Chọn trường theo thứ hạng nào?

Khi học ở một trường ĐH (ĐH) danh tiếng, bản thân người học cũng cảm thấy tự hào khi “ai cũng phải ngước nhìn”. Và khi ra trường, cầm mảnh bằng tốt nghiệp của trường “đỉnh”, cơ hội nghề nghiệp cũng như mức lương sẽ cao hơn so với các trường khác. Tuy nhiên, trường danh tiếng có thật sự hoàn hảo? Du học sinh có nhất thiết “cắm đầu cắm cổ” chọn trường top?

Tiêu chí khác, xếp hạng vị trí thay đổi

Tháng 3 vừa qua, tạp chí The Times (Anh) công bố Bảng xếp hạng những trường ĐH tốt nhất thế giới năm 2012. Dựa vào bình chọn của 17.000 học giả trên khắp thế giới, ĐH Harvard, Mỹ đứng đầu. Bảng xếp hạng này đã ghi nhận Mỹ có 44 trường, Anh có 10 trường và Nhật Bản có năm trường ĐH tốt nhất thế giới. Trong khi đó, với những tiêu chí khác, đánh giá của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về Chương trình “Đánh giá sinh viên Quốc tế” lại xếp hạng Úc nằm trong danh sách 10 nước đứng đầu (đứng trên Mỹ và Anh). Ngoài ra, chúng ta còn thấy công bố bảng xếp hạng top 100 của tạp chí Newsweek, của tổ chức Times Higher Education, của U.S. News & World Report…, thứ hạng (ranking) của các ứng viên ĐH hàng đầu thế giới có sự thay đổi.

Như vậy, thứ hạng của các trường ĐH “top” chỉ nên mang tính tham khảo, cho dù lịch sử truyền thống, uy tín, đội ngũ giáo sư danh tiếng, cơ sở vật chất hiện đại… là những ưu điểm nổi bật của những trường ĐH danh giá.

Đại học Harvard được tạp chí The Times xếp hạng đầu

Khi chọn trường ĐH, nhiều bạn trẻ có thói quen dựa vào thứ hạng của trường. Các chuyên gia giáo dục cho rằng: danh tiếng của các trường không hoàn toàn quyết định đến chất lượng của sinh viên. Chính việc tuyển chọn đầu vào gắt gao, cùng với danh tiếng của các giáo sư, tiến sĩ kỳ cựu khiến các ứng viên của trường top được doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, nếu du học sinh mong ước được vào những trường “top”, trước hết cần phải chuẩn bị túi tiền thật đầy, có một năng khiếu ở lĩnh vực nào đó, học lực khá, giỏi, hoạt động xã hội tích cực… vì hầu hết trường top đều là trường tư thục.

Tuấn Anh, du học sinh Singapore đã mất hai năm để tìm ra được cái mình thật sự thích và phù hợp với mình, đang ấp ủ nộp hồ sơ “cho giấc mơ Phần Lan”. Tuấn Anh khuyên: “Bạn cần xác định rõ là mục đích đi du học, bạn có thật sự muốn học về kinh tế, luật, kỹ thuật… hay muốn tìm đến một sự thay đổi? Bạn đã nghiên cứu kỹ về ngành mình muốn du học, muốn có bằng hay muốn có kiến thức?”.

Theo bà Quách Mỹ Ngọc, chuyên viên tư vấn của Trung tâm Giáo dục Hoa Kỳ, không nên chọn trường dựa vào thứ hạng, vì có những trường ranking không cao nhưng lại có những ngành thế mạnh hơn cả những trường top. Bác sĩ Thu Vân có người con đang theo học ngành kiến trúc ở Hoa Kỳ nêu dẫn chứng: “Trường ĐH Arizona tuy danh tiếng không bằng những trường top khác ở Mỹ, nhưng ngành kiến trúc lại là thế mạnh của trường. Do vậy, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, gia đình tôi quyết định cho con theo học ở xứ sở của xương rồng”. Du học sinh Anh – Trần Thị Hồng cũng chia sẻ: “Trường ĐH Brunel nơi tôi theo học nằm ở phía tây London, danh tiếng chẳng thể sánh với Oxford, Cambridge nhưng trường có hai thế mạnh là ngành Design và Engineering. Khóa học Management tôi đang theo học được Financial Time đánh giá đứng thứ 56 trên thế giới”.

“Hãy thận trọng!”

