Từ bao đời nay, hình ảnh ông đồ già bày mực tàu giấy đỏ là đặc trưng chợ tết. Sài Gòn, Hà Nội thời kinh tế thị trường, chợ tết mở ra “phố ông Đồ” sặc sỡ mai đào cờ phướn, nhộn nhịp bán mua. Nhưng thú vui chữ nghĩa không chỉ riêng ai, một số nơi miền quê đất phương Nam lại có những ông đồ không bán mua mà cho chữ, gieo niềm vui, mong ước tốt lành cho mọi người. Các ông đồ quê còn “truyền lửa”, dạy cho lớp trẻ lời hay, chữ đẹp. Tấm lòng các ông đồ quê là nét xuân tươi thắm.
Là đất mới, lịch sử chỉ 300 năm nhưng người phương Nam đã kịp vun đắp cho mình bản sắc văn hóa trong đó có thú vui chữ nghĩa. Từ lời ăn tiếng nói dân gian đến thú chơi chữ đẹp, chữ vui, người phương Nam có phong cách giọng điệu riêng.
Nhiều câu ca dao miền Nam dùng sự đa nghĩa chơi chữ lắt léo như:
Chị XUÂN đi chợ mùa HÈ
Mua cá THU về chợ hãy còn ĐÔNG
Chỉ hai câu lục bát kể chuyện, lại gọi tên cả bốn mùa.
Một kiểu chơi chữ khác là lối nói láy rặt ri Nam bộ đàng trong mà miền ngoài ít người hiểu được:
Con CÁ ĐỐI nằm trên CỐI ĐÁ
Con chim VÀNG LÔNG đậu giữa GIỒNG LANG
Nghịch ngợm hơn nữa, dân gian Nam Kỳ đang còn những vế đối hóc hiểm thách thức hàng chục năm qua vẫn chưa có người đáp chuẩn…
Mạch ngầm liễn đối chữ Nho vẫn sống
Thú vui chữ nghĩa ở đất phương Nam là mạch ngầm liên tục hàng trăm năm qua từ phố thị đến nông thôn. Không chỉ với chữ Việt theo mẫu tự La tin mà một số nơi vẫn còn duy trì truyền thống chơi hoành phi liễn đối theo chữ Nho (chữ Hán đọc theo âm Việt). Những ông đồ quê này còn truyền chữ, truyền đạo lý cho thế hệ trẻ.
Ở xã Long Sơn, huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có cộng đồng người gốc từ Hà Tiên, An Giang đến đây khai hoang làm muối, trồng rẫy, lúa. Họ cùng xây dựng ngôi nhà thờ lớn. Từ hơn 100 năm nay vào dịp tết họ viết liễn tết trang trí cho ngôi nhà thờ này. Mỗi lần giáp tết ông Nguyễn Văn Lan đã gần 80 tuổi và các bô lão trong cộng đồng hướng dẫn cho các thế hệ trẻ viết hàng trăm câu chữ Nho để trang trí cho nhà lớn của cộng đồng.
Hình thức viết chữ nho thường là hai loại: Hoành phi và liễn đối.
Hoành phi là một dòng chữ viết ngang, thể hiện lời chúc tốt đẹp như Đức Lưu Quang (Đức độ tỏa sáng), Phúc Lai Thành (Phúc sẽ tạo nên) hoặc là những mong ước, những điều răn dạy cháu con như Mộc Bản Thủy Nguyên (Cây có gốc, nước có nguồn), Ẩm Hà Tư Nguyên (Uống nước nhớ nguồn)…
Liễn đối là hai dòng chữ viết theo chiều dọc theo niêm luật chặt chẽ. Hai câu phải tương đồng nhau về số chữ. Câu này 7 chữ thì câu kia 7 chữ, câu này 9 chữ câu kia 9 chữ. Các chữ theo thứ tự tương xứng nhau giữa hai câu phải tương ứng nhau về từ loại và đối xứng nhau về ý nghĩa và âm thanh bằng trắc.
Niêm luật gò bó như vậy buộc người chơi chữ phải có vốn từ phong phú, dùng chữ chính xác, hàm súc, một câu ít chữ mà gói ghém nhiều ý, ngôn phong thanh thoát.
