Bên dòng sông Cầu đoạn chảy qua xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có dải đồi thông xanh tươi, tĩnh mịch. Tọa lạc trên một trong những đồi thông đó là chùa Bổ Đà, một công trình Phật giáo ngàn năm tuổi với vẻ đẹp cổ kính và bề dày lịch sử, văn hóa quý giá.
Kiến trúc độc đáo chốn thâm u
Đi trên đường đê vắng vẻ, qua nhiều cây gạo trổ hoa đỏ thắm chúng tôi mới thấy cổng chùa uy nghiêm khuất sau cây đa cổ thụ. Dưới gốc đa, cảnh một cụ bà tóc bạc phơ ngồi bán chè xanh, kẹo lạc trông thật thanh bình. Phải qua hai lớp tường bao rêu phong du khách mới vào được trong chùa. Do trước đây, xung quanh chùa là cánh rừng già nhiều thú dữ và lục lâm thảo khấu nên người thiết kế chùa cố tình làm hai lần tường với ba cánh cửa. Cấu trúc đó khiến đi ra thì dễ dàng nhưng đi vào thì khó. Thú dữ, người lạ chỉ đi đến cửa thứ hai là bị chặn hoặc lạc đường. Qua năm tháng, rêu đã phủ kín nhiều đoạn tường. Nhiều chỗ lớp vữa bong ra, để lộ hàng gạch màu đỏ nâu có từ thời xa xưa.
Cây đa trước cổng chùa
Một cổng vào
Sử sách ghi lại rằng thời nhà Lý, chùa Bổ Đà là nơi đào tạo trí thức cho triều đình nên được đầu tư xây dựng rất lớn. Thời đó, chùa là một học viện quy mô với hàng trăm gian phòng và những bể chứa nước dài vài chục mét. Đến thời Trần, chùa trở thành trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Bắc Giang thuộc thiền phái Trúc Lâm. Qua nhiều lần xây dựng, ngày nay chùa còn gần như nguyên vẹn những kiến trúc thời Lê – Nguyễn. Đặc biệt, toàn bộ các pho tượng thờ đã qua nhiều lần tu bổ nhưng vẫn mang phong cách nghệ thuật như thủa ban đầu.
Một gian chùa
Là một trong những công trình còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ, chùa Bổ Đà có kiến trúc độc đáo, khác biệt so với đa số các ngôi chùa miền Bắc. Chùa mang lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc và được xây dựng bằng các vật liệu dân gian như gạch nung, ngói, tiểu sành. Các bức tường, cổng cùng một số công trình phụ khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện. Nhiều người vẫn gọi Bổ Đà là chùa đất bởi không gian trong chùa, từ bể nước, tường, gạch cũ đều mang một tông màu nâu của đất. Đi qua ba lần cổng chùa xinh xắn trên con đường lát đá xanh, qua một sân gạch nữa thì đến khu nội tự gồm hàng chục tòa ngang dãy dọc lớn nhỏ. Đó là nhà tam bảo, nhà tổ, nhà tiền tế, nhà in kinh, nhà trai, nhà khách… Những nghệ nhân xưa đã khéo léo bố trí gần một trăm gian chùa thông nhau, bên trong có hoành phi, kèo cột được chạm trổ những câu đối với nét chữ rồng bay phượng múa.
Hành lang
Thong thả ngắm chùa từ nhiều góc khác nhau, may mắn được nghe lời kể của người tu hành mới thấy nét riêng của chùa Bổ Đà còn đến từ kiến trúc thuận theo thuyết phong thủy. Sự hòa hợp giữa cảnh vật, núi sông, rừng… đã tạo nên một danh thắng độc đáo. Thú vị nhất là người xưa biết lấy ánh sáng trời soi rọi vào từng gian chùa, để vừa giữ được vẻ tự nhiên vừa tạo được không khí thâm nghiêm. Mỗi một lối đi, thân cây hay một hòn đá cũng chứa đựng nhiều câu chuyện khổ hạnh của các bậc chân tu trên đường dứt áo bụi trần tìm về cõi Phật. Để dựng chùa và tính toán địa điểm đặt nơi thờ tự, bậc tiền nhân cũng phải căn cứ vào tổng hợp các yếu tố địa lý, thiên văn, vận mệnh…
Những bảo vật trên đồi Phượng Hoàng
Nằm trải rộng trên ngọn đồi mang tên Phượng Hoàng, chùa Bổ Đà có diện tích hơn năm mươi ngàn mét vuông được phân ra làm ba khu rõ rệt là vườn cây trái, khu nội tự chùa và khu vườn tháp. Ngoài khu nội tự với 16 tòa nhà lớn nhỏ thì xinh đẹp không kém là khu vườn cây sum suê hoa quả bốn mùa, từ nhãn, vải thiều, mít, thị, sấu, chuối, cho đến na, sắn, đỗ tương. Xung quanh vườn có hào sâu, rộng vừa để tránh trâu bò vừa để thoát nước. Sau hào là một lớp tre dày đặc bảo vệ. Ngăn giữa vườn và chùa có lớp tường đất sét cao gần hai mét, dày chừng nửa mét. Đất sét được trộn với rơm rạ, sỏi đá, cho vào khuôn gỗ dày mà giã nhuyễn tới khi khô thì mới dỡ khuôn. Vật liệu đó làm nên những bức tường màu vàng dày, vững chắc, cao ráo, gọi là trình tường. Qua một cổng hẹp, chúng tôi đến với khu vườn tháp, nơi an nghỉ của các vị cao tăng. Vườn có 87 tháp được xây rải rác qua nhiều thời đại với những thiết kế khác nhau.
