Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Thái Minh – Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, được biết đến là một trong những đảng viên đầu tiên làm kinh tế tư nhân. Tốt nghiệp kỹ sư hàng không ở Liên Xô, sau 11 năm tham gia quân ngũ, ông được Nhà nước cử đi học ở Liên Xô lần thứ hai, chuẩn bị nhân lực cho chương trình xây dựng máy gia tốc hạt nhân. Tuy nhiên, sáu năm sau, khi ông về nước thì chương trình này không triển khai được do thiếu kinh phí. Cũng kể từ đó, ông chuyển sang làm kinh tế tư nhân. Vậy mà sau hơn 25 năm lăn lộn trong thương trường, trải qua nhiều công việc khác nhau, người đàn ông trung niên này lại thừa nhận rằng mình không có một cái nghề thực sự.
Thời gian gần đây, ông được nhắc đến nhiều với việc được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh, đề cử ứng cử đại biểu quốc hội khóa XII. Cũng giống như lần đầu tiên tự ứng cử, ông thất bại. Không nói chuyện làm ăn, cũng không phải chuyện Quốc hội, mà cuộc trao đổi giữa chúng tôi lại bắt đầu từ một trải nghiệm trở thành một trong những nỗi ám ảnh của ông. Ông nói:
Cách nay chưa lâu, khi chúng tôi đến trao học bổng cho hai học sinh, là chị em ruột, cùng học tại một trường ở vùng cao, thì chỉ có người chị lên nhận. Hỏi ra mới biết hai chị em mặc chung một cái quần lành. Người chị đi học ca sáng, còn người em học ca chiều. Thời chiến, thiếu thốn đủ thứ, nhưng chúng ta vẫn mang giáo dục về được những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất. Với vùng sâu vùng xa, đồng bào còn nhiều khó khăn, tại sao không thể tổ chức cho học trò một bữa ăn miễn phí ở trường, dù khẩu phần chỉ có cơm, rau và mắm. Làm được như vậy thì giáo viên không cần phải đến từng gia đình vận động trẻ em đến trường. Chính các bậc phụ huynh sẽ tự nguyện cho con đến trường. Ở những nơi xa xôi như vậy, có lẽ các em cũng chỉ cần biết đọc, biết viết. Để đưa một người lính lên những nơi ấy, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng những em nhỏ đó, khi trưởng thành, sẽ trở thành những người lính cầm súng bảo vệ mảnh đất mà các em gắn bó như máu thịt. Khoan nói đến cái đề án 70.000 tỉ đồng ngành giáo dục vừa công bố khiến dư luận ầm ĩ, tại sao ngân sách dành cho quốc phòng không trích ra một phần kinh phí để làm điều đó. Chính những điều vô lý trong cuộc sống là lý do thôi thúc tôi tranh cử, dù biết xác suất thành công là rất thấp.
____
Cụ thể là bao nhiêu, theo ông?
Tự ứng cử thì xác suất khoảng 10%, còn được đề cử, mà không giữ trọng trách trong chính quyền, như tôi, là 20%. Nhưng đối với một việc tốt, chỉ 5% khả năng thành công cũng đáng để làm, 10% là lớn, 20% là quá lớn. Cuộc sống không cho người ta nhiều khả năng thành công để làm một việc tốt. Tôi nghĩ khi trở thành đại biểu quốc hội, mình có cơ hội để nói và làm, biết đâu khi Quốc hội bỏ phiếu về một vấn đề quan trọng nào đó có tỷ lệ ủng hộ và phản đối rất sít sao thì lá phiếu của mình có thể làm thay đổi cục diện. Cũng giống như chuyện đun nước. Ở nhiệt độ 700C, 800C, thậm chí 990C, nước vẫn ấm, nhưng thêm 10 nữa thì thay đổi toàn bộ trạng thái của nước. Có khi vào một thời khắc nào đó, tôi lại là 10C cuối cùng.
____
Thực tế là phần lớn đại biểu Quốc hội hiện này là kiêm nhiệm. Việc những đại biểu này cùng lúc gánh nhiều vai trò như vậy có ảnh hưởng như thế nào đến tính chuyên nghiệp của Quốc hội?
