Chúng tôi như bừng tỉnh trước cảnh thiên nhiên hiện ra từ khung cửa sổ máy bay. Một màn mây bạc nhuyễn bọc phủ nguyên đảo gần 70.000km2. Rồi mải mê lia máy ảnh, quên đi cảm giác mệt và buồn ngủ do phải rời khỏi khách sạn ở Sydney lúc 3 giờ sáng để đón chuyến bay sớm nhất trong ngày ra đảo Tasmania… Tassie (tên gọi thân mật kiểu Úc của Tasmania) chiêu đãi chúng tôi bằng một bữa sáng thiên nhiên nhẹ nhàng và ngọt ngào như thế.
Đam mê khám phá những vùng đất hoang sơ và từng “ngẩn ngơ” trước Tasmania qua những tấm ảnh của các tay máy chuyên nghiệp, chúng tôi đã quyết định đặt vé đến Úc. Tất nhiên Sydney và Melbourne là hai điểm đến “phải đến” để biết nước Úc là như thế nào, nhưng số ngày chúng tôi ở lại Tasmania vẫn nhiều hơn cả.
Hòa mình với thiên nhiên
Tasmania hoang sơ gần như tuyệt đối. Chúng tôi chật vật tìm kiếm bản đồ hướng dẫn toàn bộ đảo, nhưng không có. Sau khi co ro trong cái lạnh 7oC và hỏi chuyện bác tài xế xe bus của sân bay, chúng tôi mới phát hiện chỗ ở homestay cách rất xa trung tâm, trong khi phương tiện công cộng như xe buýt có rất ít. Du lịch Tassie là du lịch tự khám phá.
Hành khách trên chuyến bay của chúng tôi đổ dồn hết vào khu cho thuê xe tự lái dài ngày (kiểu nhà di động – caravan car) vì đây là cách du lịch tốt nhất ở Tassie. Những chiếc xe buýt hiếm hoi chỉ chạy qua những trục đường chính, trong giờ làm việc của những ngày trong tuần. Cuối tuần, xe buýt chỉ chạy lòng vòng trong trung tâm Hobart.
Nếu có được bằng lái xe quốc tế, chúng tôi có thể rong ruổi trên những chặng đường xanh ngát, đi xuyên qua rừng, qua những nông trại rồi lái sâu vào những dòng sông, dòng suối, đậu xe đó rồi cắm trại ngủ qua đêm, ngắm núi tuyết hay bình minh từ trong lều… Nhìn dòng người thuê xe ấy, chúng tôi nung nấu ý định sẽ quay lại đây sau khi có bằng lái xe quốc tế!
Tám giờ sáng, nguyên thị trấn còn chìm trong sương dày đặc như mây. Ba chúng tôi nhìn nhau, thích thú tự hỏi không biết mình có đang ở trên mặt đất không. Nhà thuê ngay trong khu khá xa trung tâm, bao quanh là rừng với rừng. Chúng tôi được cảnh báo phải đem giày vào nhà, vì buổi tối có khả năng có thú rừng.
Tối đầu tiên, trong lúc ra ngoài sân đứng nói chuyện điện thoại, tôi nghe tiếng “bịch” như có vật gì đó rớt từ cành cây, nhìn qua mới phát hiện là một con wallaby phóng xuống và nhảy lòng vòng trong sân, cách tôi khoảng trăm mét. Nhưng chúng không tấn công con người, có lẽ vì ở đây chúng được con người cư xử như là bạn.
Cái hay của Úc và Tassie nói riêng là ý thức bảo tồn thiên nhiên tuyệt vời của chính quyền và người dân. Các tour du lịch chỉ làm nhiệm vụ lái xe chở du khách đến đường mòn vào rừng rồi dừng lại từ xa cho du khách ngắm những con thú vô tình đi qua.
Du khách chỉ được ngắm chứ không được quấy nhiễu chúng. Kangaroo hay koala, wallaby (con này nhỏ bằng nửa kangaroo và có màu lông sáng hơn) vẫn sống chung với con người. Ban ngày có xe qua lại nên chúng núp đâu đó trong rừng, chỉ ban đêm hoặc sáng sớm chúng mới nhảy ra.
Dấu ấn đặc sản địa phương
Trung tâm Hobart với diện tích chỉ chiếm một phần nhỏ bé của toàn bộ Tassie nhưng tập trung đến một nửa dân số dĩ nhiên là nơi sầm uất nhất đảo. Ngoài khu cảng biển trung tâm và những tòa nhà hành chính xung quanh cảng, những con đường trong Hobart yên tĩnh không khác gì vùng ngoại ô.
Tòa nhà hành chính có kiến trúc giống với phong cách Anh. Sáng thứ Bảy hằng tuần, vỉa hè và khu đường phía trước tổ chức chợ nông phẩm. Chúng tôi được thấy những củ cà rốt nhỏ xíu xinh tươi màu hồng, tím các loại. Khăn choàng, áo khoác len, hoa, rượu, nến làm từ rượu, lavender, hoa hồng… tất cả đều là hàng nông sản địa phương. Chính quyền Tassie bảo vệ nông dân và nông sản tại chỗ rất cẩn thận.
Ngay từ sân bay, tất cả trái cây đều không được mang vào đảo, dù đó là trái táo bạn đang ăn dở và có xuất xứ từ những nơi khác của Úc, để tránh những rủi ro sâu bệnh cho cây trong đảo. Ai ai cũng tranh thủ mua sắm, chiêm ngưỡng nông phẩm và niềm đam mê của người bán thể hiện qua cách trưng bày, giới thiệu sản phẩm tâm huyết của họ.
