Sở hữu nội dung đưa người xem đi từ bất ngờ này sang ngạc nhiên khác, “Cú Máy Chết Cười” không chỉ đem lại vô số tràng cười sảng khoái, mà còn gửi gắm thông điệp ý nghĩa tới cộng đồng làm phim độc lập nói riêng, lẫn những ai yêu thích điện ảnh nói chung.
Mỗi lần nhắc đến dòng phim xác sống, người xem đại chúng thường liên tưởng tới loạt hình ảnh hoang tàn, kinh dị hay đậm chất bạo lực máu me. Tuy nhiên, không ít tác phẩm dẫu khai thác chủ đề trên nhưng vẫn tìm thấy cho mình lối đi khác biệt, và Cú Máy Chết Cười (tên quốc tế: Final Cut) do đạo diễn từng đoạt giải Oscar Michel Hazanavicius cầm trịch là ví dụ tiêu biểu.
Được làm lại từ cú hích phòng vé năm 2019 Quay Trối Chết (One Cut of the Dead), Cú Máy Chết Cười xoay quanh một đoàn phim độc lập đang thực hiện dự án lấy đề tài zombie. Vì chẳng đủ tiền thuê mướn bối cảnh, bọn họ đành “mượn” tạm khu nhà bỏ hoang để bấm máy. Thế rồi, cơn ác mộng bất ngờ ập đến khi các thành viên trong đoàn lần lượt đụng độ lũ xác sống bằng xương bằng thịt tại đây.
Mặc dù cốt truyện thoạt nghe có vẻ đơn giản, tác phẩm vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ lối dẫn dắt hết sức thông minh. Sử dụng kết cấu nghịch đảo không theo cấu trúc 3 hồi truyền thống, hành trình ghi hình sóng gió mà ekip số nhọ ấy trải qua đảm bảo sẽ đưa khán giả đi từ sửng sốt này sang ngạc nhiên kia, thậm chí thay đổi cả những nhận định trước đấy của bạn về dàn nhân vật.
Bên cạnh nội dung hấp dẫn, Cú Máy Chết Cười cũng kế thừa tốt không khí hài hước, yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho phần phim gốc năm 2019. Thông thường, có 2 thứ khiến chúng ta thích thú khi lắng nghe một câu chuyện, đó hoặc là bản chất/tình tiết trong câu chuyện ấy, hoặc là bản thân chính người kể nó. Ở đứa con tinh thần do Michel Hazanavicius cầm trịch, tiếng cười xuất phát từ cả 2 khía cạnh trên.
Khoảng 1/3 thời lượng ban đầu, tác phẩm làm bạn mỉm cười thương hại bởi vẻ ngớ ngẩn, biểu cảm gượng gạo trông rất thiếu chuyên nghiệp nơi các diễn viên tham gia dự án zombie. Thế nhưng càng trở về sau, bạn sẽ nhận ra những khoảnh khắc tưởng chừng “xàm xí” này đều xuất hiện có chủ đích, rồi bật cười thán phục trước sự tính toán lẫn sắp xếp quá đỗi tài tình của tổ biên kịch.
Nhằm giúp đứa con tinh thần thoát khỏi cái bóng lớn có tên Quay Trối Chết, vị đạo diễn Pháp từng giành tượng vàng Oscar đã sáng tạo thêm kha khá nét chấm phá lý thú. Một số tình huống, sự kiện tại bản cũ giờ đây được chỉnh sửa, biến tấu cho phù hợp với bối cảnh lẫn văn hóa đất nước hình lục lăng, hay cường điệu lên hẳn tầm cao mới lầy lội và trớ trêu hơn gấp bội.
Chưa kể, ông cũng mạnh dạn thay đổi vài chi tiết trong quá trình ekip nhà nghèo tiến hành ghi hình dự án zombie đầu phim. Điều đó giúp cú one-shot (quay liên tục không ngừng nghỉ, xử lý cắt dựng) xuyên suốt 37 phút của Michel Hazanavicius vừa sở hữu nhiều điểm nhấn mới mẻ, vừa mang đậm dấu ấn cá nhân đạo diễn từ góc máy tới khâu dàn dựng.
Ngoài pha one-shot kỳ công cùng kịch bản cuốn hút đến tận phút chót, Cú Máy Chết Cười còn chinh phục các khán giả, nhất là giới làm nghề khi thẳng thắn giễu nhại thực trạng ngành phim. Đơn cử, để lấy được tiền ở nhà tài trợ, những ekip thấp cổ bé họng buộc phải chấp nhận hàng loạt đòi hỏi vô lý do họ đề xuất; dàn diễn viên trẻ thì lại quá lười nhác lẫn chỉ biết chăm chăm gìn giữ hình tượng…
Qua đấy, tác phẩm đã gửi gắm tới người xem “lá thư tình” chứa đựng thông điệp đầy ý nghĩa: làm phim là công việc đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cả tập thể; và dù khó khăn, thiếu hụt kinh phí hay trang thiết bị tới mấy, tình yêu nghề cộng tinh thần đoàn kết sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả.
Không chỉ gìn giữ vẹn nguyên những giá trị tinh hoa nơi nguyên tác, Cú Máy Chết Cười còn tạo được cho mình màu sắc riêng, cũng như tiếp tục truyền lửa nhiệt huyết đến cộng đồng yêu điện ảnh nói chung lẫn các ekip trẻ nói riêng. Đây là một bộ phim tuy nhỏ mà có võ, cực kì xứng đáng để thưởng thức tại rạp vào cuối tháng 2 này. Phim Cú Máy Chết Cười (Final Cut) khởi chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc từ ngày 24/02/2023.