Những ai từng quen biết, gần gũi nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương chắc chắn sẽ không quên được những đặc điểm rất dễ mến của chị: chất giọng ngọt ngào của Huế ẩn trong thanh âm sôi nổi của Sài Gòn, gương mặt rạng rỡ của một giai nhân hài hòa với cử chỉ lịch lãm của một người xuất thân quý tộc nhưng cũng hết mực thân tình, một lối sống ngầm sang trọng trong thanh tao, giản dị.
Đáng nhớ nhất là chữ đại mà chị Hỷ Khương thường dùng. Chữ đại của Hỷ Khương là để diễn tả trạng thái hoặc nhận xét một việc gì, một người nào đó. Gặp bạn bè hợp ý hàn huyên, chị bảo: “Hôm nay đại vui”. Giới thiệu một người mà chị mến đức, trọng tài, chị bảo: “Đó là người đại tốt, đại giỏi”. Tất nhiên ở chiều ngược lại, lâu lâu mới nghe chị nhận xét: “Ôi chao, hắn nớ đại xấu”. Thường thì chị nhìn những gì chưa tích cực luôn bằng một sự bao dung đặc biệt. Thái độ sống đó của chị thể hiện ngay ở khổ đầu bài thơ nổi tiếng Còn gặp nhau của chị làm năm 1999 mà rất nhiều người đã thuộc và truyền đọc cho nhau nghe:
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời.
Ở Hỷ Khương còn nổi bật một tình yêu tha thiết, đậm đà với Huế. Nhiều lần được chị mời đi chơi, đi ăn và trò chuyện, tôi hiểu ra tình yêu ấy không phải chỉ vì chị là người Huế gốc. Lúc sức khỏe cho phép, chị vẫn thỉnh thoảng cùng bạn bè tổ chức các buổi đàn ca hát xướng. Trong các buổi văn nghệ đó, Hỷ Khương thường làm mê mẩn người nghe bằng giọng ngâm thơ và các bản ca Huế. Giọng hát của chị vừa da diết ngọt ngào, vừa vang khỏe. Đó là giọng hát của nguồn cội gia tộc và của đào tạo bài bản.
Hỷ Khương bảo: “Ca Huế là một đặc sắc của dân tộc mình chứ không chỉ của xứ Huế. Vì thế đi tới mô tui cũng muốn giới thiệu với mọi người nét đặc sắc đó. Tiếc là mình không thể đàn ca hay hơn mà thôi”. Mời bạn bè tới nhà hoặc đi ăn ở ngoài, Hỷ Khương thường chỉ đãi món Huế. Chị bảo: “Các vị coi đi, một bàn tiệc có thể bày ra mấy chục món ngon của chỉ một xứ thôi là xứ Huế, phong phú rứa, tinh tế rứa tại sao ta lại không mời bạn bè thưởng thức cho được”.
Nhắc nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương trong mối thâm tình với bạn bè, nhiều người trong giới văn nghệ Việt Nam đều biết tới mối quan hệ huynh muội văn nghệ rất đặc biệt giữa nữ thi sĩ với GS-TS Trần Văn Khê. Khởi đầu từ một buổi họp mặt của hội thơ Quỳnh Giao tại tư gia của Tôn Nữ Hỷ Khương năm 1989 mà Trần Văn Khê bất ngờ được dự. Cảm hứng thi nhạc đã khiến Trần Văn Khê trong buổi giao lưu ấy mang đàn đệm theo tiếng thơ ngâm của Hỷ Khương.
Khi trở lại Pháp, Trần Văn Khê đã mang theo trong hành trang cuốn băng mà ông ghi âm buổi giao lưu thơ này. Từ Pháp, ông đã gửi cuốn băng đó về cho Hỷ Khương. Và rồi, không bao lâu sau đó, ông nhận được bài thơ Hỷ Khương gửi sang cho ông mang tên Cung đàn tri kỷ tri âm mở đầu bằng bốn câu: Ai ngâm theo tiếng tơ trầm bổng/Ai trỗi cung cầm họa ý thơ/Ai gửi tâm tình qua tiếng hát/Ai gieo âm hưởng một trời mơ.
Trong bài thơ họa lại gửi Hỷ Khương cũng trong năm 1989, Trần Văn Khê đã bắt đầu gọi Hỷ Khương là tiểu muội và xưng là ngu huynh. Còn Hỷ Khương, bà cũng bắt đầu chọn cách xưng hô với Trần Văn Khê là anh em, là hiền huynh và tiểu muội. Hai bài thơ xướng, họa đầu tiên năm 1989 cùng mang tên Cung đàn tri âm tri kỷ đó đã mở đầu cho chuỗi thơ xướng họa kéo dài trong nhiều năm sau giữa Trần hiền huynh và Hỷ Khương hiền muội.
