Nếu như trước đây, mỗi lần Ngân hàng Nhà nước thay đổi trần lãi suất, lập tức lãi suất huy động các kỳ hạn từ một tháng, ba tháng đến sáu tháng đều bằng mức lãi suất trần này, thì nay đã khác. Có ngân hàng huy động tiền gửi kỳ hạn một tháng với lãi suất chỉ 5%/năm, đa số ở mức 5,5 – 6%/năm, rất ít nơi nhận tiền gửi với lãi suất tiệm cận mức trần 7%/năm. Việc cộng thêm lãi suất thưởng cho khách hàng có số tiền gửi lớn gần như không còn, ngân hàng nào còn hình thức này thì mức cộng thêm cũng rất thấp, chỉ 0,1%/năm cho khoản tiền trên 1 tỉ đồng. Nguồn tiền vào hệ thống ngân hàng dồi dào trong khi tốc độ cho vay vẫn tăng chậm trong hai tháng đầu năm, nên các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động để nhẹ gánh chi phí đầu vào của mình là điều dễ hiểu. Đây có là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay, để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong những tháng tới?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 2 vừa qua có mức tăng thấp nhất trong vòng mười năm qua và đó cũng là một lực đẩy nhanh tiến độ giảm lãi suất. Với cơ sở lạm phát ổn định và có xu thế giảm, nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, các ngân hàng thương mại sẽ đón đầu xu hướng để giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới như mong muốn của các nhà điều hành tiền tệ? Từ vài tháng nay, Ngân hàng Nhà nước đã kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại làm điều này, trước hết là với những lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong nước có lợi thế, Ngân hàng Nhà nước dự định xây dựng một chương trình để trình Chính phủ cho vay ưu đãi đối với các dự án áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong tháng 3 này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức một hội nghị nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đang có tồn kho lớn, để họ có cơ hội phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Tất cả những tín hiệu kể trên mang đến những cơ hội rõ ràng cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với giá rẻ hơn. Lãi suất cho vay mà các ngân hàng thương mại dành cho doanh nghiệp đang ở mức 9 – 12%/năm, có thể chấp nhận được nếu so với mức 17 – 20%/năm cách đây không lâu. Với mức lãi suất này, doanh nghiệp mạnh dạn có thể vay vốn, đầu tư công nghệ mới để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này cũng phù hợp với tiêu chí hiện nay của các ngân hàng là không chạy đua tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, mà chú trọng đến chất lượng của khoản vay. Thanh khoản dồi dào nhưng các ngân hàng vẫn rất khắt khe trong việc cho vay, luôn ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất có các mặt hàng nông sản có thế mạnh hoặc đầu tư vào đổi mới máy móc công nghệ, ứng dụng công nghệ cao…
Các tổ chức tín dụng cẩn thận như vậy là hợp lý, vì kinh tế vĩ mô tuy đã dần ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn những khó khăn, trong đó nợ xấu và cầu tiêu dùng yếu là hai lực cản lớn nhất. Thực tế cho thấy sức mua của xã hội hai tháng đầu năm qua không cao, dù có tháng tết vốn là dịp bùng nổ tiêu dùng trong những năm kinh tế tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, khó khăn của người này có thể là cơ hội cho kẻ khác, đó là các doanh nghiệp quyết định mở rộng đầu tư, cải tiến công nghệ trong giai đoạn hiện nay. Cơ hội để tiếp cận nguồn vốn rẻ của ngân hàng là rõ ràng hơn bao giờ hết.
Minh Hằng