Vì lý do gia đình, tôi trở lại sống ở Sài Gòn sau 31 năm rời xa (thời tuổi trẻ, tôi có bốn năm đại học và thêm ba năm lang thang với những việc làm không ổn định).
Ở tuổi nghỉ hưu, nghe nói đến Sài Gòn bạn bè tôi đều le lưỡi, lắc đầu từ chối bởi họ cũng như tôi, đã quen với một nhịp điệu bình thản của tỉnh lẻ, những con đường vắng đến thênh thang một bên là núi, một bên là biển; những đêm trăng tròn treo lơ lửng trên bầu trời đen soi xuống biển đẹp đến nao lòng, những con đường làng hai bên xanh mướt mùa lúa đang thì con gái, những cây cầu lắt lẻo, những vườn vú sữa rộ mùa, trái lúc lỉu đụng đầu, những cái chợ nhỏ với các sản vật đúng kiểu của nhà trồng được và có thể tạm an tâm thực phẩm quê mình như cá mới đánh bắt về tươi xanh, đi chợ sớm mua được những miếng thịt heo còn ấm, tươi nõn, dính tay… Không phải dễ mà ngày một ngày hai hòa nhập được với thành phố bước ra khỏi hẻm là rơi vào “ma trận” của người, xe, tiếng còi, bụi bặm.
Lựa chọn nào cũng có cái được và cái mất. Được là “phần cứng” dựa vào đó để hướng tới, bước đi, mất là cái chấp nhận và cần biết điều chỉnh. Đâu phải mình tôi trong cái cõi ta bà này rơi vào hoàn cảnh phải tạm xa xứ trở lại chốn phồn hoa chật chội khi đến tuổi tạm cho là (dù chưa) lão giả an chi?
Thời gian đầu tôi cũng rơi vào hụt hẫng vì chưa quen, mọi thứ phải tập dần, trấn an mình rằng rồi sẽ qua, sẽ quen, sẽ hội nhập được. Trong thời gian đó, tôi thường đến Cà phê thứ Bảy vào những buổi tối cuối tuần để xem những bộ phim nổi tiếng một thời được giới thiệu lại. Không hẳn vì thích xem phim mà nó như điền vào chỗ trống của cái dấu ba chấm mà tôi cần/muốn cho thời gian trôi qua một cách tích cực.
Và, ở không gian tầng lầu, tôi gặp lại, luôn luôn là một bản nhạc mình thích – Take This Waltz với giọng trầm, khàn, tự tại của “lão tướng” Leonard Cohen – một ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, tiểu thuyết gia người Canada – trong lúc chờ chiếu phim. Tôi nhớ, trong thời gian đó, Cà phê thứ Bảy chiếu loạt phim với chủ đề “Chữ tình trong phim của Vương Gia Vệ”. Với riêng tôi, không phải phim nào cũng hay, dễ hiểu nhưng dù sao nó cũng giúp tôi lấy lại “cân bằng” trong giai đoạn “tái hội nhập” Sài Gòn này.
Và, có những chiều lười biếng, tôi chẳng thiết làm gì, chỉ nằm dài nghe Leonard Cohen như kể câu chuyện dài. Nghe để đầu óc không suy nghĩ, cũng có thể để tìm những giải pháp lạc quan.
Rồi tôi quen dần Sài Gòn, tự mình lấy lại quân bình với ý nghĩ tích cực rằng, tận hưởng quãng thời gian này để khám phá Sài Gòn, để có cái mà nhớ khi rời xa nó!
***
Sáng 11-11-2016, giờ Việt Nam, những người yêu nhạc post những dòng trạng thái trên Facebook một tin vừa đưa trên CNN, Leonard Cohen đã qua đời kèm theo những lời tiếc thương cùng hoài niệm về người nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ, nhà văn tài hoa!
Vẫn biết đời người là hữu hạn và người nhạc sĩ tài danh đã qua tuổi tám mươi từ vài năm trước, nhưng tôi không giấu nổi cảm xúc của mình khi đọc những dòng trạng thái ấy; và riêng tôi, chính nhạc của ông đã đưa tôi hội nhập nhanh Sài Gòn, tìm được sự cân bằng và tiếp tục công việc đang làm với nhiều cảm hứng.
