Vườn Quốc gia (VQG) Ba Bể, Bắc Kạn là khu vực thiên nhiên có cảnh quan đẹp bậc nhất miền Bắc. Vào thu nước hồ trong xanh phẳng lặng soi bóng những tán rừng già bao quanh. Thay vì ngồi trên thuyền để vãn cảnh non nước, chúng tôi đã quyết định men theo con đường mòn ven hồ để khám phá nơi đây.
Cách Hà Nội khoảng 240km, đường đến với Ba Bể hiện nay đã khá thuận tiện dù di chuyển bằng ôtô hay xe máy. Cuối thu đầu đông, những tán rừng cổ thụ ở Ba Bể đã nhuộm sắc vàng, dần dần thay lá. Chúng tôi men theo con đường từ cổng chào của VQG chạy vòng quanh hồ dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Những thân cây cổ thụ cỡ hai, ba người ôm ven hồ là một nét đẹp rất riêng của Ba Bể. Mùa này nước hồ cạn, nhưng trong xanh phẳng lặng như tấm gương khổng lồ phản chiếu núi non, trời đất miền sơn cước.
Con đường chúng tôi đi nằm trong địa bàn xã Nam Mẫu, men theo hồ ngoằn ngoèo dài khoảng 15km qua các thôn, bản như: Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Đán Mẩy… Không chỉ nhóm chúng tôi mà nhiều du khách nước ngoài cũng thích thú với cung đường nhỏ này để khám phá cảnh sắc, con người địa phương. Đi bộ hoặc đạp xe với khoảng cách ngắn cùng balô trên lưng để tự khám phá là cách người nước ngoài thường chọn khi đến Ba Bể.
Quả thật chỉ có đi bộ hoặc đạp xe chầm chậm men theo những con đường mòn mới thấy hết được vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Trên con đường qua các thôn bản của xã Nam Mẫu có vô vàn những khoảnh khắc đẹp. Trên những con dốc cao vắt ngang một mỏm núi, phóng tầm mắt ra lòng hồ, chúng tôi bắt gặp bức tranh thủy mặc rất đẹp. Đó là những dáng cây cổ thụ rêu phong, khẳng khiu rủ bóng xuống mặt hồ. Lá vàng bay phất phới xuống mặt hồ mỗi khi cơn gió thổi qua. Xa xa là những hòn đảo nhỏ nổi lên trên làn nước xanh thẳm giữa hồ Ba Bể.
Thú vị hơn khi ta bắt gặp trên mặt hồ bóng người ngư phủ trên con thuyền độc mộc đang thả lưới đánh cá. Tuy giờ đây hầu hết thuyền được làm bằng sắt, thay vì bằng gỗ như trước kia, nhưng đồng bào người Tày ở đây vẫn giữ được nét đẹp, vẻ độc đáo trên những con thuyền đi đánh cá ấy. Mùa này nước hồ cạn đã làm lộ ra những thửa ruộng để bà con các thôn, bản ở Nam Mẫu trồng trọt. Bản làng với những nếp nhà sàn xa xa cùng thửa ruộng bên mép nước cũng làm say đắm kẻ lữ khách khi lang thang nơi này.
Trên cung đường khám phá VQG Ba Bể bằng cách đi bộ, đạp xe dưới những tán rừng già ven hồấy có một thắng cảnh chúng tôi không thể bỏ qua, đó chính là động Hua Mạ nằm cách thôn Pác Ngòi khoảng 6km. Động Hua Mạ mới được biết đến khoảng mười năm nay và còn nhiều điều chưa được khám phá hết. Hiện nay đoạn hang động cho du khách tham quan dài khoảng gần một km. Theo tính toán chưa chính thức, lòng động rộng đến hơn một ha và có những điểm từ sàn lên đến trần cao hơn 50m. Những khối nhũ đá đa màu, đa dạng cứ dần dần làm du khách bị mê mẩn. Đi một đoạn thấy lòng động thắt lại, mọi người tưởng đã hết đường, nhưng không phải vậy. Chỉ cần bước qua đoạn khe nhỏ là một vùng động rộng lớn với ma trận nhũ đá lại hiện ra trước mắt mọi người. Cứ như vậy không biết bao nhiêu vườn nhũ đá liên tiếp xuất hiện trên hành trình dài gần 1.000m.
Nhũ đá ở đây có những khối khổng lồ như thân cây cổ thụ giữa rừng già Ba Bể và tạo ra đủ các hình thù từ đài hoa sen, bút tháp, đến hình Quan Âm Bồ Tát, thầy trò Đường Tăng. Du khách nào mà chúng tôi gặp ở động Hua Mạ cũng đều tỏ ra sững sờ trước vẻ đẹp kỳ vĩ ở đây. Tuy thuộc thắng cảnh đẹp nhất VQG Ba Bể, nhưng Hua Mạ vẫn chưa được nhiều người biết đến như động Phong Nha, Thiên Đường, Hương Tích hay Bích Động. Chính điều đó càng làm cho Hua Mạ có sức cuốn hút đặc biệt, nét nguyên sơ mời gọi du khách và các nhà nghiên cứu, thám hiểm tiếp tục thưởng ngoạn, khám phá.