Tôi quản lý doanh nghiệp, chỉ vắng mặt tại công ty một tuần, là công việc đã rối beng. Tôi không hiểu tại sao những chủ tịch tỉnh, hằng năm đi họp tại Quốc hội khoảng ba tháng, nếu là ủy viên trung ương Đảng thì mất thêm gần hai tháng nữa, tức là vắng mặt tại nhiệm sở khoảng năm tháng, mà không ảnh hưởng đến công việc. Như vậy thì chỉ có hai khả năng, hoặc là các vị quá giỏi, hoặc là thừa. Thêm nữa, khi các bộ trưởng đều là đại biểu quốc hội thì ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phản biện. Tôi chưa thấy một ông bộ trưởng nào chất vấn thủ tướng, chưa thấy một ông chủ tịch tỉnh A chất vấn người đồng cấp ở tỉnh B… Trong các phiên họp Quốc hội, một số đại biểu hay chất vấn thường là những người giữ ít trọng trách nhất. Ngày cha tôi còn sống, có lần vào phòng riêng của ông, tôi đọc được một lá thư tay của ông Võ Văn Kiệt, còn là lãnh đạo TP. Chí Minh, đề nghị không ra ứng cử đại biểu quốc hội vì có quá nhiều việc cần phải giải quyết. Lúc ấy tôi cũng chưa hiểu hết ông Kiệt…
____
Rồi lời đề nghị của ông Võ Văn Kiệt có được chấp nhận?
Hình như là có. Nhưng vấn đề, theo tôi nghĩ, không phải là được chấp nhận hay không, mà việc ông đề nghị không ra ứng cử đại biểu Quốc hội là một minh chứng cho thấy ông thực sự làm việc, từng giờ từng phút. Ông Kiệt cũng là một trong những người khuyến khích tôi ứng cử đại biểu Quốc hội.
____
Vậy những người còn lại là…
Ông Đỗ Mười (nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – PV). Cách nay chừng một tháng, có dịp ngồi nói chuyện với ông, ông có nói một câu làm tôi giật mình: “Cháu thử nhìn lên người mình, xem có cái gì là của Việt Nam không?”. Trong giai đoạn kinh tế đất nước khó khăn nhất, phần lớn hàng hóa, từ xe đạp cho đến que diêm đều do bàn tay người Việt làm ra. Bây giờ, hàng hóa ê hề, không cần phải xếp hàng để mua nữa, nhưng trong cái “ê hề” đó, có bao nhiêu là của người Việt Nam làm ra từ A đến Z. Vậy chúng đa đang mạnh hay đang yếu?
Bây giờ, hàng hóa ê hề, không cần phải xếp hàng để mua nữa, nhưng trong cái “ê hề” đó, có bao nhiêu là của người Việt Nam làm ra từ A đến Z. Vậy chúng đa đang mạnh hay đang yếu?
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bị ngừng lại giây lát vì ngay trước cửa nhà ông xảy ra một vụ cướp giật. Hành vi táo tợn của bọn cướp diễn ra trong một khu vực được xem là có hệ thống an ninh tốt nhất tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã lái câu chuyện sang vấn đề thất nghiệp, một vấn đề khiến ông trăn trở. Ông nói:
Có một điều khiến tôi rất ngạc nhiên là tại sao trong các báo cáo thường niên của Chính phủ trước Quốc hội, không bao giờ đề cập đến chỉ số người thất nghiệp. Ở nhiều nước, đây là chỉ số vô cùng quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự tồn tại của Chính phủ. Tôi thấy người ta chỉ thống kê số việc làm tạo ra mỗi năm mà không công bố bao nhiêu người ở độ tuổi lao động mất việc hoặc không có việc làm. Có thể vì người Việt mình không chịu ngồi không, không kiếm được việc làm thì tự xoay xở, chạy xe ôm, bán hàng rong… Mặc nhiên, những người đó được hiểu rằng có công ăn việc làm. Mặc nhiên, xã hội không cần có trách nhiệm. Một trong những mục tiêu tốt đẹp của cuộc cách mạng là tạo ra việc làm cho người lao động. Mục tiêu tốt đẹp ấy bây giờ tôi không còn thấy nữa. Mà bỏ sức lao động để nuôi sống mình, gia đình mình vừa là quyền tối thiểu, vừa là quyền thiêng liêng nhất.
