Phái đẹp luôn có sự đam mê mãnh liệt với giày cao gót vì nó giúp cho mỗi bước đi của họ trở nên uyển chuyển, quyến rũ hơn. Nhưng nếu thường xuyên phải mang giày cao, bạn có thể trải qua cảm giác đau đớn không mong muốn. Vậy làm thế nào để chọn được đôi giày cao gót vừa đẹp, vừa dễ đi lại không gây tổn thương cho chân?
Xem kỹ thiết kế của giày
Mỗi đôi giày cao gót đều được thiết kế dựa trên bốn yếu tố cơ bản: mũi giày, đế giày, gót giày và độ dốc của giày. Mỗi yếu tố đều có cấu tạo và chức năng nhất định.
1. Mũi giày: Đây là bộ phận giúp bảo vệ cho những ngón chân vì thế thiết kế phải đảm bảo tạo được sự thoải mái cho phần ngón và bàn chân được duỗi thẳng tự nhiên. Nếu thiết kế phần mũi quá hẹp sẽ khiến ngón chân bị chèn ép, gây tổn thương và phát sinh những vấn đề khác. Nếu kiểu giày trước đây thường kín phần mũi thì ngày nay được cải tiến thành hở để các cô có thể khoe móng chân được sơn rất đẹp của mình.
2. Đế giày: Thường được tạo thành từ chất liệu mềm dẻo, ôm lấy khuôn bàn chân nhưng vẫn có được độ cứng nhất định để vừa tạo được bước đi uyển chuyển vừa đủ độ chắc chắn cần thiết.
3. Gót giày: Đảm bảo tiêu chí bằng thẳng và nằm ở tâm của gót chân để giúp nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Nếu có thân hình đầy đặn, bạn nên chọn đôi giày có đế hình trụ hoặc đế xuồng để tạo nên một chỉnh thể phù hợp. Ngược lại, với dáng người thon gọn, đôi giày gót nhỏ mảnh sẽ phù hợp hơn.
Bạn có thể thử độ chắc chắn của giày bằng cách: Đặt đôi giày trên một mặt phẳng và quan sát. Nếu giày bị xiêu vẹo hoặc phần đế không tiếp xúc hoàn toàn với bề mặt phẳng, bạn nên thử đôi khác. Kế đến, bạn mang giày vào và đứng thẳng chân, sau đó co một chân lên rồi đổi chân. Bước này nhằm mục đích kiểm tra mức độ vững chắc của giày.
Tiếp theo, bạn thử cố nhón người sao cho gót giày cách mặt đất khoảng 2,5cm; nếu không làm được bạn hãy chọn một đôi giày thấp hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn loại gót có một lớp cao su mỏng bao bọc để chống trơn trượt khi di chuyển.
4. Độ dốc của giày: Đây là yếu tố quyết định cho việc “ăn gian” chiều cao của bạn. Bạn muốn cao thêm bao nhiêu, hãy chọn độ cao tương ứng.
Một vài lưu ý khác bạn cũng nên xem xét khi chọn giày: Phần lòng giày nên làm bằng chất liệu có độ thấm hút và có thêm lớp mút để tạo sự êm ái cho đôi chân; xem xét sự chắc chắn của các đường chỉ may, đặc biệt là ở khu vực đế và gót giày; quan sát kỹ bề mặt xung quanh để đảm bảo mép giày phải mềm mại và không có yếu tố cọ xát gây đau chân.
Chọn giày đúng cỡ chân
Nên thử giày cao gót vào khoảng thời gian từ 17g – 19g vì bàn chân lúc này sẽ lớn hơn so với các thời điểm khác trong ngày. Lưu ý về độ rộng của giày để bàn chân luôn trong trạng thái thoải mái.
Bạn thực hiện bằng cách: Mang vào chân rồi đặt ngón tay trỏ vào giữa phần gót chân và gót giày. Nếu ngón tay không lọt, nghĩa là giày quá chật. Nếu dư quá nhiều khoảng trống có nghĩa là giày quá rộng. Bạn cũng nên thử giày ở nhiều tư thế, đứng, ngồi, đi chậm, đi nhanh… để kiểm tra sự vừa vặn và độ chắc chắn của giày.
- Xem thêm: Chọn giày phù hợp với từng sự kiện
Chọn giày có độ cao phù hợp
Một đôi giày cao 3 – 5cm rất phù hợp để đi học hoặc đi làm bởi sự thoải mái và năng động khi di chuyển. Đây cũng là sự thay thế hợp lý nhất cho đôi giày bệt của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể mang đôi giày này khi tham gia những sự kiện ngoài trời trên các địa hình đặc biệt như bãi cát, thảm cỏ hay thềm đá gồ ghề.
Với những cô muốn được cao hơn, đôi giày cao khoảng 7 – 9cm sẽ giúp tạo được chiều cao lý tưởng. Phụ kiện này cũng giúp tôn lên vẻ đẹp của bộ trang phục, phù hợp các buổi tiệc trang trọng hoặc những buổi tối hẹn hò thân mật.
Chúc bạn chọn được đôi giày cao gót phù hợp để luôn xuất hiện thật tự tin và quyến rũ.
Bí quyết đi giày không đau
Ngoài việc lựa chọn giày có độ cao phù hợp, bạn cũng có thể dùng băng dính để giảm áp lực cho đôi chân khi đi giày cao gót. Dùng băng dán cá nhân màu da dán hai ngón út và áp út với nhau. Khoảng hở giữa hai ngón chân này chính là nguyên nhân gây cảm giác đau khi đi giày cao gót quá lâu. Vậy là bạn đã có thể tự tin mang giày cao gót cả ngày mà không bị đau chân rồi đấy![/su_note]