Thị trường chứng khoán nước ta đã có một tháng 10 tăng trưởng khá và để đạt được điều này có sự đóng góp không nhỏ của dòng vốn ngoại. Đây cũng chính là một trong những tháng mua ròng mạnh nhất của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Thống kê cho thấy trong tháng này, trên sàn HSX, khối ngoại đã mua ròng tới 71,72 triệu đơn vị, trị giá tương ứng lên đến 1.114,6 tỉ đồng. Còn trên sàn HNX, khối ngoại cũng mua ròng hơn 6 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 40,53 tỉ đồng. Như vậy, trên cả hai sàn giao dịch, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua tổng cộng 77,72 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 1.155,13 tỉ đồng. Cần nhớ là tháng trước, họ còn ở vị thế bán ròng với trị giá lên đến 1.048,67 tỉ đồng. Có trùng hợp chăng khi tháng mua ròng mạnh của khối ngoại cũng chính là tháng bật lên của thị trường chứng khoán nước ta, còn khi khối ngoại bán ròng (tháng 8 và 9) thì thị trường cũng không thể tăng điểm? Câu trả lời là không có sự trùng hợp nào cả. Trước nay, dù chỉ chiếm khoảng 15% khối lượng giao dịch toàn thị trường, nhưng khối ngoại vẫn luôn đóng vai trò quan trọng và mang tính “chỉ dấu” rất cao với các nhà đầu tư. Trong bối cảnh thanh khoản có dấu hiệu đi xuống hiện nay, các chuyên gia cho rằng để có thể chinh phục các mốc kế tiếp trong thời gian tới, thị trường chứng khoán cần phải thỏa mãn đồng thời hai điều kiện. Thứ nhất là giá trị giao dịch của thị trường phải tăng lên. Thứ hai chính là khối ngoại phải tiếp tục thể hiện trạng thái mua ròng. Đây là hai yếu tố quan trọng tạo động lực cho thị trường, hay có thể gọi là điều kiện đủ cho tăng trưởng, còn điều kiện cần chính là những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Trong các yếu tố tác động kể trên, có thể nói nhân tố ngoại nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà điều hành cũng như các nhà đầu tư trong nước, do dòng vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài phụ thuộc nhiều vào tình hình tài chính quốc tế. Một trong những thông tin có tác động rất lớn đến thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu chính là sự thay đổi lãi suất của đồng USD. Hiệu ứng của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong ngắn hạn là không phải bàn cãi, khi chắc chắn gây sự xáo trộn cho các thị trường tiền tệ, thị trường nợ và thị trường chứng khoán thế giới. Chỉ cần một dự đoán rằng FED sẽ tăng lãi suất đồng tiền này đã có thể khiến dòng vốn ngoại ồ ạt rút khỏi các thị trường mới nổi (trong đó có nước ta, chính là giai đoạn tháng 8, 9 vừa qua). Với nước ta, một khi điều này xảy ra, một số quỹ đầu tư nước ngoài có thể phải bán cổ phiếu để chuyển vốn về nước, tạo ra sự rút lui cục bộ của dòng vốn ngoại. Ngoài ra, dù không bị ảnh hưởng trực tiếp, thị trường chứng khoán vẫn có khả năng chịu tác động từ tâm lý e ngại của nhà đầu tư. Một sự chững lại của dòng tiền trong bối cảnh thanh khoản giảm dần có thể khiến cổ phiếu bị bán ra ồ ạt, đà tăng trưởng sẽ không còn. Với việc FED không tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 27 đến 28-10 và để ngỏ khả năng xem xét vào kỳ họp giữa tháng 12, thị trường chứng khoán đã có thêm một khoảng thời gian làm công tác chuẩn bị. Cách chuẩn bị tốt nhất chính là cần chủ động hơn trong việc tiếp nhận nguồn vốn ngoại, cụ thể là gia tăng nội lực của thị trường. Một khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định, các doanh nghiệp niêm yết kinh doanh hiệu quả, ngày càng nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn, giá trị của cổ phiếu tăng dần theo thời gian, thì những thay đổi trong ngắn hạn của dòng vốn ngoại sẽ không còn làm khó thị trường.
Ngọc Khang (DNSGCT)