Ở lứa tuổi 17-18, nhiều học sinh lớp 12 có xu hướng chọn nghề dựa vào “cảm giác”, cảm thấy thích ngành nghề nào đó vì có những môn mình học khá hoặc chỉ đơn thuần chọn nghề theo bạn bè… Vì vậy, cha mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp con khám phá bản thân trước thời điểm đặt bút chọn ngành nghề.
Hướng nghiệp cùng con: cần lắng nghe con nói
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, chuyên gia tư vấn tuyển sinh Đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ: Tâm lý của nhiều bậc phụ huynh là muốn chọn cho con một nghề nghiệp tốt và phù hợp nhưng rất nhiều người vẫn lúng túng trong hướng nghiệp cùng con. Và thậm chí đã xảy ra không ít những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái khi chọn nghề cho con.
Mới đây nhất là trường hợp bạn trẻ mê ngành tài chính ngân hàng trong khi bố mẹ đều làm trong ngành dược. Bố mẹ cho rằng ngành ngân hàng – tài chính đang gặp nhiều khó khăn, học xong rất khó xin việc. Trong khi bạn học sinh lại có khuynh hướng thích học tính toán và làm việc với các con số. Bạn và bố mẹ đã có những tranh cãi căng thẳng khi chọn trường dự thi và tìm đến chuyên gia để nhờ hỗ trợ. Với tình huống này, TS Hiếu khuyên: Cha mẹ tham gia định hướng nghề nghiệp cho con là việc làm cần thiết, song người lớn cũng cần có nghệ thuật để vẽ đúng đường cho con. Để giải quyết những mâu thuẫn này, cha mẹ nên tôn trọng và giao quyền quyết định cho con bởi các em mới chính là người chịu trách nhiệm trước quyết định này. Cha mẹ trở thành người cung cấp và phân tích thông tin để con đưa ra lựa chọn.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục – Đào tạo tại TP.HCM cũng chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm làm công việc “tư vấn”: “Bí quyết” để giúp con có quyết định đúng đắn khi chọn nghề nghiệp tương lai chính là lắng nghe tiếng nói trái tim của con và sau đó là kết hợp con mắt tinh tường, thực tế của cha mẹ. Phụ huynh cùng con tìm hiểu kỹ, khám phá sở trường, sở thích và khả năng của con xem phù hợp với nhóm ngành nào. Lựa chọn nghề nghiệp theo sở thích là cần thiết nhưng thích thôi chưa đủ. Thống kê từ Phòng Giáo dục chuyên nghiệp – Cao đẳng và Đại học thuộc Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM cho thấy chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành mình chọn học, 20% hiểu một cách tương đối và đến 75% thiếu hiểu biết về ngành mình chọn. Nghĩa là phần lớn các em học sinh lựa chọn theo cảm tính mà không hiểu biết hết tính chất nghề nghiệp cũng như triển vọng việc làm sau khi ra trường. Vì vậy, cha mẹ nên cùng con tham gia các buổi hướng nghiệp, cùng tìm hiểu để đưa ra lời tư vấn chính xác, thuyết phục nhất.
Hướng nghiệp cần trải nghiệm thực tế
Các chuyên gia hướng nghiệp cho rằng muốn có một nghề nghiệp hợp lý phải thỏa mãn cả ba đỉnh của tam giác chọn nghề. Đỉnh thứ nhất là đam mê, muốn sống chung trọn đời với nghề nghiệp đó, muốn có động lực để rèn luyện chuyên môn thì phải có sự yêu thích, có động cơ. Đỉnh thứ hai là năng lực; đó chính là khả năng và thế mạnh của bản thân. Chọn cho mình một ngành nghề cũng là chọn một môi trường sống cho những tiềm năng của mình. Nếu lạc đà, phải tìm ra sa mạc; nếu là cá, phải ở môi trường nước… Nghĩa là nghề nghiệp phải hợp với tiềm năng của bản thân. Riêng với đỉnh năng lực thì không chỉ có năng khiếu, mà còn là khả năng học tập và cả khả năng tài chính của gia đình. Đỉnh thứ ba là cơ hội nghề nghiệp, đầu tiên là cơ hội việc làm hoặc tự tạo việc làm. Trong đó, cha mẹ – những người kề cận và hiểu rõ con mình nhất sẽ chính là những người soi đường trên bước đi của con.
Ở các nước phát triển, học sinh từ tiểu học, trung học cơ sở đã được tìm hiểu về nghề nghiệp tương lai bằng cách tiếp cận thực tế tại các cơ sở sản xuất, nhà máy, doanh nghiệp, phòng thí nghiệm… Những nhà hướng nghiệp cho rằng chạm vào thực tế là cách định hướng nghề nghiệp hiệu quả nhất mà phụ huynh cần tự trang bị cho con chứ không thể chờ đợi ở nhà trường hay một ai khác.
Thiếu thông tin và công cụ hiệu quả làm cơ sở để định hướng nghề cho con, nhiều phụ huynh đã không kịp thời có những tác động cũng như lâm vào tình cảnh nhìn con tự “bơi” giữa các lựa chọn không chắc chắn. Ngoài việc nhận dạng tính cách, kỹ năng và giá trị của con, cha mẹ cũng cần chủ động trong việc tìm hiểu các thông tin về ngành nghề đào tạo; những yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với ứng cử viên để có được việc làm tốt sau khi học xong.
Để giúp phụ huynh và các em học sinh được tiếp cận, tìm hiểu thực tế môi trường học tập, thực hành nghề nghiệp tương lai, Trường Đại học RMIT tổ chức ngày “Trải nghiệm các ngành học Kinh doanh” vào ngày 3-4 tại TP.HCM và ngày 10-4 tại Hà Nội. Tại đây, phụ huynh được các chuyên gia hướng dẫn cách trở thành người đồng hành, cung cấp thông tin để con đưa ra quyết định. Các bậc cha mẹ còn có thể cùng con trải nghiệm môi trường đại học bằng cách tương tác với các giảng viên, cựu sinh viên của trường.
Để đăng ký tham dự Ngày Trải nghiệm, vui lòng liên hệ bộ phận Tư vấn Tuyển sinh tại hotline:
- TP.HCM: (08) 37761369
- Hà Nội: (04) 37261460
Hoặc truy cập website: https://www.rmit.edu.vn/vi/ngay-trai-nghiem
Phan Thảo (DNSGCT)