Standard Chartered Marathon Singapore (SCMS) được tổ chức hằng năm vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 12 đang là giải chạy lớn nhất khu vực Đông Nam Á cả về quy mô, chất lượng và số tiền thưởng.
Số lượng người tham gia đến từ Việt Nam cũng ngày một đông. Trên blog Feddypham.wordpress.com, anh Feddy Phạm – người sáng lập hội chạy bộ SRC đã chia sẻ: “Với những gì tôi đã trải qua suốt ba ngày, giải SCMS đúng là một ngày hội chạy bộ xứng tầm khu vực và thế giới mà bất kỳ người chạy marathon nào cũng nên tham gia”.
Theo số liệu từ ban tổ chức, giải tổ chức năm 2015 đã thu hút được khoảng 50 ngàn vận động viên ở các cự ly full marathon (42km), half marathon (21km) và 10km. Tại sao chúng ta không là những người trong số đó? Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu những điều mà anh Feddy Phạm muốn trao đổi với những ai có ý định chinh phục SCMS năm nay.
1. Lên kế hoạch sớm: Đăng ký giải sớm và đặt ngay vé máy bay để có được giá tốt nhất. Năm ngoái, nhóm của anh đặt vé khứ hồi của VietjetAir SGN-SIN-SGN chỉ tốn 2.000.000 đồng/người. Bay từ Hà Nội tất nhiên chi phí sẽ cao hơn. Phí đăng ký chạy marathon (thông thường) tốn 128 SGD cũng khoảng 2.000.000 đồng/người (có thể thấp hơn nếu đăng ký sớm từ giữa năm). Chỗ ở thì nên đặt nguyên căn hộ nhiều phòng cho cả đoàn và chọn nơi gần khu vực xuất phát để tiết kiệm chi phí và thuận tiện di chuyển, ví dụ các khu vực cách ga tàu điện ngầm MRT không quá một cây số.
2. Tham gia một số giải marathon trong nước, chẳng hạn Cần Giờ Marathon vào tháng 11 để thử sức ở chặng đường 42km trước khi đến với SCMS vào tháng 12.
3. Nếu có ý định tham quan Singapore hay đi mua sắm thì thực hiện sau cuộc thi. Trước cuộc khi, nên hạn chế đi lại nhiều để giữ cho đôi chân trong trạng thái ổn định nhất trước giờ G. Không nên thử những món ăn mới tại đây vì hệ tiêu hóa có thể bất ổn trong suốt thời gian chạy hôm sáng Chủ nhật. Nên ăn những món ăn an toàn, nhẹ nhàng tại các tổ hợp quán ăn (foodcourt), tránh ăn hải sản hay những món nhiều dầu mỡ, khó tiêu.
4. Tích cực chuẩn bị. Dậy sớm trước thời điểm xuất phát khoảng hai giờ để vệ sinh cá nhân, ăn sáng, chuẩn bị đồ đạc và di chuyển đến khu vực xuất phát. Nên liệt kê ra giấy những thứ cần chuẩn bị cho ngày chạy để đảm bảo không để sót thứ gì khi ra khỏi nhà, bao gồm:
– Giày, quần áo, vớ, bó tay, bó chân, đai đeo bình nước. Không nên sử dụng đồ mới toanh để đi thi cơ thể có thể không thích nghi được. Giày đã chạy khoảng 100km trước dùng để chạy giải là hợp lý nhất.
– Nón lưỡi trai kín đầu hoặc nửa đầu và mắt kính (nếu cần). Sau 7 giờ sáng, nắng lên rất nhanh và nón sẽ trở nên rất hữu dụng.
– Số bib được ghim sẵn vào áo hoặc gắn vào đai đeo bib.
– Thẻ EZ-Link để đi tàu điện ngầm MRT.
– Mang theo tiền đủ để mua nước, đồ ăn sau khi kết thúc giải (không có quầy bán nước và đồ ăn trong khu vực sự kiện, mà nước và thực phẩm tài trợ thường hết rất nhanh) và tiền đi taxi về lại nơi nghỉ nếu không còn đi bộ nổi nữa.