Vườn tháp
Trong nhiều thế kỷ, chùa Bổ Đà là nơi các vị tổ sư khai trường thuyết pháp đào tạo các tăng ni. Ở đây, các vị tổ sư còn cho khắc nhiều bản kinh như: Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam Hải ký quy… để phục vụ cho việc đào tạo truyền bá. Điều mà không ai có thể bỏ qua khi đến thăm chùa này là kho chứa bộ kinh Phật cổ khắc trên gỗ. Theo nhiều tài liệu, đây là bộ kinh cổ nhất Việt Nam còn lưu giữ được qua bao năm thiên tai, địch họa. Bộ kinh được xếp trên tám chiếc giá, mỗi giá có bốn tập sách kinh, hợp thành từ 240 tấm ván gỗ. Đếm ra tất cả gần 2.000 tấm. Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh dài trung bình 50cm, rộng 25cm và dày khoảng 2,5cm. Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng chừng 300m2 để trải các tấm ván kinh ra. Bộ kinh được khắc trên gỗ thị, một loại cây mọc phổ biến ở vùng rừng núi Bắc Giang. Gỗ thị không những bền mà còn rất nhẹ, thuận lợi để khắc cũng như vận chuyển kinh. Trải qua 247 năm, đến nay bộ kinh vẫn còn khá nguyên vẹn. Những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều bền, đẹp, không bị mối mọt, dù chẳng cần dùng loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo vẫn còn rất rõ.
Bản kinh cổ
Bộ kinh đề cập đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền vào Việt Nam theo ba tông phái là Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông. Bộ kinh còn nói đến cõi niết bàn, vòng luân hồi chuyển kiếp của một đời người, giải thích thế nào là sự tu nhân tích đức, cõi vô vi… thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là dòng Phật giáo thiền phái Trúc Lâm tam tổ. Phái Trúc Lâm phát triển cực thịnh ở nước ta hồi thế kỷ XIV-XV, trong đó vùng rừng núi quanh chùa Bổ Đà là một trong những nơi chịu ảnh hưởng sâu đậm. Ngoài ra, cùng với hệ thống tượng Phật theo dòng phái Trúc Lâm, chùa cũng lưu giữ nhiều văn bia, văn khắc như câu đối, đại tự, các bộ hương án, đồ thờ giá trị về mặt lịch sử văn hóa thời Lê – Nguyễn. Các hiện vật, thư tịch còn lại ở chùa giúp cho người ta hiểu được sự hình thành phát triển của ngôi chùa, của Thiền phái Trúc Lâm và cả lịch sử văn hóa của một vùng đất.
Sân chùa
Tường rêu
Ra khỏi chùa, đập vào mắt du khách là dãy đồi xanh thấp thoáng màu ngói cổ nối tiếp nhau. Thì ra vùng đất nên thơ này có cả một quần thể kiến trúc cổ: Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, chùa Tứ Ân, chùa Cao, chùa Khám, chùa Linh Chi… Nếu ở phía bờ nam sông Cầu, Bắc Ninh đang trong quá trình đô thị hóa khiến những nét xưa nhanh chóng mai một thì ở bờ bắc, Bắc Giang vẫn còn giữ được nhiều vẻ đẹp của miền quê Bắc bộ. Mong sao vẻ đẹp đó sẽ được gìn giữ lâu dài.
Thu Hòa
Ảnh Đăng Định