Xưa nay, nhắc đến làng Vòng – Hà Nội, người ở xa thường nghĩ đến món cốm nếp thơm ngon đã đi vào văn thơ từ rất lâu. Chỉ những ai “hữu duyên” mới biết rằng tại ngôi làng nay đã lên phố này có một cụm đình, chùa cổ xinh đẹp, quanh năm thu hút trai thanh gái lịch khắp Hà thành đến cầu duyên.
Tam quan chùa Hà nay đã được bao quanh bởi phố thị
Cách Hồ Gươm khoảng bảy cây số về phía quận Cầu Giấy, chùa Hà nằm trên một con phố nhỏ khá yên tĩnh. Chỉ mấy mươi năm trước, quanh chùa còn là đồng ruộng xanh mướt, từ những cánh đồng đó mà món cốm làng Vòng đã làm nên nét thi vị cho phố phường Hà Nội. Ngày nay, vẻ thôn dã của làng chẳng còn mấy nữa, nét đẹp xưa chỉ còn lưu lại đằng sau cổng tam quan chùa Hà, đình Hà. Xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, các công trình kiến trúc của chùa được quy hoạch tập trung trong một khoảng không gian rộng thoáng.
Vẻ cổ kính, thâm u của chùa Hà
Ngoài cùng là cổng tam quan xây hai tầng có hệ thống cầu thang lên ở phía trái. Tầng trên xây kiểu chồng diêm, giữa bờ đinh mái thượng đắp nổi hình mặt trời lửa đặt trên hình hổ phù, hai đầu kìm đắp hình rồng đuôi xoắn, miệng ngậm bờ nóc, mái lợp giả ngói ống. Tầng dưới chia làm ba gian, với 12 cột trụ xây nổi trên mặt tường. Tam quan có ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn. Tầng hai Tam quan treo một quả chuông đồng, là di vật quý giá từ thời Tây Sơn. Chuông cao hơn một mét, được đúc tinh tế, phần trên bốn múi chuông được khắc nội dung văn chuông, phần dưới được khắc long ly quy phụng cách điệu rất sống động. Phía trên là hai con bồ lao đầu nhìn về hai phía, bốn chân gắn chặt vào chuông.
Một góc chùa ngày rằm
Không chỉ có các kiến trúc, vẻ cổ kính, thâm nghiêm của chùa Hà còn được tô đậm bởi rất nhiều cây cổ thụ, trong đó cây muỗm cạnh lò hóa vàng hương đã có tuổi đời hơn 300 năm. Cây khế phía trước sân cũng được gần trăm tuổi, ra hoa và đơm trái quanh năm. Mấy cây đa có nguồn gốc Ấn Độ luôn xanh tốt, xòe tán rộng mát rượi. Phía trước sân chùa là một chiếc ao hình bán nguyệt được bao phủ bởi nhiều hoa cảnh. Không biết từ đâu mà ngôi chùa nên thơ này được coi là nơi cầu duyên thiêng nhất Hà thành. Vì vậy, những ngày cuối tuần hoặc rằm, mùng một, khung cảnh chùa u tịch lại trở nên sống động hẳn với những thanh niên, thiếu nữ trẻ trung tươi tắn chắp tay thành kính dưới bàn thờ cổ sơn son thiếp vàng.
Đình Bối Hà nằm cạnh chùa Hà làm nên một cụm kiến trúc cổ xinh đẹp
Bên cạnh chùa Hà là đình Bối Hà kiến trúc theo kiểu chữ Đinh nhìn hướng Tây, tuân thủ quy luật âm dương: tiền quảng đại, hậu thần mật; tiền náo nhiệt, hậu túc tĩnh. Đi từ sân lớn lên sân nhỏ, ngước lên phía trên là nóc đình được đắp đôi rồng chầu mặt trời, đầu bờ nóc được khóa chặt bởi hai đầu rồng. Đi qua những hàng cửa bức bàn bào trơn đóng bén là vào đại bái, sừng sững những hàng cột thiết mộc được treo những câu đối lòng máng nền gấm chữ đen. Có thể nói các câu đối cổ chính là nét đặc sắc và cũng thể hiện chiều sâu văn hóa của ngôi đình gần đất kinh kỳ này. Trong những nơi tôn nghiêm của đình Hà đều có treo câu đối. Chẳng hạn như: Đền miếu huy hoàng, nhân kiệt địa linh thiên cổ mãi;Uy thần vời vợi, người khỏe của lắm vạn năm dài. Những nét chữ rồng bay phượng múa nếu ai có thể đọc được, hoặc may mắn được nghe lời giải nghĩa sẽ hiểu thêm nhiều điều về đời sống tinh thần thi vị của các bậc tiền nhân.
Phương Hiền