Trên thế giới, trong các môn thể thao mạo hiểm thì lái thuyền buồm được cho là thử thách bậc nhất. Đời sống càng hiện đại, bộ môn vô cùng cổ xưa này càng hấp dẫn những người yêu sông nước biển cả. Luôn phải đương đầu với sóng gió bất định, việc lái thuyền buồm phát triển kiến thức, kỹ năng sinh tồn, tính quyết đoán, sự dũng cảm… hơn bất kỳ bộ môn nào.
Xuất hiện ở Việt Nam hơn 10 năm nhưng thú chơi thuyền buồm mới bước đầu trở thành phong trào khoảng năm năm trở lại đây. Từ một số cá nhân chơi thuyền buồm riêng lẻ ban đầu, đến nay Việt Nam đã bắt đầu hình thành một cộng đồng cùng chia sẻ đam mê “sóng gió”.
Đóng góp nhiều vào việc gầy dựng cộng đồng này không thể không nhắc đến ông Châu Văn Hùng – người phụ trách việc đóng hai chiếc bè tre vượt biển từ Thanh Hóa đến Bến Tre hồi đầu năm 2019. Nhân dịp tham gia vào bộ phận kỹ thuật của Asia Marine Việt Nam – một công ty du thuyền mới thành lập, ông Châu Văn Hùng đã dành cho doanhnhanplus.vn một buổi trò chuyện.
______
Là một trong những người chơi thuyền buồm đầu tiên tại Việt Nam, ông có thể cho biết môn thể thao này có ý nghĩa thế nào với ông?
Tôi mê biển từ lúc còn rất trẻ và đặc biệt yêu thích thuyền buồm từ hơn 10 năm trước. Lúc đó Việt Nam không có tài liệu và cũng không ai dạy thiết kế thuyền buồm một cách bài bản, tôi đành xin làm việc không công hai năm ở một nhà máy đóng thuyền buồm của người nước ngoài tại Vũng Tàu với mục đích học nghề. Bên cạnh đó tôi cũng đi khá nhiều nước Đông Nam Á nhằm học hỏi thêm về cách làm thuyền.
Càng có thời gian gắn bó với thuyền buồm lẫn thú đua thuyền buồm, tôi càng say mê môn thể thao này và hiểu vì sao giới trung lưu, thượng lưu ở các nước phát triển đánh giá cao thú chơi này đến vậy. Ngẫm kỹ, cuộc sống hay việc kinh doanh cũng giống như cuộc chơi thuyền buồm. Người chơi phải biết chấp nhận sự bất định của thiên nhiên, biết đương đầu và hòa hợp với làn sóng ngọn gió, phải quyết đoán và tự tin vào phán đoán của mình… Có thể nói hoạt động lái thuyền buồm rèn luyện bản lĩnh vượt thử thách của con người rất hiệu quả.
______
Giới yêu thể thao mạo hiểm ở Việt Nam thường nhắc đến ông bởi tâm huyết và sự kiên nhẫn trong việc gây dựng cộng đồng lẫn phong trào chơi thuyền buồm. Vì sao ông lại dành nhiều thời gian lẫn công sức cho cộng đồng thuyền buồm Việt Nam như vậy?
Đến giờ này thì vốn liếng về thuyền buồm của tôi đã khiến tôi đủ niềm vui và thỏa mãn được đam mê cá nhân của mình. Tuy nhiên, tôi có khát vọng rất lớn là góp phần gây dựng một cộng đồng thuyền buồm Việt Nam – tương tự như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều có cộng đồng thuyền buồm lớn mạnh, đóng góp không ít cho nền kinh tế biển của quốc gia.
Thú chơi này thật ra không quá tốn kém và quá mạo hiểm như đa số mọi người vẫn hình dung. Việt Nam có hơn 3.200km đường bờ biển mà không phát triển được một cộng đồng thuyền buồm như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á là điều rất đáng tiếc.
Ông cha chúng ta từng đóng thuyền buồm, lái thuyền buồm để mở rộng dần bờ cõi về phía nam trong hàng ngàn năm, vậy mà bây giờ chúng ta không kế thừa được chút nào cả kỹ thuật đóng thuyền lẫn kỹ năng lái thuyền thì thật lãng phí.
Tại các nước, những cuộc thi lái thuyền buồm cho trẻ em từ 6 tuổi đến 12 tuổi đã khá phổ biến. Đi cùng với các cuộc thi này là các khóa huấn luyện chuyên nghiệp cùng loại thuyền optimics đảm bảo an toàn, không chìm, phù hợp với từng độ tuổi.
Tôi từng làm trọng tài cho một cuộc thi lái thuyền buồm trẻ em ở Hội An và có ấn tượng rất tuyệt vời với nhiều bé 10, 11 tuổi người Việt Nam mình. Tôi tin rằng môn thuyền buồm sẽ giúp các bé hiểu về biển, biết bảo vệ biển trong tương lai.
