khí mở giữa Nga và Syria lên đến khoảng 4 tỉ USD.
Về phía các nhóm nổi dậy chiến đấu nhằm lật đổ Tổng thống Assad họ cũng đang nhận được vũ khí từ nước ngoài, điều này khiến cuộc khủng hoảng ở Syria giống như một cuộc xung đột gián tiếp giữa các cường quốc, trong đó đường dây bảo trợ của nó không chỉ từ Moscow mà còn kéo dài qua thế giới Ả Rập và đến tận Washington.
Lợi ích của nước lớn
Nga, Mỹ và châu Âu đều có những lợi ích không nhỏ trong cuộc đấu tranh ở Syria, như hầu hết mọi giáo phái và phe phái sắc tộc ở Trung Đông. Tuy chưa có nước ngoài nào cam kết gửi binh lính, nhưng các phương tiện can dự đều thông qua một cuộc chạy đua vũ trang.
Phương Tây và các đồng minh Ả Rập cho rằng việc ủng hộ lực lượng nổi dậy là cách ít rủi ro để giữ cân bằng trên chiến trường đủ lâu để thuyết phục Assad từ chức.
Đối với châu Âu, mục tiêu thay đổi chế độ được ngầm hiểu là để cho một ống dẫn dầu có thể được xây dựng từ vùng Vịnh đến Địa Trung Hải. Đối với Mỹ, điều họ mong muốn là Iran sẽ bị cô lập khi đồng minh lớn duy nhất ở Trung Đông là Syria sụp đổ.
Ngay từ khi cuộc khủng hoảng ở Syria bùng lên hồi đầu năm 2011, nhiều người đã đặt câu hỏi, vì sao Nga và Trung Quốc lại sẵn sàng đối mặt với các cường quốc quan trọng chỉ để bảo vệ một chế độ bị xem là tàn ác ở một đất nước nhỏ bé tại Trung Đông?
Theo các nhà quan sát, Syria là một trong những đồng minh quan trọng và hiếm hoi của Nga ở khu vực Trung Đông. Nếu để mất “sân sau” này, Moscow sẽ mất rất nhiều lợi ích. Trước hết, Nga sẽ không còn giữ được ảnh hưởng và vị thếở Trung Đông. Kế đến, Syria là khách hàng vũ khí lớn hàng đầu của Nga. Nếu quay lưng lại với Syria, Nga sẽ mất nhiều hợp đồng vũ khí béo bở. Chưa hết, Syria còn là nơi Nga có một căn cứ hải quân quan trọng tại bờ biển Địa Trung Hải.
Không có mấy lợi ích và ảnh hưởng ở Syria nhưng Trung Quốc lại có chung một động cơ với Nga để bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad. Đó là sự lo ngại về việc các nước phương Tây can thiệp và mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông. Nga và Trung Quốc tin rằng, nếu họủng hộ việc phương Tây can thiệp vào Syria thì chắc chắn điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu sau này.
Vũ khí đổ vào điểm nóng
Các nguồn tin của chính quyền và Quốc hội Mỹ nói rằng trong mấy tháng qua, Bộ Ngoại giao nước này đã làm việc để thiết lập mối quan hệ với các tổ chức đối lập ở Syria và đang lên kế hoạch mở cơ quan ở Istanbul để thẩm tra xem liệu các tổ chức này có các mối quan hệ với al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác hay không.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (trái) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad
Ngoại trưởng Hillary Clinton cam kết Mỹ tiếp tục tránh bán vũ khí trực tiếp và chưa nói đến sự can thiệp quân sự. Bà khẳng định tại một cuộc họp bàn về cuộc khủng hoảng này ở Paris: “Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ phương tiện không sát thương để giúp những người bên trong Syria tiến hành cuộc đấu tranh. Sự giúp đỡ đó bao gồm thiết bị thông tin và huấn luyện”.
Các nguồn tin đáng tin cậy nói rằng các nước như Qatar, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang cung cấp vũ khí hoặc ngân quỹ cho phe nổi dậy. Thế nhưng quan chức cả ba nước này đến nay vẫn không bình luận gì cũng như không công khai thừa nhận cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy.
Theo các dữ liệu về buôn bán vũ khí từ các nguồn công khai, Syria đã tăng gấp gần sáu lần số lượng vũ khí mua sắm trong năm năm qua và ít nhất 78% số vũ khí này xuất phát từ Nga, nước buôn bán vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
Chỉ vượt qua biên giới từ Syria, dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, là cơ ngơi của một trong những nhà buôn bán vũ khí hàng đầu của Bắc Lebanon. Abu Saddam, nhà buôn vũ khí Lebanon, nói rằng các khách hàng của ông ở Syria đang dự trữ vũ khí không phải để lật đổ Assad mà để chuẩn bị cho cuộc tàn sát khởi đầu sau khi chế độ Assad sụp đổ.