Nội dung các câu liễn đối cũng là những lời chúc tốt lành cho năm mới, lời dặn dò cháu con về đạo đức lối sống, truyền thống gia đình.
Thí dụ như:
族姓貴尊萬代長存名繼盛 Tộc tính quý tôn, vạn đại trường tồn danh kế thịnh
祖堂靈拜千年恆在德流光 Tổ đường linh bái, thiên niên hắng tại đức lưu quang.
Dịch Nghĩa:
Họ hàng tôn quý, công danh muôn thuở chẳng phai mờ
Tổ miếu linh thiêng, phúc đức ngàn thu còn tỏa sáng.
Chữ nho là chữ tượng hình, các nét chữ đã thể hiện nội dung ý nghĩa của chữ nên người viết có bút lực tốt những dòng chữ đã tạo thành bức tranh đẹp cho không gian ngày tết thêm cổ kính.
Việc duy trì tập quán chơi chữ nho của cộng đồng ở Long Sơn là sự kiên trì đáng phục và chính nó đã cùng những tập quán khác đã tạo sự gắn kết cộng đồng, nuôi dưỡng truyền thống gia đình Á Đông bền chặt đáng trân trọng.
Thư pháp Việt phương Nam tranh tài trên đất Bắc
Tuy nhiên chữ Nho ngày nay không còn phổ biến. Từ đầu thế kỷ 20 nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phát ở Hà Tiên đã dùng bút lông và lối viết tượng hình của thư pháp Hán Tự sáng tạo ra chữ thư pháp Việt và được các thế hệ kế tiếp phát triển ngày càng hoàn thiện, biến hóa. Những thư pháp gia Việt hiện nay có thể viết chữ Việt La tin theo cả năm lối viết: Chân (viết bình thường rõ chữ), hành (nét viết phóng khoáng như đang đi), triện (viết chữ hình vuông), lệ (chữ triện giản lược), thảo (chữ viết bay bướm).
Đặc biệt trong giới Phật Giáo, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng là một thư pháp gia hàng đầu với phong cách mềm mại, chân phương, thanh thoát.
Ở Long An hai anh em nghệ nhân Nguyễn Huỳnh Triều, Nguyễn Huỳnh Long (cháu dòng đích đời thứ 7 của Đức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức) lớn lên trong không gian từ đường truyền thống với rất nhiều hoành phi, câu đối cổ đã yêu thích cái đẹp thư pháp nên cùng một nhóm văn nghệ sĩ lập Câu lạc bộ Thư pháp mà người hướng dẫn đầu tiên là Thầy Lệ Trí trụ trì một ngôi chùa ở địa phương.
Nghề chơi cũng rất công phu, chỉ được một thời gian ngắn, học 24 chữ cái, vừa tập ráp câu, nhiều người rơi rớt, Thầy Lệ Trí bận công việc phật sự nên lớp học giải tán. Nhưng với niềm đam mê, các anh Huỳnh Triều, Huỳnh Long và vài thành viên khác tự bơi, tự học.
Tình cờ biết tin Trung tâm Nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở Hà Nội tổ chức Lễ hội “Câu đối, hoa và đồ uống Tết 2008” trong đó có cuộc thi câu đối, các anh tham gia thử sức. Bất ngờ liên tiếp trong mấy năm liền 2008, 2009 các thành viên Câu lạc bộ Thư pháp Long An đã giành nhiều giải thưởng.
- Xem thêm: Mỹ cảm thư pháp
Năm 2008 anh Nguyễn Huỳnh Long đã giành giải thể hiện, anh Vũ Văn Động đạt giải nhất về sáng tác nội dung với cặp đối:
Xoài Mút, Rạch Gầm, Xiêm vỡ mật
Đống Đa, Kỷ Dậu, Mãn quay đầu
Cặp đối này nhắc lại hai chiến công của Nguyễn Huệ Quang Trung thật cô đọng, rất đúng niêm luật. Tác giả đã chơi chữ tài tình, ba cặp danh từ riêng Xoài Mút, Rạch Gầm, Xiêm (Thái Lan) đối với Đống Đa, Kỷ Dậu, Mãn (Mãn Thanh).
