Sau bữa sáng ở thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, chúng tôi vượt quãng đường dài 35km để đến rừng quốc gia Phia Oắc. Qua những cung đường ẩn hiện quanh sườn núi, một bên là vực sâu còn bên kia là những ngọn núi cao ngút tầm mây, nhiều thành viên trong đoàn bắt đầu choáng váng, nhất là khi xe đi vào đoạn đường dài chừng 10km chinh phục đỉnh cao nhất của “cánh cung Ngân Sơn”.
Bù lại phong cảnh núi rừng càng lúc càng kỳ vĩ, đặc biệt hai bên đường có nhiều khe nước trong núi đá chảy liên tục (người dân địa phương gọi là nước mó), điều đó chứng tỏ thảm phủ thực vật và tầng mùn trên núi còn tốt.
- Xem thêm: Vào thăm làng Bahnar ở Gia Lai
Đến lưng chừng núi, một người dân dẫn đoàn rẽ sang con đường nhỏ vào vùng lõi rừng đặc dụng – nơi có những ngôi nhà cổ hoang phế. Con đường vào rừng gồ ghề toàn đá hộc. Càng vào sâu trong rừng Phia Oắc, không khí càng lạnh, những gốc cây cổ thụ rêu phủ xanh rì từ gốc lên ngọn. Chúng tôi lọt thỏm vào một thung lũng nhỏ, bằng phẳng ở giữa rừng.
Tại đây, dấu vết về những ngôi biệt thự cổ dần hiện ra. Cả chục tòa nhà xây bằng đá ẩn hiện sau những tán cây rừng. Gần trăm năm trước, thung lũng này là nơi ở của nhóm sĩ quan Pháp phụ trách khai thác mỏ thiếc Tĩnh Túc gần đó. Đi sâu vào rừng, mấy ngôi biệt thự cổ nữa tiếp tục xuất hiện. Trải qua thời gian bị lãng quên, những kiến trúc này được bao phủ bởi lớp rêu xanh rì, giấu mình dưới đám dây leo chằng chịt và hàng cây cổ thụ rợp bóng.
- Xem thêm: Những nẻo đường đa sắc dọc Sơn La
Mấy năm trước, từ rừng đặc dụng, Phia Oắc đã trở thành rừng quốc gia nằm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Theo đó hệ thống hạ tầng được đầu tư xây dựng với tỉnh lộ 220, trang trại trà Ô Long Kolia – cũng là khu du lịch sinh thái với không gian thoáng mát trong lành, hồ nuôi cá hồi, cá tầm với muôn loài hoa khoe sắc thu hút du khách đến thăm. Bên ngoài trang trại có cả rừng thông xanh bốn mùa lộng gió. Nằm vị trí giao lưu của nhiều tuyến đường giao thông và là nơi đầu nguồn của nhiều con sông, Phia Oắc có địa hình núi cao, sườn dốc, cây cối rậm rạp, có nhiều hang động, thảm thực vật phong phú, đa dạng, nhiều cánh rừng nguyên sơ.
Điểm nhấn của rừng quốc gia này tất nhiên là Phia Oắc có độ cao 1.931m so với mực nước biển. Sống xung quanh chân núi là cư dân các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Hoa đã hình thành nên một quần thể văn hóa vùng cao giàu bản sắc. Ẩn dưới màn sương mù bao phủ quanh năm, dưới bồng bềnh mây trôi là thảm thực vật đa dạng, phong phú, góp phần cung cấp nguồn lâm, thổ sản nuôi sống bao thế hệ.
- Xem thêm: Ngày hè xanh mát ở Kon Chư Răng
Đi trong đại ngàn ngào ngạt hương rừng, du khách được hòa mình vào thiên nhiên giữa tiếng gió reo, róc rách tiếng suối, tiếng chim lảnh lót như bản hòa tấu vang vọng bốn mùa. Phia Oắc cho người ta những sản vật quý từ bó măng sặt, xâu nấm hương rừng đến các loại củ quả như củ mài… vừa là thực phẩm sạch, bổ dưỡng vừa là các vị thuốc quý. Đến Phia Oắc vào mùa đông gặp dịp tuyết rơi hoặc có băng giá, khung cảnh ở đây có thể sánh với đỉnh Mẫu Sơn. Ngã ba Sơn Đông, cửa ngõ rừng đã hình thành một khu chợ nhỏ có bán từ rau rừng, các cây thuốc quý đến các loại thực phẩm, lương thực.