Các bên tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang của Syria còn có tổ chức Anh em Hồi giáo, được xem là tích cực nhất trong việc ủng hộ lực lượng nổi dậy. Molham Aldrobi, một thành viên điều hành của tổ chức này và là thành viên sáng lập của Hội đồng Dân tộc Syria, nói rằng tổ chức của ông đã và đang cung cấp “mọi hình thức ủng hộ”, từ hậu cần và viện trợ tài chính cho đến vũ khí. Aldrobi nói với tạp chí Time: “Chúng tôi đang tìm cách có được bất cứ cái gì có hiệu quả hơn và có hiệu quả hơn nữa trong cuộc đấu tranh chống lại Assad”.
Theo những phân tích của Nga thì phương Tây đang tìm cách kiểm soát dòng vũ khí đổ đến cho lực lượng nổi dậy, chủ yếu thông qua các đồng minh người Sunni, như Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh. Ordzhonikidze, nhà ngoại giao Nga, mỉa mai: “Chắc chắn không ai nghĩ rằng một nước nhỏ bé như Qatar đang hành động một mình trong lĩnh vực này”.
Giới quan sát cho rằng một phần lý do mà phương Tây chưa sẵn sàng trao pháo hạng nặng cho lực lượng nổi dậy là vì không nước nào muốn vội vàng lao vào chiến tranh ngay bây giờ. Do đó người ta sẽ chứng kiến tại Syria một cuộc xung đột mượn tay người khác tiếp tục diễn ra, điều đó cũng có nghĩa là các nước vùng Vịnh, Nga, Iran và Mỹ đang cố gắng đóng vai trọng tài có thiên vị.
Các loại súng bộ binh của phe nổi dậy không thể đấu lại trọng pháo, xe tăng và máy bay trực thăng vũ trang của quân chính phủ. Sự giúp đỡ của các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh có thể đã được phóng đại. Sự hậu thuẫn của Ả Rập Saudi có vẻ như “nói nhiều, làm ít”, trong khi Qatar chỉ cung cấp tiền mặt để mua vũ khí chống tăng và súng phóng lựu ở Lebanon. Cho đến nay, Qatar không trực tiếp cung cấp cho quân nổi dậy các loại vũ khí tinh vi hơn.
Tên lửa từ các nước Ả Rập láng giềng cung cấp cho nhóm FSA
Tuy Quân đội Syria Tự do (FSA) đối lập đã chiếm được một số vũ khí hạng nặng, trong đó có xe tăng do Nga chế tạo, nhưng nhìn toàn cục, vũ khí chính của FSA vẫn là AK-47 và súng phóng lựu. Dù có súng phòng không gắn trên một số xe tải nhỏ, nhưng họ lại thiếu nguồn cung cấp đạn dược ổn định. Một số tin tức nói rằng quân FSA hiện chiếm được một số tên lửa chống tăng Kornet của Nga có thể bắn trúng mục tiêu ở xa hơn 5km và có tên lửa phòng không vác vai Manpad.
Mới đây nhất, vào ngày 12-11, đại diện của Hội đồng dân tộc Syria đối lập cho biết, họ đã nhận được sự đảm bảo của không dưới 10 chính phủ châu Âu trong việc cung cấp vũ khí để chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Trong lúc này, tình hình ở đất nước Syria vẫn diễn ra căng thẳng với các cuộc giao tranh ác liệt không ngừng giữa quân chính phủ và phe nổi dậy cùng với hàng loạt các vụ đánh bom tự sát liên tiếp xảy ra.
Tình hình trên không cho thấy cuộc chạy đua vũ trang giữa các phe ở Syria sẽ sớm chấm dứt. Cả lực lượng vũ trang Syria lẫn quân nổi dậy dường như không thể giành thắng lợi hoàn toàn. Cả hai đều có khả năng đánh chiếm, nhưng lại không có khả năng giữ đất. Quân nổi dậy có lợi thế bên ngoài các trung tâm dân cư chính và bây giờ có lẽ đã kiểm soát hơn một nửa các làng mạc và thị trấn nhỏ, chủ yếu là ở miền Tây Syria, nhưng mới đây đã bị lực lượng của chính phủ đẩy lùi, khi họ tìm cách đánh chiếm một trong những thành phố chính như Homs, Hama và một vài quận của thủ đô Damacus.
