Thực tập ở nước ngoài là dịp rất tốt để rèn luyện chuyên môn, mở rộng quan hệ, tìm kiếm cơ hội việc làm và cả tận hưởng cuộc sống. Đa số mọi người đều nghĩ muốn đi thực tập nước ngoài thì chỉ cần có “điều kiện”. Nhưng điều đó chỉ đúng một phần…
Hành trình không dễ đi
Mặc dù chuyện tìm được công ty thực tập ở nước ngoài đã mất khá nhiều thời gian và công sức, nhưng phần khó nhất là chuẩn bị những gì cho chuyến đi. Sau đây là một số hành trang cần thiết mà bạn cần chuẩn bị để chuyến thực tập xa nhà đạt kết quả tốt.
Đầu tiên là chuẩn bị về ngoại ngữ, tùy theo đất nước bạn chọn thực tập. Tuy nhiên, tiếng Anh luôn là một ngoại ngữ thông dụng, được sử dụng phổ biến ở hầu hết các quốc gia. Giao tiếp bằng ngoại ngữ là thử thách đầu tiên bạn phải vượt qua nếu muốn có một kỳ thực tập có hiệu quả như ý. Ở một số đất nước châu Âu hay Nhật Bản, ngoài tiếng Anh thì bạn phải giao tiếp cơ bản được bằng tiếng bản ngữ để dễ dàng trao đổi công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày.
Thứ hai, việc tìm một chỗ ở phù hợp luôn là “chuyện dài nhiều tập” của các bạn thực tập sinh. Nơi ở vừa phải đảm bảo thuận tiện đi làm, vừa phải giá cả hợp lý cũng như thuận tiện cho sinh hoạt. Hãy nhìn những người ngoại quốc bối rối với giao thông, chợ búa ở Việt Nam, bạn sẽ tưởng tượng được phần nào những khó khăn mà mình sẽ phải đối mặt với cuộc sống ở nơi “đất khách”.
Ngoài ra, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng tất cả các thủ tục, giấy tờ tùy thân để kỳ thực tập được đảm bảo nhất về quyền lợi cũng như pháp lý. Bạn sẽ phải “bỏ túi” kha khá kinh nghiệm hành chính bổ ích cho quá trình làm việc sau này nữa.
Học lại mọi thứ từ đầu
Sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết và một chuyến bay dài, bạn sẽ bắt đầu một cuộc sống mới chứ không đơn thuần chỉ làm việc ở một môi trường mới. Và việc tự sống sót ở một nơi xa lạ hẳn là không dễ dàng với nhiều bạn trẻ. Điều đầu tiên là bạn sẽ phải học cách tự lập, cân bằng chi tiêu, sắp xếp công việc trong điều kiện sống chỉ có một mình xoay xở. Bạn sẽ làm tất cả những việc mà trước đó mẹ hoặc người giúp việc thường làm là nấu ăn, giặt giũ, trả giá khi đi chợ…
Việc sắp xếp lại thời gian biểu của bạn, từ sắp xếp giờ giấc chơi, học đến chuyện ăn ngủ vì thay đổi đồng hồ sinh học có thể khiến bạn mất ngủ mấy ngày liền. Nếu bạn thực tập ở những vùng ngoại ô, nhà xe thưa thớt thì có thể bạn sẽ có những ngày gian khổ khi phải tự mò mẫm đường tìm đến hiệu thuốc hay bệnh viện gần nhất nếu không may bị ảnh hưởng sức khỏe nặng bởi chuyến đi. Ngoài ra, việc tìm hiểu vấn đề giao thông, đăng ký số điện thoại không đơn giản như ở Việt Nam và điều này đặc biệt phức tạp tại Pháp.
Tiếp theo là việc tìm hiểu văn hóa vùng nơi bạn làm việc và sinh sống, cũng như văn hóa làm việc, đặc biệt nếu bạn nào đi thực tập tại các nước “khó tính” như Nhật hay Anh thì lại càng phải chú ý. “Văn hóa” là một cụm từ bao quát được chung nhất về môi trường sống của bạn. Một khi đã tìm hiểu văn hóa, là bạn đang tìm hiểu mọi thứ từ giao tiếp, lễ nghi, phong thái làm việc, phong cách sống, lịch sử, phong tục… Ngoài ra, bạn cũng cần tìm hiểu về công ty mình sẽ đến thực tập, các quy định, tính chất công việc cũng như luật lao động của nước sở tại để có thể bảo vệ quyền lợi và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực tập của mình.
Cái khó hẳn sẽ ló cái khôn
Khi bạn đã tập làm quen và thích nghi được tất cả những khó khăn nói trên thì chính bạn sẽ mở ra một thế giới mới vô cùng thú vị. Bạn sẽ được tiếp thu nguồn năng lượng và cảm hứng từ những người trẻ ở một nền văn hóa khác, cho bạn năng lượng tích cực và học hỏi thật nhiều điều mới mẻ. Làm việc ở một môi trường quốc tế đòi hỏi bạn phải vận dụng hết các kỹ năng mềm từ làm việc nhóm, thuyết trình, thương thảo, đến thậm chí là cả… tài lẻ.
Bạn cần phải nỗ lực để không tự cô lập mình trước những cộng đồng người trẻ từ khắp mọi nơi trên thế giới – một cơ hội khám phá văn hóa và giao lưu quốc tế mà không phải ai cũng có. Ở một môi trường mà guồng máy làm việc không ngơi nghỉ thì đó là “lò rèn” cho những tinh thần thép, dám đương đầu áp lực và sắp xếp luồng công việc hiệu quả nhất. Còn có cả những khó khăn phát sinh trong quá trình làm việc, bất hòa, mâu thuẫn, khiến bạn phải tự mình giải quyết khủng hoảng cá nhân lẫn công việc.
Từ từ, bạn sẽ mạnh mẽ dần lên, vì “những điều không thể giết bạn, sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn” (what doesn’t kill you make you stronger!). Đó là lý do vì sao những ứng viên từng đi thực tập nước ngoài thường được các nhà tuyển dụng ưu tiên lựa chọn. Vì họ ngoài kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm thì năng lượng tích cực tỏa ra từ họ khiến cho không khí làm việc xung quanh rất khác biệt.
Thời gian thực tập ở nước ngoài là từ hai đến sáu tháng. Khoảng thời gian này cũng tương đối đủ cho bạn bước ra khỏi “đáy giếng” quen thuộc của mình để khám phá bầu trời bao la. Không ít ý tưởng khởi nghiệp đã ra đời trong hành trình khám phá bầu trời bao la ấy. Bên cạnh đó, không thể không kể đến những mối quan hệ mới mà bạn có trong suốt quá trình làm việc của mình. Trở thành một “công dân toàn cầu” là cơ hội để bạn có những kết nối thuận tiện và nhiều cơ hội trong công việc về sau.
Tóm lại, chuyến thực tập nước ngoài là một cơ hội để bạn mở rộng thế giới của mình trên tất cả mọi phương diện, để đón nhận những cơ hội và thách thức mới cho tuổi trẻ của mình. Vì vậy, khi có cơ hội “đi một ngày đàng” ra khỏi vỏ ốc quen thuộc, bạn hãy nắm lấy vì chắc chắn, bạn sẽ học được nhiều hơn “một sàng khôn” từ những chuyến thực tập ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
– Nguyễn Ngọc Giàu, Saigon Tech phân hiệu chính thức tại VN của Đại học Cộng đồng Houston, Texas, Hoa Kỳ