Lo lắng với CPI và xăng dầu
Trong tuần tới, diễn biến CPI tháng 8 và việc điều chỉnh giá xăng là những thông tin được giới đầu tư quan tâm. Đặc biệt, giá xăng dầu tiếp tục trở thành nỗi lo khi giá xăng dầu thế giới liên tục tăng mạnh. Thông tin xăng tăng giá không khỏi khiến người ta lo ngại và “khó chịu” bởi mỗi khi mặt hàng này giảm giá thì mức giảm rất “khiêm tốn”, lúc tăng giá thì lại chẳng chút “e thẹn”. Người dân đang hy vọng vào khả năng Bộ Tài chính sẽ xem xét đến phương án điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu để mặt hàng này có thể tạm thời chưa tăng giá trong thời điểm hiện nay.
Đua theo giá xăng là sự tăng giá của nhóm dịch vụ vận tải và các mặt hàng lương thực thực phẩm. Tạo thêm sức ép cho cuộc sống của người dân là mức điều chỉnh tăng của nhóm dịch vụ y tế trong tháng 8. Những diễn biến này có thể khiến CPI tháng này quay lại mức dương hoặc âm không đáng kể. Đáng buồn, đây không phải là diễn biến tích cực cho chỉ số CPI sau những tháng giữ dấu âm bởi phản ánh yếu tố “chi phí đẩy” chứ không phải là sự hồi phục tổng cầu của nền kinh tế như mong đợi.
Việc giá xăng, điện tăng, không chỉ tạo nên sự lo lắng về những chi phí cho cuộc sống hằng ngày của người dân mà ngao ngán hơn cả đó là các doanh nghiệp sản xuất. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam đã giảm bốn tháng liên tiếp. Trong đó, tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4-2011, chứng tỏ nền kinh tế đang trong giai đoạn rất khó khăn. Mức tăng trưởng tín dụng đã giảm trở lại mặc dù lãi suất cho vay đã được đưa về mức 15%/năm. Cụ thể, tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm trong tổng dư nợ tín dụng đến 17-7 đã giảm một nửa, và đến 2-8 đã giảm gần 2/3 so với trước ngày 15-7. Diễn biến này cho thấy một thực tế, mức lãi suất này vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với người dân cũng như các doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế là yếu. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục áp dụng các biện pháp để hạ lãi suất trong thời gian tới, kích thích tăng trưởng tín dụng.
Sự thận trọng của giới đầu tư đã thể hiện rõ trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 13-8. May thay, VNM, MSN, FPT – ba mã cổ phiếu lớn giữ được sắc xanh đã giúp cho VN-Index tăng nhẹ khi đóng cửa. Chốt phiên VN-Index tăng lên 426,17 điểm. Khối lượng giao dịch sụt giảm với 29,8 triệu cổ phiếu được trao tay, giá trị giao dịch đạt 450,7 tỉ đồng. Đáng chú ý ở phiên này là giao dịch của cổ phiếu SBS (Công ty chứng khoán Sacombank). Đến 13g45’ cổ phiếu SBS mới chính thức được giao dịch do đang thuộc diện bị kiểm soát. Tuy nhiên, cổ phiếu này nhanh chóng bật tăng trần với lượng mua bán cả triệu đơn vị bất chấp thông tin Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án về gian lận trong kinh doanh và che giấu thông tin trên thị trường chứng khoán tại SBS.
Song Hà