Nước mình có khoảng ba triệu đảng viên. Tôi nghĩ trước khi vào Đảng, chỉ cần một phần mười, thậm chí một phần hai mươi trong số đó hứa với Đảng rằng mỗi người sẽ tạo ra 100 công ăn việc làm, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước khoảng 200 triệu đồng/năm… thì đã giải quyết được phân nửa lực lượng lao động của đất nước này.
Điều khiến tôi rất ngạc nhiên là tại sao trong các báo cáo thường niên của Chính phủ trước Quốc hội, không bao giờ đề cập đến chỉ số người thất nghiệp.
____
Còn ông, cũng là một Đảng viên, thì đã tạo ra được bao nhiêu việc làm cho xã hội?
Khoảng 700 người, trong đó có 300 người làm việc tại một nhà máy thực phẩm, còn lại làm việc trong công ty bất động sản và sân golf. Ngoài ra, tôi cũng tham gia cổ phần vào một số công ty khác, nhưng không tham gia điều hành trực tiếp.
Hiện nay, doanh nghiệp đang gặp khá nhiều khó khăn. Thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng một số chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nhất là những doanh nghiệp thâm dụng lao động như ngành dệt may… Công nhân ở những doanh nghiệp này thường là lao động đến từ nông thôn. Khi mất việc, lực lượng này quay về nông thôn thì nhiều người trong số đó đã không còn phương tiện sản xuất do diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp nhằm phục vụ phát triển khu công nghiệp, làm sân golf…
Tôi nghĩ rằng không thể tách yếu tố thất nghiệp khỏi bức tranh kinh tế, nhất là trong giai đoạn Chính phủ đang vận dụng nhiều biện pháp để chống lạm phát. Thử hình dung một tình huống như sau. Khi lạm phát cao, giá gạo, thí dụ là 100 đồng/ký, thì có 100 người có thể mua được gạo. Nhưng khi chỉ số lạm phát bị kéo xuống bằng cách cắt giảm đầu tư, siết chặt tín dụng, giá gạo còn 80 đồng/ký, nhưng chỉ còn 50 người có thể mua nổi gạo. Như vậy, chống lạm phát để giảm áp lực giá cả đối với người nghèo sẽ không đạt được hiệu quả. Thất nghiệp là một nguyên nhân tạo ra bất ổn xã hội, lý giải cho việc tại sao có những nạn nhân bị chém phải nhập viện vẫn bị truy sát đến tận giường bệnh. Thanh niên sức dài vai rộng, mà không có việc làm thì tinh thần bị ức chế ghê gớm lắm. Cần đánh thức nhận thức của quần chúng rằng ngoài độc lập tự do, Nhà nước còn phải lo và lo nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề việc làm. Làm được như vậy thì chúng ta hãy tự nhận rằng mình là nước xã hội chủ nghĩa.
Một trong những cái bất hạnh nhất của dân tộc mình là va chạm với nhiều cái xấu xa của chủ nghĩa tư bản. Nếu khi đến Việt Nam, người Pháp làm cho đất nước Việt Nam giàu mạnh như nước Pháp, dân chủ như nước Pháp, thì liệu người Việt có đấu tranh không, có làm cách mạng không? Vì phải chịu những cái xấu xa của chủ nghĩa tư bản nên mới có đấu tranh, giải phóng dân tộc. Thành ra, Đảng Cộng sản Pháp hoạt động công khai ở Pháp còn những người cộng sản Việt Nam thì bị đàn áp, tù đày. Thế nhưng, cũng không vì thế mà chúng ta vẫn cứng nhắc trên cơ sở ý thức hệ, xem những quốc gia tư bản này như kẻ thù. Phải thấy rằng xã hội tư bản cũng đang loại bỏ những điều xấu xa. Nếu chủ nghĩa tư bản thực sự xấu xa, đầy áp bức, bóc lột thì 200 triệu người Mỹ, 80 triệu người Pháp… có dân trí cao như vậy liệu có khoanh tay ngồi nhìn hay không? Chắc chắn là không.