“Xếp hạng các trường ĐH không phải là một thước đo chuẩn mực hoàn hảo, dù nó mang lại cho người sử dụng, đặc biệt là đối tượng sinh viên, một cái nhìn tổng quan và toàn diện hơn về trường học và ngành học. Hãy thận trọng…” – đó là lời khuyên của Ellen Hazelkorn, tác giả cuốn sách Rankings and the Battle for World-Class Excellence: How Rankings Are Reshaping Higher Education (tạm dịch: “Bảng xếp hạng và cuộc đấu tranh cho chất lượng cao trong giáo dục: Bảng xếp hạng đang định hình lại giáo dục ĐH như thế nào”). Theo tác giả, không có một tiêu chuẩn hay mục tiêu nào rõ rệt trong việc xếp hạng các trường ĐH được đưa ra. Các bảng xếp hạng chỉ là sự lựa chọn các chỉ số phản ánh góc nhìn của người xếp hạng về những gì họ cho là quan trọng. Mặt khác, có rất ít số liệu, chỉ số mang tính so sánh trong chuẩn mực quốc tế được sử dụng trong các bảng xếp hạng… Trong cuốn sách trên, tác giả đã đặt câu hỏi “Tại sao bảng xếp hạng các trường lại được thay đổi và sắp xếp lại hằng năm, mà lại không thực hiện theo chu kỳ ba hay bốn năm một lần?”. Và kết luận: không có sự thay đổi nào diễn ra trong khoảng thời gian ngắn có thể tạo ra chuyển biến ngay lập tức và cải thiện đáng kể vị trí xếp hạng của các trường ĐH trong vòng một năm. Sinh viên có thể thấy sự thay đổi vị trí của một số trường ĐH trong bảng xếp hạng qua từng năm đơn giản chỉ vì những lý do không mang tính học thuật, ví dụ như thư viện của trường vừa được trang bị thêm thiết bị máy tính thông tin hiện đại hay mới xây dựng một phòng thí nghiệm mới và ngay lập tức trường ĐH sẽ có xếp hạng cao hơn so với năm trước đó…

Không phủ nhận giá trị trong chừng mực của các bảng xếp hạng, vì dù sao, đó cũng như là “tấm gương” để các chính phủ xây dựng chính sách tốt hơn, ngay cả các trường ĐH cũng có chuẩn để phấn đấu. Tuy nhiên, TS Malcolm Grant (Anh) cảnh báo rằng hiện tượng các trường quá chú trọng việc cải thiện vị trí của mình trên bảng xếp hạng, coi thứ hạng này như là chỉ số chính để thể hiện năng lực và chất lượng của trường mà quên đi việc họ phải cải thiện trường ĐH một cách toàn diện hơn… Thực tế là không thể loại bỏ tất cả các bảng xếp hạng chỉ vì có quá nhiều sự khác biệt giữa các trường ĐH nhưng cần có giải pháp thay thế khả thi hơn để đánh giá đúng thực lực của các trường, khi ấy, các bảng xếp hạng mới thực sự là kim chỉ nam đúng đắn cho sinh viên trong việc lựa chọn trường học phù hợp.

Cũng theo tư vấn của Trung tâm Giáo dục Hoa Kỳ – nước có nhiều tạp chí đưa ra các bảng xếp hạng nhất – không có danh sách xếp hạng chính thức của 10, 20, 50 hoặc thậm chí 100 trường ĐH hàng đầu ở Mỹ. Chính phủ Mỹ không xếp hạng các trường ĐH. Các thứ hạng mà bạn nghe qua thường do các nhà báo đưa ra và thường khá chủ quan. Chúng chỉ dựa trên nhiều tiêu chuẩn khác nhau mà có thể xem các tiêu chuẩn học thuật hoặc danh tiếng chung của trường như là yếu tố cơ bản một cách không cần thiết. Hãy đặc biệt cẩn trọng với các bảng xếp hạng không giải thích được những tiêu chuẩn mà việc xếp hạng này dựa trên đó. Các thứ hạng nổi tiếng nhất có thể cung cấp cho bạn điểm khởi đầu cho một quyết định, tuy nhiên, trường học “tốt nhất” phải là trường phù hợp với bạn về những yếu tố như đã được nêu ra ở đây.

Ở nước ngoài, các trường ĐH đào tạo tổng hợp với rất nhiều ngành nghề. Do vậy, các bạn không nhất thiết phải chọn các trường top vì học phí khá đắt. Nếu lựa chọn kỹ, vẫn tìm được trường có chất lượng tốt mà học phí lại phải chăng. Du học sinh nên chọn ngành mà mình yêu thích trước khi chọn trường. Bên cạnh khóa học, các yếu tố quan trọng khác cần quan tâm là địa điểm, chi phí và các tiêu chuẩn đầu vào của trường.

Khi lựa chọn một trường ĐH, các bạn cần phải cân nhắc nhiều yếu tố như: học lực, tài chính, chương trình học, môi trường sống… để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra như: học không theo kịp, chọn chương trình học không phù hợp… “Sẽ là không công bằng và thiếu hiểu biết khi khuyên một sinh viên lựa chọn một trường ĐH chỉ trên cơ sở các bảng xếp hạng, dù không thể phủ nhận rằng đó là một xuất phát điểm cần thiết”, chuyên viên tư vấn của Trung tâm Giáo dục Hoa Kỳ kết luận.

Chương Vũ

Exit mobile version