Hình ảnh mới của công viên bến Bạch Đằng tuy còn nhiều tranh cãi (đa số ý kiến cho rằng vẫn còn khô khan, thiếu bóng mát cây xanh, chưa chú ý đến các điểm nhấn lịch sử…) nhưng trong tổng thể, cũng cho thấy diện mạo sáng sủa hơn nhiều so với vẻ ngổn ngang nhếch nhác trước đây.
Những bức ảnh chụp từ fly-cam bay trên sông Sài Gòn nhìn vào “mặt tiền” trung tâm đã thoáng đãng, tôn thêm mặt tiền khang trang của một thành phố hướng giang. Câu chuyện này lại đánh thức một ý tưởng, đúng hơn, là một khao khát của những nhà quy hoạch bấy lâu loay hoay với câu hỏi làm sao để Sài Gòn có một dải công viên vành đai sông uốn lượn duyên dáng và hiện đại?
Chỉnh trang đô thị đi cùng với các ý tưởng kết nối không gian công cộng dọc đôi bờ sông Sài Gòn là vấn đề được bàn bạc nhiều trong vài chục năm qua, không phải chờ đến bây giờ mới được đề cập. Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây trên tờ Tuổi Trẻ, KTS. Huỳnh Xuân Thụ đã chia sẻ câu chuyện ông và KTS. Lê Văn Năm (nguyên kiến trúc sư trưởng của TP.HCM) đã dành nhiều ngày để đi khảo sát, vẽ lại cảnh quan ven bờ sông Sài Gòn đoạn từ Bến Nhà Rồng đến cầu Sài Gòn.
Theo ông, đó là 5km con đường di sản của thành phố. Có thể hiểu, di sản mà ông nói ở đây chính là dòng sông và những công trình, dấu chỉ vật chất mà lịch sử trăm năm để lại ở trên đôi bờ. Nếu mở lăng kính theo ý tưởng này, ta thấy tiềm năng của không gian công cộng gắn với sông Sài Gòn có thể còn vươn xa hơn, nới rộng lên đến bán đảo Thanh Đa hay cầu Bình Lợi của quận Bình Thạnh và kéo dài thậm chí đến cầu Tân Thuận của quận 7.
Hãy tưởng tượng khi phi cơ giảm độ cao để hạ cánh, hình ảnh thành phố đi vào ấn tượng của du khách là khúc sông uốn lượn, được tô điểm bởi những đường cong mềm mại của công viên bên những cây cầu hiện đại, những khu phố di sản bên những tòa cao ốc hướng đến tương lai. Hình ảnh văn minh đó có lẽ đã được phác thảo không ít lần trên các bản ghi chép của các kiến trúc sư nhận ra giá trị dòng sông mang lại cho thành phố. Nhưng rồi mọi thứ chỉ dừng ở đó, thực tế là những bước chuyển chậm chạp và manh mún.
Sự xuất hiện của những đại dự án bất động sản đã biến đôi bờ sông đoạn qua Thủ Thiêm trở thành những khu đất vàng và theo đó, không gian lẽ ra được phát triển theo hướng công cộng thì đã được chỉnh trang theo lợi ích cục bộ của các nhà đầu tư, mang lại lợi ích nhiều nhất cho cảnh quan bất động sản của các nhà đầu tư. Điều này có thể cảm nhận rõ khi ta đi dạo trên những bờ kè sông tươm tất nhưng chật hẹp gần như kết nối với khuôn viên của các khu cư dân cao cấp nhiều hơn cởi mở với cộng đồng. Không gian công cộng đã biến thành “tư cộng” đầy uyển chuyển bởi ngay từ đầu, việc triển khai chỉnh trang và quy hoạch thiếu đi những tính toán đồng bộ và nhất quán.
Khi nguyên tắc tham gia tài trợ, xã hội hóa không theo một chuẩn mực chung, lại được tiến hành manh mún vào nhiều thời kỳ “lịch sử” khác nhau, nên việc tới ngang đâu chia phần ngang đó, thì mỗi nhà đầu tư sẽ can dự vào một ít theo cách của mình, khó có thể đảm bảo giá trị nhất quán cho cảnh quan công cộng.
Sự xuất hiện của những đại dự án bất động sản đã biến đôi bờ sông đoạn qua Thủ Thiêm trở thành những khu đất vàng và theo đó, không gian lẽ ra được phát triển theo hướng công cộng thì đã được chỉnh trang theo lợi ích cục bộ của các nhà đầu tư, mang lại lợi ích nhiều nhất cho cảnh quan bất động sản của các nhà đầu tư.
Về lợi ích của các không gian công cộng trong phát triển, không cần phải đi quá xa, nhìn sang những thành phố hiện đại có dòng sông đi qua trung tâm trong khu vực, ta có thể nhận ra giá trị mà dải công viên ven sông Singapore từ cầu Tan Kim Seng nối Boat Quay, Empress Place, Clarke Quay và Robertson Quay mang lại cho đời sống cảnh quan công cộng và dịch vụ du lịch của đảo quốc này. Giá trị khai thác du lịch cảnh quan mà dòng sông Chao Phraya mang lại cho Bangkok khi nhiều đoạn ven sông được thiết kế mảng xanh công cộng và phát triển dịch vụ vệ tinh, quảng bá di sản… cũng là câu chuyện đáng tham khảo.
Làm sống lại hình ảnh một thành phố hướng giang, có lẽ phải bắt đầu từ phép tính kết nối bộ mặt của đôi bờ sông gắn liền với sinh khí tự nhiên và văn hóa của thành phố. Việc tiếp theo đó là giải cứu môi trường của dòng sông và những tuyến kênh để các kè sông phải trở thành không gian cho chính người dân thành phố hít thở và thụ hưởng không khí trong lành, giao tiếp cộng đồng lành mạnh.
Xã hội hóa trong việc cải tạo và thiết kế lại những công viên, không gian công cộng trong đô thị là một hướng mở, huy động được nhiều nguồn lực, đem lại giá trị cho cảnh quan công cộng. Nhưng một cơ chế mời gọi, ghi nhận đóng góp song song với điều kiện tôn trọng các giá trị cộng đồng cần được xác lập bằng một hệ thống thỏa ước đồng bộ, rõ ràng thì xã hội hóa mới không trở thành cơ hội để chủ đầu tư, nhà tài trợ áp đặt hình mẫu hay tệ hại hơn là biến công viên thành… tư viên.