“Đa số phụ nữ ở quê không có nhiều cơ hội kiếm thêm thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tôi khởi nghiệp JNC Macrame chỉ mong mình có thể tạo cảm hứng cho họ, tôi thành công thì họ cũng có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, Lê Thị Hậu cho biết. Trong lời nói của cô gái nhỏ chứa đựng một nội lực lớn và một niềm tin mạnh mẽ với hành trình thay đổi đời sống của người dân ở quê hương Núi Tượng.
Một cô giáo không an phận
Cũng như nhiều cô gái khác, Hậu được ba mẹ định hướng để trở thành một cô giáo với cuộc sống ổn định, bình yên. Vốn có năng khiếu về nghệ thuật, Hậu học piano trở thành một giáo viên âm nhạc có nhiều thành tích. “Dù có được biên chế ở một trường điểm tại TP. Hồ Chí Minh, tôi vẫn không thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Tôi muốn mình làm một việc gì đó khác biệt, có ích hơn cho cộng đồng”, Hậu kể về cảm giác của mình ngày trước.
Năm đó Hậu 27 tuổi, cô rời nghề giáo sau những buổi sáng không muốn dậy đi làm. Cô bán trung tâm dạy đàn piano, làm nhiều công việc cùng một lúc để cùng chị gái đầu tư cho Núi Tượng – một dự án xã hội hoạt động trong ba lĩnh vực giáo dục, du lịch và nông nghiệp. Về giáo dục, Núi Tượng tập hợp các giáo viên, tình nguyện viên đến từ khắp nơi trên thế giới dạy tiếng Anh và kỹ năng miễn phí cho trẻ em nghèo. Về du lịch, Núi Tượng có 4 nhà tre dành cho khách du lịch muốn trải nghiệm mô hình của dự án, tìm hiểu văn hoá làng quê kết hợp tham quan vườn trái cây, vườn quốc gia Cát Tiên. Còn về Nông nghiệp, Núi Tượng có một khu vườn nhỏ trồng các loại cây ăn trái, rau ngắn ngày và thảo dược theo phương pháp hữu cơ. Khu vườn này phục vụ khách du lịch đồng thời cũng là nơi để các bạn học viên trải nghiệm cuộc sống nông nghiệp hữu cơ.
Núi Tượng Education đã giúp các bạn học sinh từ 6 đến 18 tuổi có môi trường để học tập và phát triển các kỹ năng xã hội như: giao tiếp, giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc, xây dựng mối quan hệ thông qua các hoạt động: chia sẻ, kết nối, thể hiện tài năng, trải nghiệm thực tế, học về các chủ đề nhằm phát triển kỹ năng xã hội. Đầu năm 2021, nhóm học sinh học ở Núi Tượng đã lọt vào Top20 của cuộc thi FutureU, sau thử thách thuyết trình bằng Tiếng Anh rất thuyết phục. Hiện nhóm đang tìm kiếm các nhà đầu tư thông qua sự giới thiệu của chương trình FutureU. Hậu vừa là nhà đầu tư vừa là người truyền thông cho dự án này.
Khởi nghiệp vì thấy việc cần làm
Sinh ra và lớn lên ở Núi Tượng, Hậu thấy đời sống của phụ nữ ở quê mình còn nhiều hạn chế, nhất là môi trường để phát triển và kiếm thêm thu nhập. Như một cơ duyên, một người bạn giới thiệu về Macrame – nghệ thuật thắt dây cotton sử dụng các đơn giản để tạo thành họa tiết trang trí cho các mành, rèm, xích đu, dây treo chậu cây, gương, trang sức, kệ… “Đây chính là công việc mình có yêu thích, lại vừa có thể giúp nâng cao đời sống phụ nữ nông thôn”, Hậu nghĩ. Vậy là xưởng đan thủ công Macrame thuộc công ty JNC Macrame ra đời tại Núi Tượng, xã Núi Tượng, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Từ lợi thế về nghệ thuật, cô học hỏi thêm về kinh doanh, nên việc kết nối xây dựng các mối quan hệ khách hàng trong và ngoài nước khá thuận lợi. Hậu dành thời gian đi học để hiểu biết về kỹ thuật, làm sao sản phẩm đẹp nhất và hữu dụng nhất. Hậu chia sẻ: “Khi hiểu thấu đáo về sản phẩm, thì bạn sẽ luôn biết cách để làm cho sản phẩm đẹp hơn, tối ưu hơn. Chẳng hạn, cùng một sản phẩm mành hoặc võng, nhưng người thợ có thể cải tiến hoa văn, sử dụng nhiều dây hơn, nút thắt cẩn thận hơn, dây loại sợi gì cho đẹp hơn…”
Chính vì vậy, có những khách hàng cảm thấy khó hiểu khi Hậu thường đề nghị cải tiến sản phẩm, dù đó là sản phẩm đã sử dụng lâu nay trên thị trường. Nhưng cô gái đã cho khách hàng thấy rằng sự cải tiến của cô đã cho ra sản phẩm đẹp hơn và tiện dụng hơn. Đó cũng là chiêu giữ khách hàng của JNC Macrame.
Kể từ khi thành lập đến nay, JNC Macrame đã không ngừng phát triển không chỉ về quy mô sản xuất, mà cả doanh số bán hàng. Công ty thường sản xuất từ 5.000-10.000 sản phẩm trong một tháng. Hiện tại, Macrame đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới bao gồm: Mỹ, Úc, Pháp, Singapore, Hàn Quốc…
Xưởng của JNC Macrame hiện đã có trên dưới 50 thợ lành nghề. Có người xem đây là nghề chính, có người làm thời vụ, nhưng ai cũng vui vì có thêm một nguồn thu nhập tốt. “Những người ở quê rất thật thà, không phải ai cũng làm nhanh, sáng tạo nhưng họ rất chịu khó, muốn học hỏi”, Hậu cho biết. Xưởng vẫn đang tuyển số lượng lớn nhân công nữ bán thời gian và toàn thời gian, linh động chỗ làm, nhân công có thể làm tại xưởng hoặc đem về nhà. Xưởng đào tạo nghề miễn phí trong thời gian đầu và cung cấp vật liệu để học.
“Mẹ tôi ngày xưa đã từng không muốn con gái kinh doanh vì sợ con khổ. Nay nhìn thấy con gái có những bước phát triển vượt bậc mẹ nói: “Con gái mẹ cũng giỏi ấy chứ nhỉ?”. Tôi đơn giản là đang làm việc cần làm và tôi tin mình làm được, vậy thôi!”, Hậu lạc quan nói.