5. Hãy chạy đúng tốc độ của mình! Không khí náo nhiệt lúc xuất phát rất dễ đẩy bạn vào trạng thái hưng phấn trong chặng đầu tiên và vô hình trung bị cuốn theo tốc độ của người khác. Luôn theo dõi sát sao nhịp chạy hoặc tốc độ chạy trong sáu hay bảy phút (pace) qua đồng hồ GPS có tích hợp hệ thống định vị toàn cầu để chạy không quá nhanh, cũng không quá chậm so với mục tiêu. Nên để ý đến nhóm người chạy phía trước để giữ cự ly.
6. Không nên bỏ qua bất kỳ trạm tiếp nước hay gel năng lượng, chuối của BTC. Dừng lại một vài giây để uống nước, hoặc đổ nước lên đầu, lên vai để làm dịu cơn nóng sẽ không làm thời gian chạy chậm đi. Nếu cơ thể không có khoảng thời gian nghỉ, không được làm mát thì dễ bị kiệt sức ở những chặng cuối.
7. Thách thức thật sự nằm ở 10km cuối đối với cự ly chạy 42km vì lúc đó Mặt trời đã lên cao và phải chạy qua những khu vực không có bóng cây, lại nhiều cầu và dốc, đòi hỏi sự tập trung cao độ và tinh thần thép. Nên chuẩn bị tâm lý thật tốt để vượt qua đoạn đường này.
8. Khoảng ba, bốn kilomet cuối cùng cũng đầy thử thách vì đoàn chạy 21km và 10km bắt đầu nhập chung với nhóm full marathon tạo thành một biển người chuyển động. Nhiều người đã đi bộ tà tà về đích. Nếu muốn bù đắp cho thời gian chạy chậm trước đó, phải khéo léo luồn lách để vượt qua từng làn người. Mép bên phải đường luôn là lối dễ thở nhất vì người đi bộ có khuynh hướng đi bên trái và nhường bên phải cho những người muốn vượt lên. Lúc này, những cây cầu bỗng biến thành những quái vật chỉ muốn hạ đo ván đôi chân đã quá mệt mỏi.
9. Tại 100m cuối đường đua sẽ có hàng ngàn ánh mắt hướng về vạch đích, hàng chục camera đang chờ đợi để chộp được những khoảnh khắc đẹp nhất của các vận động viên. Vì thế, nếu có đau, có mệt thì cũng ráng mỉm cười thật tươi đúng lúc để có được những tấm ảnh “để đời”.
10. Cùng nhóm bạn chọn một vị trí thuận lợi phía sau hàng rào bên hông vạch đích để có thể cổ vũ cho các thành viên khác đang tiếp tục về đích. Đừng quên lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ cùng đồng đội và người thân tại khu vực sự kiện với huy chương về đích (finisher medal) trên cổ và khoác áo về đích (finisher T-shirt)!
11. Hãy thưởng cho bản thân một bữa trưa thịnh soạn ngay sau khi kết thúc giải để nạp lại năng lượng đã bị tiêu hao. Ngoài ra, nên chăm sóc đôi chân bằng cách chườm đá vào các vùng cơ bị căng kết hợp gel xoa bóp mỗi ngày hai lần.
12. Sau cuộc thi hai ngày, có thể chạy nhẹ dưới 5km với vận tốc chậm để hồi phục cơ bắp. Chú ý lắng nghe cơ thể xem có những dấu hiệu của chấn thương hay không để kịp thời điều trị.
Để chuyến đi đến quốc đảo Sư tử tham gia giải SCMS thú vị hơn, bạn nên đăng ký tham gia vào các câu lạc bộ chạy bộ ở Việt Nam như Sunday Running Club trên Facebook. Họ thường kết nối bạn bè đi theo nhóm để chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau hòa vào không khí náo nhiệt với hàng chục ngàn vận động viên từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về.
- F.P