____
Tiếp tục với câu chuyện chống lạm phát. Theo tôi, khi lượng tiền trong lưu thông nhiều hơn hàng hóa khả dụng thì sinh ra lạm phát. Nhưng nhìn vào cuộc chạy đua lãi suất của ngân hàng thời gian gần đây thì thấy rằng tiền đồng khan hiếm. Là người làm ngân hàng (ông Lê Kiên Thành từng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Techcombank và hiện là thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng SHB – PV), ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Tôi không dám chắc rằng mình hiểu hết được toàn bộ bức tranh lạm phát. Nhưng có hai điểm tôi đặc biệt quan tâm. Một là chúng ta có nhiều công trình xây dựng kém hiệu quả. Thí dụ như cầu Phú Mỹ, nối quận I với Thủ Thiêm, có công suất sử dụng khá thấp. Khi cây cầu này làm xong, giá đất bên Thủ Thiêm đội lên vài chục lần, không đền bù giải tỏa nổi để làm những con đường đáng ra phải làm. Tại sao khi Thủ Thiêm còn là một hòn đảo, chúng ta không tổ chức tái định cư trước cho người dân, rồi hãy làm cầu, làm đường. Có nhiều việc bị làm ngược. Yếu tố thứ hai cũng phải tính đến là mức độ thất thoát từ các dự án ODA. Nếu quả thực 20% – 30% nguồn vốn này bị thất thoát và chi phí cho các thủ tục thì với khoảng 10 tỉ USD vốn ODA tiếp nhận hằng năm, có thể có đến 3 tỉ USD bị thất thoát. Nhưng thoát đi đâu? Chúng ta phải gồng mình lên trả nợ 10 tỉ USD, trong khi chỉ sử dụng được 7 tỉ USD cho các dự án. Đó là chưa kể mức độ hiệu quả thấp trong sử dụng nguồn vốn vay này… Gần đây, vấn đề Vinashin lại nóng lên trên mặt báo. Tại sao tập đoàn này dùng 1.000 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu quốc tế để mua những khoản nợ quá hạn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), trong đó có những khoản nợ gần như không có khả năng thu hồi. Khi đứng ra bảo lãnh cho Vinashin vay, hẳn rằng Chính phủ đã tính đến từng hạng mục công trình cần được đầu tư. Với một khoản tiền lớn như vậy, cần có cơ chế giám sát đường đi của dòng tiền. Với một người làm kinh doanh như mình, tôi sợ rằng không hiểu hết những vấn đề lớn của đất nước. Nhưng tôi thấy còn quá nhiều điều vô lý không cắt nghĩa được.
____
Có khá nhiều lời than phiền về tình trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu. Một người làm kinh doanh như ông có gặp phải vấn đề này?
Tôi không thể tách rời khỏi cuộc sống được. Nhìn lại thời bao cấp, khó khăn là vậy, nhưng công chức lượng hóa được đồng lương của mình. Khi ấy tôi còn ở trong quân đội, cấp bậc trung úy, lương tháng là 60 đồng, trừ 18 đồng tiền ăn, cùng các loại chi phí khác, thì mỗi tháng tôi có thể tiết kiệm được 20 đồng. Sau 10 tháng, tôi có thể mua được một chiếc xe đạp Thống Nhất, giá 200 đồng. Bây giờ, với mức lương ba triệu đồng một tháng, nếu lượng hóa ra gạo, thịt, điện, nước… thì bao lâu người công chức mua được chiếc xe máy, loại bèo nhất bây giờ là xuất xứ từ Trung Quốc, giá khoảng sáu triệu đồng. Tôi ngờ rằng nếu lượng hóa đồng lương một cách chi tiết mà sau một tháng, người công chức không chết đói mới lạ. Những công chức lương ba triệu đồng/tháng mà không chết đói là có điều gì không ổn rồi. Vì lãnh đồng lương chết đói mà tại sao không chết đói. Trong điều kiện và cơ cấu tổ chức như hiện nay thì người công chức phải tìm cách này hay cách khác để tham nhũng. Tôi cho rằng đấy là phản