Diễn biến mới nhất
Mặc dù đối mặt với các vụ đào tẩu của hàng chục viên tướng và có lẽ hàng ngàn binh sĩ, đến nay không một đơn vị đầy đủ nào của quân chính phủ chạy sang hàng ngũ phiến quân, trong khi các cơ cấu chỉ huy cấp cao vẫn còn nguyên vẹn.
Lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad trên đường phố
Khi cuộc chiến Syria đang bị biến thành xung đột giáo phái và lòng tin vào sự trung thành của các binh sĩ người Hồi giáo Sunni chiếm đa số bị đánh mất thì gánh nặng chiến đấu đã được đặt lên vai Lực lượng Vệ binh Cộng hòa và Sư đoàn bộ binh cơ giới số 4 của Maher Assad, em trai của Tổng thống Basharal-Assad. Cả hai lực lượng trên đều bao gồm những sĩ quan binh lính người Alawite thiểu số trung thành với gia tộc Assad. Với các vũ khí hiện đại nhất và được huấn luyện tốt nhất, lực lượng bao gồm 50.000 quân này có thể chiến đấu đến cùng. Lực lượng không quân Syria cũng là một thành trì nữa của người Alawite.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsyr của Nga bán cho Syria
Trong khi đó, vào ngày 11-11 ở thủ đô Doha của Qatar, các nhóm đối lập tại Syria đã công bố thành lập liên minh mới ở với sự tham dự của hơn 400 đại diện thuộc 29 nhóm đối lập. “Liên minh các lực lượng dân tộc đối lập và cách mạng Syria” với thành phần tập hợp rộng rãi đại diện của các nhóm đối lập trong và ngoài nước, đã bầu ông Khatib, một giáo sĩ ôn hòa sinh năm 1960, làm lãnh đạo với 54/58 phiếu ủng hộ. Liên minh mới đặt trụ sở tại thủ đô Cairo của Ai Cập và sẽ tập trung vào việc thành lập một chính quyền quá độở Syria cho thời kỳ “hậu Bashar al-Assad”, đồng thời tiếp tục vận động các cường quốc công nhận lực lượng này là chính phủ hợp pháp của Syria.
Phản ứng của các cường quốc rất khác nhau trước sự kiện liên minh mới được hình thành.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày
14-11 cho biết Mỹ phấn khích với việc một liên minh đối lập mới được thành lập ở Syria, song chưa sẵn sàng công nhận đây là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Syria.
Phát biểu với báo chí trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi tái cử, Tổng thống Obama nói: “Chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng công nhận lực lượng đó như là một dạng chính phủ lưu vong mà chỉ là một nhóm đại diện rộng rãi”. Ông cũng bày tỏ quan ngại rằng “một số phần tử cực đoan đã trà trộn vào lực lượng đối lập này”, đồng thời khẳng định Mỹ chưa xem xét cấp vũ khí cho lực lượng đối lập do lo ngại vũ khí có thể rơi vào tay các phần tử cực đoan.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 14-11 nhấn mạnh rằng ưu tiên hiện nay là chấm dứt bạo lực và đổ máu ở Syria hơn là lập ra một nhóm đối lập.
Về phía Trung Quốc thì cho biết sẽ tiếp tục tiếp xúc với tất cả các bên liên quan ở Syria và khích lệ họ tìm kiếm các giải pháp lâu dài thông qua đối thoại chứ không phải bằng vũ lực.
Còn Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhận định việc phe đối lập Syria thành lập liên minh mới là “một bước tiến quan trọng”.
Nhóm FSA phóng tên lửa vào nơi trú ẩn của quân đội ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad
Người Pháp tỏ ra tích cực hơn cả khi Tổng thống François Hollande hôm 17-11 tuyên bố liên minh thống nhất được phe nổi dậy thành lập là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Syria và là chính phủ tương lai của một nước Syria dân chủ. Ông Hollande cho biết Pháp sẽ cứu xét chuyện bán vũ khí cho quân nổi dậy ngay khi liên minh lập ra một chính phủ chuyển tiếp.
Hội đồng hợp tác vùng Vịnh gồm sáu quốc gia cũng đã công nhận liên minh mới này. Các nước châu Âu khác và Liên đoàn Ả Rập thì lên tiếng ủng hộ liên minh mới, nhưng chưa sẵn sàng để công nhận toàn diện.
Riêng Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi liên minh mới gửi đi một thông điệp rõ ràng cho quân nổi dậy đề nghị họ phải tuân theo luật nhân quyền, đồng thời thúc giục những nước gửi vũ khí và tiền bạc cho quân nổi dậy Syria cũng bày tỏ các yêu cầu tương tự.
Lê Viết Đỉnh tổng hợp