Có một lần, tôi viết dòng trạng thái trên Facebook những cảm nghĩ của mình về nhạc của Leonard Cohen, bạn tôi, một bác sĩ ở Úc cũng mê nhạc của ông đã bình luận: “Leonard Cohen hát hay nhất ở độ tuổi 50-60 sau một thời gian ẩn dật và thiền định. Âm nhạc của Leonard Cohen mang lại cho người nghe sự tận cùng những cung bậc cảm xúc. Suy tưởng và tinh tế, sự chân thật nhưng siêu thực, trần trụi nhưng thi vị, những ca từ như thơ, có khi đầy nhục cảm và xác thịt. Một trong những bài hát mô tả được điều ấy là bài A Thousand Kisses Deep”.
Với tôi, nhiều lúc âm nhạc chỉ cần cảm nhận mà không cần hiểu. Tôi yêu Leonard Cohen còn thêm ý nghĩa âm nhạc của ông đã giúp mình vượt qua một giai đoạn. Tôi đọc lại dòng trạng thái chia sẻ tin buồn của một bạn trẻ, tự nhiên thấy lòng mình cũng buồn rưng rưng: “Thật không thể tin rằng Leonard Cohen đã qua đời. Đọc tin mà ngồi thẫn thờ một lúc lâu. Năm 2016 đúng là năm mất mát lớn của những người yêu nhạc. Và đến Leonard Cohen thì thật sững sờ. Mới đây ông còn cho ra album mới You Want It Darker. Trong bài hát You Want It Darker, ông viết “I’m ready, my lord”. Sau đó trên một bài phỏng vấn ông đã đùa rằng, ông còn sống lâu, chứ chưa sẵn sàng đâu. Tháng 10, trông ông vẫn khỏe, vẫn sáng tác, làm nhạc và vẫn còn cười đùa… Thật buồn, buồn não nề!”.
Những con số thống kê nhiều triệu bản album đã được bán ra, hàng tá giải thưởng, một loạt các nghệ sĩ tên tuổi công nhận sự ám ảnh ca từ mang tên Cohen trong những sáng tác của họ và khá nhiều thế hệ đã đắm mình vào giai điệu của ông như tìm thấy cho mình một không gian sống tươi xanh ngập tràn hương yêu… Vậy mà, trong một lần phỏng vấn Leonard Cohen đã nói: “Giờ tôi hiểu mình là ai, chẳng phải văn sĩ hay ngọn đèn dẫn đường cho thế hệ nào cả, cũng chẳng phải người phát ngôn cho những rung động mới mà đơn giản chỉ là một gã viết nhạc tầm thường sống ở Los Angeles mà thôi”.
“Đời là chuỗi ngày và đêm nối tiếp nhau, ở giữa chúng là những thân phận, tâm tư, của đau khổ và sợ hãi, của hạnh phúc và nụ cười. Hành trình của tôi là tìm sự khám phá trong những nỗi hồ nghi, tự vấn và sau đó khi từng chặng hành trình khép lại, bạn sẽ thấy sự thống khổ không bao giờ chiến thắng được ở cuộc đời này”.
Quá tuyệt vời khi đọc lại những dòng như thế mà người ta đã viết về ông. Tôi mở một album của ông năm 1970, nhắm mắt lại và lắng nghe trong một không gian thật yên tĩnh. Những đoạn phim một thời ở Cà phê thứ Bảy trở lại như tôi đang ngồi trên một chiếc xe lướt qua bao nhiêu cánh đồng, thành phố, vườn nhà… Tôi thấy hai anh chàng ôm nhau ở gian bếp tập điệu valse trong bộ phim Happy Together hay giọng nói đều đều của một tay giang hồ quy ẩn và kể chuyện… Tôi thấy mình những ngày lúng túng và bối rối khi trở lại Sài Gòn và nhanh chóng vượt qua.
Chưa xa Sài Gòn mà tôi cảm giác như mình nhớ về nơi này rất nhiều bởi dòng chảy bất tận của âm nhạc Leonard Cohen đã chia sẻ với tôi những nỗi buồn, sự lo lắng trong một giai đoạn ngắn của cuộc đời!