Ở góc độ kinh tế, nhìn sang các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore… ta sẽ thấy họ phát triển loại hình du lịch thuyền buồm rất mạnh. Mỗi điểm đến nổi tiếng đều có hàng trăm, thậm chí cả ngàn chiếc phục vụ du khách.
Tại Việt Nam nếu ngư dân vẫn chịu cực khổ lẫn nguy hiểm đánh bắt nguồn tôm cá đang ngày càng cạn kiệt thì tại nhiều nước láng giềng, ngư dân của họ có nguồn thu nhập cao và ổn định – ít vất vả nguy hiểm với việc lái thuyền buồm đưa du khách đi chơi biển.
Ở một quốc gia có biển, nếu càng nhiều người dân yêu biển, hiểu biển, có tinh thần khám phá biển thì kinh tế biển mới có thể phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững. Thuyền buồm chính là một trong các phương tiện phù hợp nhất để tiếp cận và tìm hiểu biển.
______
Theo ông, việc xây dựng cộng đồng chơi thuyền buồm ở Việt Nam đang gặp những thử thách nào?
Thật ra Việt Nam đã có không ít cá nhân có niềm đam mê đối với bộ môn này. Việc cần làm là kết nối họ lại và tạo sự lan tỏa rộng rãi hơn. Các cuộc đua thuyền buồm mà tôi tham gia tổ chức trong những năm qua mỗi năm có đông thành viên tham gia hơn. Với tôi, trong 100 người đến tìm hiểu thú chơi thuyền buồm, có một người thật sự đam mê và gắn bó lâu dài là coi như thành công rồi.
Muốn thu hút sự chú ý và tăng khả năng đóng góp của thuyền buồm cho kinh tế địa phương, chúng ta cần thêm các cuộc thi mang tính trình diễn hơn là thành tích, để có được điều đó thì phải có sự ủng hộ của chính quyền và doanh nghiệp. Những doanh nghiệp sẵn lòng làm “Mạnh Thường Quân” cho bộ môn này cũng đã có, còn phía chính quyền thì chúng tôi phải kiên nhẫn hơn.
Bởi rất nhiều thứ liên quan đến thuyền buồm đều “chưa có tiền lệ” – hay nói cách khác là ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng cho loại hình thể thao du lịch này hầu như chưa có gì, cả về bến bãi lẫn các chính sách quy định.
______
Được biết, ông vừa nhận lời tham gia vào bộ phận kỹ thuật của Asia Marine Việt Nam – một doanh nghiệp mới thành lập chưa bao lâu. Ông có thể chia sẻ một chút về quyết định trên?
Ngành kinh doanh du thuyền ở Việt Nam, trong đó bao gồm thuyền buồm đang ở giai đoạn đầu. Hầu hết các công ty du thuyền trong nước đều xuất phát từ lĩnh vực xa xỉ phẩm chứ không liên quan trực tiếp đến ngành du thuyền, có lẽ vì vậy mà đa số không có định hướng và đam mê thực sự.
Riêng với Aisia Marine Việt Nam, tôi nhìn thấy khát vọng phát triển lâu dài của người sáng lập, điều này phù hợp với mong mỏi của tôi.
Ngoài ra tôi cũng nhìn thấy định hướng liên kết của Aisia Marine Việt Nam với các nước Đông Nam Á khác thông qua hệ thống Asia Marine (trong ngành du thuyền tại châu Á, Asia Marine đáp ứng dịch vụ cho thuê lẫn giải pháp quản lý và vận hành trọn gói tại Hong Kong, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Singapore). Sự liên kết với các nước trong khu vực là rất cần thiết để phát triển lĩnh vực du thuyền – thuyền buồm.
Bên cạnh đó, thông qua việc hợp tác với những người trẻ có tình yêu thực sự dành cho du thuyền, tôi hy vọng đam mê của mình sẽ được truyền lại cho các thế hệ kế tiếp.
______
Sau hai chiếc bè Nhụy Kiều và Bình Định Vương thành công trong chuyến vượt biển từ Thanh Hóa vào Bến Tre, ông có dự định tiếp tục đóng thuyền buồm hay không?
Có chứ! Tôi đang ấp ủ tự đóng một chiếc thuyền buồm đạt tiêu chuẩn thuyền buồm quốc tế ISAF. Để đạt tiêu chuẩn này, thuyền phải có độ cân bằng rất tốt, có bị lật giữa biển thì cũng không chìm.
Ngoài ra, đây sẽ là chiếc thuyền buồm đặc trưng của Việt Nam để có thể tham gia các cuộc đua quốc tế. Những kiến thức tôi dày công thu thập về cách đóng thuyền buồm cổ xưa của ông bà mình sẽ được áp dụng. Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều đã có những chiếc thuyền buồm đặc trưng cho dân tộc họ, chỉ Việt Nam mình là chưa.
______
Xin cảm ơn ông!