Năm 2009 Nguyễn Huỳnh Triều và Nguyễn Huỳnh Long cùng đạt giải khuyến khích về nội dung và thể hiện thư pháp cặp câu đối:
Đội tuyển Việt Nam, đoạt giải huy chương vàng Đông Nam Á,
Thầy trò Calisto, che khuất ngôi sao bóng đá Thái Lan
Cái hay cặp đôi này nêu được sự kiện thời sự của năm đó, niềm ao ước vô địch ASEAN của bóng đá Việt đã thành hiện thực.
Họ còn đoạt nhiều giải khác nhưng có điều vui là chỉ có giải mà không có thưởng.
Cho chữ ứng tác, niềm vui ngày tết
Tuy nhiên các ông Đồ không lấy làm buồn, hàng chục năm qua, niềm vui của họ là những cuộc giao lưu cho chữ với công chúng hâm mộ ở địa phương. Mỗi lần xuân về tết đến CLB lại đi cho chữ, có khi là nhà văn hóa, có khi là những người dân địa phương trong một ngôi đình, có khi phục vụ người chơi tết tại hội hoa xuân. Họ bày sẵn những câu liễn mẫu cho ai có yêu cầu và sẳn sàng ứng tác cho chữ, hoành phi, liễn, thơ lục bát, thơ tứ tuyệt theo nguyện vọng của người hâm mộ.
Anh Huỳnh Triều có tài ứng tác nhanh ngay cả trong tình huống người hâm mộ có yêu cầu lắt léo. Có lần một doanh nghiệp có 35 thành viên yêu cầu rất ngặt là xin cho mỗi thành viên môt câu thơ hoặc một cặp liễn với lời chúc tốt đẹp và phải có tên của người đó. Các thành viên nghe xong tá hỏa nhưng anh Huỳnh Triều vui vẻ nhận lời. Anh lấy danh sách của khách hàng và phân công các thành viên: “Tôi nghĩ ra câu nào, giao cho ai thì người đó tự ghi và viết lại. Tôi không nhớ để nhắc lại lần thứ hai đâu”. Thật bất ngờ chỉ sau vài giờ các ông đồ đã hoàn thành hơn 30 thư pháp mà người nhận nào cũng tươi vui hạnh phúc hài lòng từ nét chữ đến lời văn.
Tài ứng tác của anh Huỳnh Triều còn tạo bất ngờ và niềm vui xuân cho nhiều người khác trong những lần giao lưu, gặp gỡ. Như ở hội xuân tỉnh Tiền Giang, anh ứng tác tặng cô Trang ở Tiền Giang giao lưu hội xuân:
Vườn Trang hương tỏa, ngõ vào hoa khoe sắc
Chủ nhân tươi cười, tay bắt khách du xuân
Với cô Lan chủ quán cà phê Vườn Lan anh ứng tác:
Phong Lan khoe sắc chào tân khách
Hương vị ngọt ngào đón mỹ nhân.
Với cô Liễu lái đò ở xã Thạnh Lợi huyện Bến Lức Long An, anh tặng:
Véo von chim hót trên cành Liễu
Bì bõm đò xuôi thuận mái chèo.
Năm nay, tưởng nhớ đến nhà thơ Đông Hồ, ông tổ thư pháp Việt, anh Huỳnh Triều đã ứng tác bài thơ thất ngôn và hai cặp liễn anh Huỳnh Long thể hiện tác phẩm thư pháp để nơi trang trọng nhât trong nhà:
Công phu như vậy, tài tình như vậy nhưng các anh cho chữ theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Đa phần là tặng, nếu có nhận tiền thì cũng chỉ là chi phí mực, viết, giấy. Hạnh phúc của các ông đồ quê này là niềm vui của người nhận. Anh Huỳnh Long kể về ấn tượng sâu đậm trong những lần cho chữ chính là ánh mắt, nụ cười, bàn tay run run nhẹ nhàng trân trọng vuốt lên tờ thư pháp của những cụ già. Chừng như với họ bức thư pháp không chỉ là nét đẹp xuân mà còn là điềm may mắn.
