Tôi đặt chân đến thành phố này lúc bảy giờ tối. Cơn mưa chiều vừa ngớt và phố xá chìm trong một thứ không gian mát lạnh tinh khiết. Hậu đón tôi ở sân bay. Cậu là chủ nhân của khu vườn mà tôi sắp đến, có một chút thời gian rảnh cuối ngày và vì bất kỳ một ngẫu hứng nào đó, cậu xăng xái nhận phần đi đón tôi thay cho ban tổ chức, dù chúng tôi chưa gặp nhau bao giờ.
Hậu nhận ngay ra tôi ở cửa ra dù tôi đeo khẩu trang. Có lẽ nhìn cái dáng vẻ ngơ ngác của tôi mà đoán ra chăng? Chặng đường từ sân bay về, Hậu tranh thủ giới thiệu với tôi vài nét về thành phố này, thành phố Tây Nguyên duy nhất tôi chưa từng đến. Cũng chẳng hiểu tại sao tôi đã đi hết mọi tỉnh Tây Nguyên nhưng lại trừ ra nơi này. Tôi chìa tay ra ngoài cửa xe để cảm nhận thứ giá lạnh đã xa vắng từ lâu. Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng ngột ngạt kinh khủng, và mùa đông dường như đã đi vắng đến cả năm trời. Cái kiểu lạnh ở đây, tối nay, tựa như một đêm đầu đông miền Bắc, nó khiến ta xúc động.
Mọi người chờ tôi, người từ xa nhất đến, để ăn tối. Tất cả, đang ngồi quây quần bên một chiếc bàn dài, giữa um tùm cây lá, bình rượu cần với mấy cái vòi hút cong cong đặt ở giữa. Tôi còn chưa kịp có một chút hình dung nào về thành phố này, nhất là Hậu lại đưa tôi đi thẳng lên ngọn đồi của cậu. Nơi mà như cậu nói, sáng mai đứng từ đây chị sẽ nhìn thấy thành phố. Và trên ngọn đồi ấy, cậu thả tôi vào một khu vườn mà cậu đặt tên là Tropical Garden (Vườn Nhiệt đới).
Bọn tôi ăn tối dưới ánh điện vàng vàng ấm ấm. Bên ngoài, những giọt nước đọng lại trên tán lá chốc chốc lại rơi lộp độp. Mọi người ăn ít, tranh thủ nói chuyện. Đã lâu tôi và vài người bạn đồng nghiệp chưa gặp nhau. Hơn thế lại còn gặp ở một nơi mà chúng tôi đều rất thích đến. Vài người bắt đầu chơi đàn và hát. Những khúc hát đậm đà thanh âm, tình cảm của đại ngàn. Dù rằng ai cũng biết, đại ngàn Tây Nguyên đang ngày càng thu hẹp lại và nó ở đâu đó xa lắm, rất xa thành phố này.
Trần nhà được decor bằng những cái tổ chim rất kỳ lạ. Một loài chim nhỏ nào đó tự thiết kế cái tổ của nó kín mít, lối chui vào bé tí xíu và tuyệt đối an toàn cho chim non. Khi chim non trưởng thành, chúng bỏ lại những cái tổ trống rỗng lơ lửng trên cao, và Hậu mang về đây. Những cái cây um tùm mọc ở tất cả những chỗ hở còn lại trên tường, bên cạnh rất nhiều phù điêu bằng đất nung. Tôi đồ rằng bên ngoài kia, trong khu vườn chẳng biết rộng đến cỡ nào, cũng đều kín mít cây cối. Những chùm lá dài buông từ trên mái xuống chạm đất, một loài cây gì đó có lẽ cùng họ dương xỉ.
Không gian tĩnh lặng. Một sự tĩnh lặng êm đềm hòa nhã thân thiện kỳ lạ.
Tôi ngủ ở giữa vườn cây ấy với một nỗi thao thức rất khó tả khi tiếng những giọt nước mà tôi hình dung chúng rất to, rất tròn và trong vắt lung lay trên những chiếc lá và từ từ rơi xuống, chạm vào đâu đó bên dưới. Trong bóng đêm, mọi thứ trở nên huyền ảo và kích thích trí tưởng tượng ghê gớm.
Sáng tôi thức dậy sớm. Không nhìn đồng hồ, nhưng có lẽ chưa đến 5 giờ. Mặt trời đâu đó, tôi không xác định được phương hướng, chưa thấy bóng dáng đâu. Tôi mở cửa căn nhà nhỏ tí xíu và nhận ra, những cái cây um tùm trong bóng tối đêm qua, sáng ra chúng vẫn… um tùm y như vậy. Chúng giống hệt như tôi hình dung. Đan cài với nhau, từng lớp cây một. Thấp nhất là cỏ và lớp cây bụi, giữa là những cây có cành dài và tán rộng hơn, lá to hơn, cao nhất có lẽ là những cây lấy gỗ, che rợp bầu trời. Hàng trăm loài cây trong khu vườn này, hay gọi là một khu rừng nhỏ cũng đúng, đều được cậu lấy từ rừng về trồng.
Hậu mặc quần cộc, áo phông, đội mũ vải đi xuyên qua lối mòn ẩm ướt và hỏi:
– Đêm qua chị có ngủ được không?
Tôi gật đầu mỉm cười chào cậu.
Hậu có vẻ ngoài giống với người Nhật, kiểu như một võ sĩ samurai. Cao lớn, tóc dài buộc ra sau nhưng giọng nói thì rất giống tên của cậu, khá là hiền hậu. Bọn tôi ngồi bên cái bàn dài, vẫn giữa những um tùm cây cối vươn từ ngoài vào. Hậu pha trà.