xạ tự nhiên, bị bóp mũi thì phải há miệng ra để thở. Tham nhũng “trong sạch nhất” hiện nay là bớt xén thời gian làm việc cho Nhà nước để ra ngoài làm thêm. Thời bao cấp, trong giờ làm việc mà công chức gặp người quen ở ngoài công sở thì xấu hổ lắm. Bây giờ chuyện đó trở thành bình thường, thậm chí những người bớt xét “tám giờ vàng ngọc” còn tự hào vì không đụng đến tiền của dân, bỏ sức lao động ra để có thêm thu nhập. Tôi có cảm giác xã hội chúng ta đang xây dựng một số điều cơ bản trên nền tảng không cơ bản, xây dựng một số điều thật trên nền tảng những điều không thật. Có một mối nguy hiểm là trước đây người ta tham nhũng để sống, còn giờ đây người ta tham nhũng để giàu. Khi qua Mỹ, tôi không hiểu tại sao hối lộ cảnh sát giao thông ở nước này là điều không thể, mặc dù họ không thuộc nhóm có thu nhập cao trong xã hội, lương tháng nếu lượng hóa ra thì cũng chỉ đủ nuôi sống gia đình. Dường như ở họ có một niềm tự hào rất lớn rằng phải như thế nào thì mới trở thành người nhà nước. Ngược lại, đã là người nhà nước thì không bao giờ phải lo chết đói.
____
Là con trai của nhà lãnh đạo cao nhất trong suốt hai thập niên, khi ra ngoài làm ăn, liệu anh có nhận được sự hỗ trợ từ những người quen biết, có quyền thế?
Trước khi qua đời, cha tôi nói rằng ông không để lại cho các con một đồng xu, có chăng là cái tiếng. Mà đúng thế, những đối tác của tôi sau này, nếu biết được nhân thân của mình, thì tỏ ra tin cậy và chọn mình. Còn về sự hỗ trợ, một người ở trên cương vị lãnh đạo lâu năm như cha tôi thì người thương cũng nhiều mà người không ưa cũng không ít.
Xã hội tư bản cũng đang loại bỏ những điều xấu. Nếu chủ nghĩa tư bản đầy áp bức, bóc lộc thì 300 triệu người Mỹ, 80 triệu dân Pháp… có dân trí cao như vậy liệu có khoanh tay ngồi nhìn hay không? Chắc chắn là không.
____
Với những phát biểu khá mạnh dạn, có khi nào anh bị các chú, các bác nhắc nhở?
Với thế hệ lãnh đạo sau này, tôi ít có điều kiện tiếp xúc. Và có tiếp xúc cũng không trao đổi được nhiều. Còn các chú Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt thì tôi có điều kiện gặp gỡ khá thường xuyên. Tôi thường nói “cháu không mưu cầu gì mà phải nói tốt để nịnh các chú, nhưng cháu cũng sẽ không làm bất kỳ điều gì phản bội lại lý tưởng của cha cháu”.
____
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Tổng bí thư Lê Duẩn chủ trương làm chủ tập thể, còn anh thì rẽ ngang sang con đường kinh tế tư nhân?
Nhiều người nói rằng cha tôi là một người cộng sản bảo thủ. Tôi xin kể một mẩu chuyện thế này. Khoảng thời gian năm 1971 – 1972, khi về thăm một nhà máy dệt tại Hải Phòng, cha tôi hỏi một cô công nhân dệt len: “Cháu có biết đồng đô-la thế nào không?”. Ông Đoàn Duy Thành, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hải Phòng đứng bên cạnh, đỡ lời: “Thưa anh, đến tôi còn chưa biết”. Cha tôi nói với ông Đoàn Duy Thành rằng sau này, khi đất nước thống nhất, đối tác làm ăn lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, phải làm sao để những người này biết thế nào là đồng đô-la. Một người quen nói với tôi rằng điều ông ấy nể phục ông Ba (bí danh của Tổng bí thư Lê Duẩn – PV) là “sau lưng một kẻ thù nhìn thấy một người bạn, và sau lưng một người bạn có thể nhìn thấy một kẻ thù”.
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.