Theo tinh thần của công văn, những tháng gần đây đã xuất hiện hiện tượng cạnh tranh lãi suất đầu ra giữa các tổ chức tín dụng, một số tổ chức tín dụng đã cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động và đó là “biểu hiện kinh doanh không lành mạnh về mặt tài chính, có thể tạo ra rủi ro cho chính các tổ chức tín dụng”. Để chấn chỉnh, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chi nhánh các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn không được cho vay với lãi suất thấp hơn chi phí huy động vốn để tránh xảy ra cạnh tranh thiếu lành mạnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng bất lợi đến sự ổn định, lành mạnh của thị trường tiền tệ sẽ bị xử lý nghiêm.
Năm 2013, tốc độ tăng trưởng về huy động vốn của các ngân hàng thương mại đều cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng, khiến cho tình trạng ứ đọng vốn xảy ra ở nhiều đơn vị. Kinh tế vẫn khó khăn khiến các doanh nghiệp không dễ hấp thụ được vốn. Những tháng cuối năm, nếu như trước đây các ngân hàng phải chạy đua tăng lãi suất huy động mới đủ nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế thì năm nay, một số ngân hàng tung ra những chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất thấp và đó là lý do có sự ra đời của công văn kể trên.
Điều đáng nói ở đây, thế nào là lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động? Trên thực tế, hầu hết các chương trình cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất huy động ấy chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn ban đầu của kỳ vay, còn nếu tính chung cả kỳ hạn thì không hề thấp hơn lãi suất huy động. Đó là chưa kể, lãi suất huy động để so sánh với lãi suất cho vay không thể chỉ lấy cứng nhắc theo lãi suất kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng (đang ở mức 5 – 7%/năm), bởi ngân hàng còn có nhiều nguồn vốn khác có giá rẻ hơn – nguồn tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán, tiền đang chuyển…, chưa kể nguồn ngoại tệ huy động có lãi suất rất thấp. Một khi dự báo được biên độ dao động của tỷ giá trong năm do Ngân hàng Nhà nước cam kết, các ngân hàng hoàn toàn có thể chuyển một phần vốn ngoại tệ sang tiền đồng để cho vay. Chẳng hạn, lãi suất huy động tiền đồng là 7%/năm trong khi lãi suất huy động USD chỉ 1,2%/năm và Ngân hàng Nhà nước cam kết mức độ điều chỉnh giá trong năm không quá 3%, ngân hàng thương mại có thể chuyển một phần nguồn tiền huy động USD sang tiền đồng và cho vay với lãi suất trên 4,2%/năm là có thể có lãi.
Nói vậy để thấy giá vốn của các ngân hàng nên được nhận diện một cách linh hoạt, chứ không chỉ so sánh với lãi suất huy động rồi đặt ra nghi vấn về một sự “phá giá”. Thanh tra là hoạt động cần thiết để đảm bảo sự hoạt động ổn định của cả hệ thống ngân hàng, nhưng một sự áp đặt cứng nhắc cũng có thể gây nên hệ quả. Các ngân hàng thương mại là những đơn vị hoạt động vì lợi nhuận, nên khó có chuyện họ cố tình cho vay dưới giá thành đồng vốn của mình để chịu thua lỗ. Nhưng trong một giai đoạn nào đó, họ hoàn toàn có thể hạ giá sản phẩm (ở đây là giá vốn cho vay) để giải phóng hàng tồn kho. Cũng có thể mức lãi suất thấp cho một doanh nghiệp, cá nhân nào đó được ngân hàng đưa ra để khuyến khích họ sử dụng những dịch vụ cộng thêm. Việc các ngân hàng cạnh tranh nhau cho vay với lãi suất thấp còn đem đến lợi ích cho người vay và cả nền kinh tế.
Minh Hằng