Những ông đồ quê tìm thấy hạnh phúc mùa xuân từ niềm vui người nhận, từ đó phát sinh thêm niềm vui mới, hạnh phúc mới là dạy viết, “truyền lửa”, truyền nghề cho thế hệ tiếp theo.
Gieo chữ đẹp cho thế hệ mai sau
Một lần anh Huỳnh Long cho chữ ở đình Cây Trôm của xã Khánh Hậu, một em bé cứ nhìn anh viết say sưa rồi lẽo đẽo theo anh về nhà xin anh dạy viết. Thế là các anh mở lớp dạy. Khi đình làng, lúc nhà văn hóa, có khi là nhà riêng của các nhà hảo tâm. Đặc biệt, bốn năm liền anh dạy năng khiếu cho các học sinh ở trường Bồ Đề Phương Duy đa phần là trẻ mồ côi được Thầy trụ trì chùa Long Thạnh tổ chức nuôi dạy miễn phí. Nhà cách trường hơn 10km nhưng tuần nào anh cũng đi xe máy đến kèm cặp các em suốt 4 năm liền. Dù ở đâu anh cũng hết lòng chỉ dạy từng nét chữ, từng cách nghiêng bút, cách lắc, chuyển dịch cổ tay…Nghệ thuật thư pháp đòi hỏi người học phải chăm chỉ như con kiến, kiên nhẫn, tĩnh lặng như mặt nước hồ.
Gần đây anh bị tai nạn giao thông không thể đi xa. Nhưng nhiều hạt mầm anh gieo đã ra hoa. Em bé Khánh yêu chữ ngày xưa giờ đã là sinh viên trường Nghệ thuật Quân đội và là thư pháp gia chuyên nghiệp. Nguyễn Chí Phúc, Nguyễn Tấn Hào học sinh trường Bồ Đề Phương Duy giỏi tay nghề đã bán thư pháp cho khách thập phương viếng chùa có thêm thu nhập, Chí Phúc nay đã là sinh viên trường Y, Tấn Hào còn đang học tại trường Bồ Đề Phương Duy cả hai vẫn theo thú vui thư pháp. Em Nguyễn Chi Kiếm từ một trẻ làm thuê, mê thư pháp được anh Huỳnh Long truyền nghề ở đình Khánh Hậu giờ đã thành ông đồ chuyên nghiệp, lập câu lạc bộ ở xã Tân Thành, Thủ Thừa. Em đang học ngành đạo diễn ở TP.HCM nhưng vẫn đi xe máy về Long An cho chữ.
Nhiều giáo viên mỹ thuật của các trường ở Long An cũng học thư pháp và vào Câu lạc bộ Thư pháp Hồn Chữ Việt gồm nhà giáo: Kiều Trang, Thanh Tuyền, Quỳnh Hương, Thị Minh, Lê Thiệu, Huỳnh Uy, Văn Toàn. Có cả những học viên thư pháp là thiếu nhi.
Anh Huỳnh Long lý giải, thành công của học trò là chuyện nhân duyên không phải anh là thầy giỏi. “Có nhiều người thích học, siêng năng nhưng chỉ một ký tự mà mấy tháng trời cũng chẳng xong. Ấy vậy mà có cô Tuyết Vân Phó Tổng giám đốc một công ty lớn đã về hưu, tình cờ mới biết thư pháp qua bức trướng anh viết viếng tang Nhạc sư Vĩnh Bảo năm rồi. Tính cô nóng như lửa cứ tưởng rằng không học được. Nhưng chỉ sau gần một năm cô đã thạo chữ, ráp câu, bắt đầu viết đại tự là phần khó nhất. Tết năm nay có thể đi cho chữ được rồi!”, anh Huỳnh Long chia sẻ.
Từ ông đồ Năm Lan ở Long Sơn truyền chữ Nho tải đạo đến ông đồ Huỳnh Triều, Huỳnh Long ứng tác, dạy nghề, nét đẹp mùa xuân lan khắp miền quê, nó không chỉ là nét đẹp chữ nghĩa mà sâu đậm hơn là cái đẹp tình người.
- Xem thêm: Chữ viết tay