Lá thư có thật này đã được gửi tới cho chủ bút của tờ New York’s Sun, ngay trước Giáng sinh năm 1897. Đáp lại lời cô bé là một bài báo viết vội ngay vào lúc tờ báo chuẩn bị lên khuôn đi in, và đã xuất hiện trang trọng trên mặt báo, đúng số Giáng sinh.
Dưới tựa đề “Có chứ… Virginia! Có ông già Noel!”, bài báo viết:
“Bé yêu, bạn bè của cháu đã sai. Các bạn ấy đã bị ảnh hưởng bởi những hoài nghi từ người lớn. Các bạn ấy không tin trừ khi được thấy. Các bạn nghĩ rằng không thể có ông già Noel bởi đầu óc nhỏ bé của các bạn không hiểu được. Tất cả mọi đầu óc, bé yêu, dù của người lớn hay trẻ em, đều nhỏ bé. Trong vũ trụ rộng lớn này, trí óc con người chỉ là một con kiến so với thế giới vô cùng bên ngoài nó, nhỏ bé như khả năng trí tuệ của con người trong việc nắm bắt toàn bộ sự thật và kiến thức.
Có chứ bé yêu, có ông già Noel. Ông hiện diện cũng chắc chắn như tình yêu, sự rộng lượng và lòng thành tâm đang tồn tại. Và chỉ cần cháu để ý ở quanh mình một chút, nhất định cháu sẽ nhận ra. Chao ôi, thế giới này sẽ ảm đạm biết bao nếu không có ông già Noel. Nó cũng buồn biết bao nếu không có những cô bé giống như cháu vậy. Lúc đó sẽ không có niềm tin trẻ thơ, không có thơ ca hay sự lãng mạn nữa, Virginia à!
Không ai thấy ông già Noel ra sao. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy không có ông già Noel cả. Những điều thật nhất trên thế giới này chính là những điều mà cả người lớn và trẻ em đều không thể thấy. Có bao giờ cháu thấy những bà tiên nhảy múa trên thảm cỏ xanh chưa? Dĩ nhiên là chưa, nhưng điều đó không chứng tỏ rằng họ không có mặt nơi đó.
Thuở còn bé xíu, cháu thích phá tung cái lúc lắc để tìm cho ra cái gì làm nên tiếng động bên trong nó, nhưng có một tấm mạng che đi thế giới chúng ta không thấy được ấy. Không sức mạnh nào có thể xé tan nó được. Chỉ có lòng tin, trí tưởng tượng, thơ ca, tình yêu và sự lãng mạn mới có đủ sức mạnh vén bức màn đó lên, để vẽ nên nét đẹp, sự huy hoàng của nó. Liệu điều đó có thật không? Virginia, trong thế giới này không có gì thật hơn điều đó.
Cháu bé à, cháu không nhìn thấy ông già Noel. Nhưng, thật ra thì ông vẫn sống, và sống mãi. Hàng nghìn năm tới nữa, không, hàng chục lần của hàng chục nghìn năm sau nữa, ông vẫn sẽ tiếp tục là niềm vui của những trái tim trẻ thơ…”.
…
Tác giả của lá thư tòa soạn trả lời bé Virginia chỉ được công bố tên thật sau khi ông mất, đó là cây bút bình luận của tờ The Sun, Francis Phareellus Church, lúc ấy 57 tuổi. Và theo bảo tàng báo chí ở Arlington, bài viết này của ông là một trong những bài bình luận được in lại nhiều nhất trong lịch sử báo chí Mỹ. Nhà báo qua đời năm 1906, còn Virginia O’Henlon Douglas mất năm 1971, sau một cuộc đời cống hiến dành trọn cho trẻ khuyết tật. Điều kỳ diệu là trong những “tiết lộ” của mình sau này với báo chí, bà cho biết lá thư tòa soạn của nhà báo Church chính là điều bà đã mang theo suốt cuộc đời mình. Bởi nó không chỉ là bài báo trả lời về việc có hay không ông già Noel, mà trên tất cả, nó là thông điệp của lòng tin vào những giá trị cao quý của tâm hồn con người.