Cái hay của một thị trấn ít phương tiện công cộng là chúng tôi phải đi bộ qua những con đường phủ đầy lá vàng mùa thu và ngắm kỹ từng tòa nhà, công viên vàng ươm hoặc chỉ là những lúc dừng chân nghỉ mệt dưới cung đường nhỏ yên tĩnh, ngắm lá rơi và kêu xào xạc dưới chân mình.
Đến Tassie, chúng tôi không thể bỏ qua tour đi thăm đảo nhỏ xung quanh, cách chỉ hai mươi phút đi phà. Những đồi núi cao thoai thoải, những con đường mòn nhỏ lên hải đăng để phóng mắt về ngôi nhà trắng hiếm hoi trên bãi biển không bóng người và dốc núi đá. Không có gì phải vội vàng, cứ thong thả hít thở và ngắm thật kỹ mọi đường cong của dốc núi.
Xe đưa chúng tôi qua nhiều đường xuyên nông trại để đến những hầm rượu và vườn nho nơi nông dân thu hoạch và sản xuất tại chỗ. Thử liên tiếp nhiều loại rượu, chưa kịp hết chếnh choáng, chúng tôi lại được thưởng thức hàu sống vừa đánh bắt lên. Hàu ở đây chỉ nhỏ bằng nửa con hàu ở Việt Nam nhưng rất tươi, ngọt mát và không hề tanh. Chỉ cần vắt chút chanh là có thể ăn một cách ngon lành nhất. Chúng tôi tiếp tục được dẫn qua một nhà hàng sản xuất các loại phô mai gần đó.
Bạn có thể chọn cho mình một đĩa phô mai nhiều loại và chai rượu rồi cùng bạn bè tìm ra góc vườn ngoài trời có chiếc bàn gỗ dài tán gẫu… Còn một loại đặc sản không thể không kể đến là ngôi nhà nhỏ xíu sản xuất chocolate cung cấp cho các nhãn hàng chocolate nổi tiếng trên thế giới. Chúng tôi đứng thành vòng tròn trong tiệm có diện tích chừng mười mét vuông, lắng nghe kỹ thuật làm chocolate handmade. Sự đam mê, cống hiến toàn bộ cuộc đời của họ cho những thỏi chocolate ngon và tinh tế của những nghệ nhân ở đây đã cuốn hút được người nghe.
Chúng tôi đã “móc túi” mua các loại chocolate một cách vui vẻ. Bạn không thể ra về một cách hờ hững trước những mẫu chocolate hình dạng rất tinh tế có một không hai, cùng với những kiến thức về chocolate chính hiệu. Cuối ngày, nhiệt độ xuống gần 7oC nhưng chúng tôi cảm thấy nóng ấm hơn khi được truyền lửa từ đam mê của những nghệ nhân này. Chúng tôi quyết định kết thúc một ngày tuyệt vời này bằng cách ghé vào tiệm bánh pizza (cũng được mở bởi những người nông dân). Ôm trên tay hai hộp bánh pizza nóng hổi thơm nồng, tôi choàng chặt khăn và đội nón len, đi bộ ba cây số về nhà nghỉ khi trời chập choạng tối.
Sẽ còn quay lại…
Đỉnh Wellington cách trung tâm Hobart nửa giờ lái xe là nơi mà ai cũng sẽ phải ghé khi đến Tassie. Cung đường rất dốc. Dọc đường đi, chúng tôi tập trung ngắm những ngôi nhà với những vườn hoa và khuôn viên xinh xắn, chẳng mấy chốc đã đến đỉnh. Vừa bước xuống xe, gió tốc thẳng vào mặt. Tất cả khách tham quan, già trẻ lớn bé, nam hay nữ đều làm một thao tác là mặc thêm áo, gài cúc áo thật chặt, quấn kín khăn choàng và nón.
Ấy vậy mà gió lạnh vẫn cứ làm cơ thể như đóng băng. Từ nơi này nhìn xuống, toàn bộ thành phố bỗng trở nên quá bé nhỏ. Đường gỗ chìa ra ven núi khiến cho chúng tôi cảm giác đang bay, thực sự bay trên đỉnh thành phố với cái gió, cái lạnh, khung cảnh hùng vĩ và cả một chút cảm giác chinh phục đỉnh cao nữa. Có lẽ vì cái lạnh trên đỉnh núi quanh năm này mà cây ở đây không sống được, gần như là đồi trọc với đá và bàng bạc màu lá khô.
Những ngày sau đó, chúng tôi cũng lang thang qua các con đường, nông trại để ngắm mùa thu nước Úc một cách dân dã nhất. Chúng tôi hái vài trái táo từ trên cây ven đường chẳng thuộc sở hữu nhà ai. Táo rụng đầy gốc cây, nhỏ xíu nhưng rất ngọt. Vì thấy chúng tôi quá háo hức với cây táo cả buổi trời, các bác nông dân thỉnh thoảng chào và bắt chuyện vui vẻ rồi kể về cuộc sống nơi đây.
Sáu ngày ở Tassie, dường như chúng tôi không còn nhớ về cuộc sống thành phố nhộn nhịp ồn ào nữa, chỉ còn biết đến thiên nhiên và sự yên bình tĩnh lặng. Một ngày nào đó chúng tôi sẽ quay lại để khám phá mạn phía tây và bắc Tassie, để tắm táp bằng hơi thở thiên nhiên, trong rừng, ven suối, trước hồ trên chiếc xe caravan. Chắc chắn là thế!