Chuỗi thơ xướng họa này cũng đã trở thành hiện tượng văn nghệ đáng chú ý và đã được NXB Hội Nhà văn cùng Công ty sách First News in thành sách Trần Văn Khê – Tôn Nữ Hỷ Khương: Thơ xướng họa cung đàn tri kỷ tri âm vào năm 2012. Trong chuỗi thơ xướng họa ấy có một bài thơ ẩn chứa sự trùng hợp như định mệnh của hai huynh muội Khê – Khương. Gặp nhau rồi mới biết hai anh em sinh cùng tháng (Trần Văn Khê tháng 7-1921; Tôn Nữ Hỷ Khương tháng 7-1935), thế là Hỷ Khương làm bài thơ Một chữ tình trong đó có bốn câu: Anh em mình chung một ngày sinh/Chung nòi nghệ sĩ vốn đa tình/Tình cùng thơ nhạc say ngâm hứng/Tình với non sông quyện bóng hình. Nói là như định mệnh vì còn lẽ này: ngày 23-12-2021 Quỹ Học bổng Trần Văn Khê làm lễ kỷ niệm 100 năm sinh Giáo sư Trần Văn Khê, thì 4h30 sáng ngày 24-12-2021, nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương trút hơi thờ cuối cùng. Cứ như là huynh muội gọi nhau đi…
Trong suốt cuộc đời 86 năm thăng trầm, dường như Hỷ Khương chỉ muốn được người đời biết đến mình trong thân phận một nhà thơ. Nhưng lịch sử thì có sứ mệnh ghi lại những gì đã có của một dân tộc, một dòng tộc. Lịch sử ghi rằng, trong lĩnh vực văn hóa, có một dòng họ ở Huế sản sinh nhiều nhà thơ nổi tiếng. Đó là gia đình vua Minh Mạng và các con, các cháu trực hệ của ngài, tính từ vua Minh Mạng đến nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương là năm đời. Vua Minh Mạng (là con trai thứ tư của vua Gia Long, được vua cha lập làm thái tử) là cha của Tuy Lý vương Miên Trinh, là ông nội của Tiểu Thảo Hường Thiết, là ông cố của Ưng Bình Thúc Giạ Thị và là ông sơ của Tôn Nữ Hỷ Khương.
Tuy Lý Vương Miên Trinh (1848 – 1883) giỏi thơ hay chữ đã từng cùng Tùng Thiện Vương Miên Thẩm lập ra “Mặc Vân Thi Xã” rất nổi tiếng thời đó. Vua Tự Đức đã có câu “ Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”. Ông nội Hường Thiết của Tôn Nữ Hỷ Khương là người không chỉ hay thơ (đồng tác giả của sử ca Việt Sử diễn nghĩa và Việt Sử diễn nghĩa tử tự ca) mà còn là người vẽ rất giỏi. Ông chính là tác giả của Đại Nam Quốc Toàn Đồ và Đại Nam Lịch đại Long phi đồ.
Thân phụ của nữ sĩ Hỷ Khương là Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một tên tuổi lớn của thơ ca và văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, tác giả mấy trăm bài thơ chữ Hán và vài ngàn câu thơ Việt ngữ, nổi bật là vở tuồng Lộ địch. Nếu như người cha Ưng Bình Thúc Giạ Thị có những câu thơ ăn vào tâm khảm bao người qua điệu hò Sông Hương “Chiều chiều trước Bến Văn Lâu/ Ai ngồi ai câu, ai sầu, ai thảm/ Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông/ Thuyền ai thấp thoáng bên sông/ Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non”, thì người con gái út Tôn Nữ Hỷ Khương cũng đã để lại trong lòng bao bạn đọc ở thời của mình bài thơ Còn gặp nhau với những câu tự răn mình như một thông điệp về lẽ sống ở đời: Còn gặp nhau thì hãy cứ thương/ Tình người muôn thủa vẫn còn vương/ Chắt chiu một chút tình thương ấy/ Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.
Hôm nay, 26-12-2021, một trong những ngày cuối cùng của một năm rất buồn vì đại dịch covid hoành hành, những người yêu thơ ca và yêu một cuộc sống trong sáng phải đau buồn nói lời chia tay nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đáng yêu đáng trọng. Với sự ra đi này, chúng ta xem như cũng đồng thời tiễn biệt nữ sĩ cuối cùng của Hoàng tộc Triều Nguyễn, cháu năm đời của vua Minh Mạng: nữ quận chúa Công tằng Tôn Nữ Hỷ Khương.
Kính chị an nhiên về với tổ tiên vẻ vang của mình.
Sách của Tôn Nữ Hỷ Khương xuất bản từ năm 1964 đến nay: Đợi mùa trăng (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Bâng khuâng tình khúc (2001), Thơ tình và tình thơ (2006), Thơ dâng Cha Mẹ (2007),… và tập văn xuôi Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ thị (1996, tái bản bổ sung 2002).
(Sài Gòn, 26-12-2021)