– Hồi xưa em mua cái vườn này giống như bỏ ống heo vậy đó chị.
Hậu bắt đầu câu chuyện của cậu, tự nhiên, nhỏ nhẹ.
Cậu là một trong số chín người con của cha mẹ. Cha Hậu là một người tuyệt vời đến nỗi tôi phải thốt lên rằng, nếu như không có một người cha như vậy có lẽ không có cậu cũng không có cả khu vườn này hôm nay. Ông cho hết đám con đi học. Học đến nơi đến chốn, học bài bản. Còn hai ông bà ở nhà quần quật làm rẫy để nuôi đàn con ấy. Đứa nào thích học gì thì học, ông nói không nghe thì thôi. Thế nên anh em Hậu mỗi người một nghề, nhưng tất thảy đều thành đạt.
Hậu về Sài Gòn học mỹ thuật, vừa học vừa làm. Cậu bảo, xưa ba em có học hành gì đâu mà nuôi được cả đàn con. Em nghĩ mình ít nhất cũng học hết lớp 12, lại cao to khoẻ mạnh, chả lẽ không tự nuôi được cái miệng mình. Thế là cậu không nhận chu cấp từ cha mẹ nữa. Làm đủ mọi thứ việc để nuôi sống bản thân cho đến hết đại học. Rồi sau này cha cậu mất. Lúc ông mất, ngôi nhà của ông không ai chịu về ở. Mãi rồi mấy anh em quyết định bán. Nhưng bán nhà thì bao nhiêu cây cối mà ông chăm bẵm quyến luyến lúc còn sống biết để đâu? Và đấy là lý do đầu tiên để Hậu mua một miếng rẫy nhà người ta đang trồng mì để có chỗ… trồng những cây mai của ba. Mỗi năm cậu gom tiền mua thêm một ít xung quanh, dần dần cũng có một khu vườn vừa để giữ lại những cái cây kỷ niệm của ba, vừa để thỏa mãn ước mơ làm vườn, chơi cây của cậu.
Bây giờ thì cây cối đã um tùm lắm rồi và nó thành một địa chỉ mà ai ai yêu thiên nhiên khi đến Đắk Lắk này cũng muốn tới.
Những tia nắng vàng óng như mật ong đã bắt đầu chiếu xiên xiên xuống khu vườn khiến nó lấp lánh như có vô số những tấm kính vạn hoa treo lửng lơ trên vòm cây. Giữa vườn có một dãy tổ chim Hậu đóng sẵn để chim tự nhiên về có nơi trú ngụ. Lâu lâu chim về cả đàn, ríu ran trong vườn, một thời gian lại bay đi. Lâu lâu lại bay về. Mấy cái tổ chim bằng gỗ bạc màu theo thời gian thực sự đẹp như một bức vẽ. Tôi cứ đứng ngẩn ra ngắm mấy cái ô cửa nhỏ tí xíu và hình dung một sáng đẹp trời đàn chim lại ríu rít bay về.
Bây giờ đang là mùa hè. Một mùa hè thực sự, chói chang và bỏng rát khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S của chúng ta. Nhưng ở đây, lúc này, vào buổi sáng sớm và tối muộn, một chút giá lạnh lại xuất hiện một cách thực sự, tới mức phải mặc áo khoác mới không bị rùng mình.
Những lối mòn ẩm ướt với vài bông hoa màu đỏ thẫm chìa ra khiến tôi không cách nào bước nhanh được. Những chiếc ghế cũng ướt. Đêm trước, một đêm tạnh ráo nào đó, có lẽ mấy cô cậu thanh niên đã nhóm lửa vì những gộc củi cháy dở vẫn gác lên nhau. Họ có lẽ đã ngồi đó, chơi đàn và hát, và ngắm nhau mê say.
Tôi thấy một Tây Nguyên ở đây và một Tây Nguyên vắng bóng. Rừng đã mỗi ngày một lùi xa, một vắng vẻ, một thưa thớt đi. Tây Nguyên có còn là Tây Nguyên nếu như rừng sẽ hoang tàn? Phải có cách nào đó chứ. Phải có nhiều người như Hậu, một cậu họa sĩ với cá tính mạnh mẽ và một niềm yêu rừng thiết tha, luôn tìm mọi cách để hồi sinh màu xanh trong tít những buôn làng xa xôi.
Trong ca khúc mới của một nhạc sĩ Tây Nguyên, Y Phôn Ksor có những câu thế này: “Rừng đã cháy rừng đã héo còn ai nhìn đây/ Rừng mang oan rừng tan hoang rừng đang ngổn ngang/ Rừng vênh veo héo khô từng ngày/ Rừng là một trái tim không hận thù…”. Nghe mà đau nhói.
Tôi nói với bạn là tôi muốn đi vào rừng.
Bạn đưa tôi đi. Ở khu rừng ấy có một thứ rất đặc biệt, rất gắn bó với người Êđê – tộc người chiếm số đông ở Đắk Lắk. Đó là bến nước. Những cái bến nước xưa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người Êđê. Ở đâu có bến nước ở đó có buôn làng. Không có nước thì sống làm sao. Và kỳ lạ là những mạch nước ngầm cứ chảy ra từ trong núi. Tôi nghĩ mãi không hiểu làm sao người ta có thể chọc những ống vầu vào trong vách núi, và từ đó nước chảy ra. Không phải chảy từ trong một khe núi như miền núi phía Bắc của tôi. Nó chảy ra từ… bất kỳ chỗ nào đó, đằng sau những bụi cây nhỏ mọc bám vào vách đất.
Những cái bến nước ấy vừa là nơi để lấy nước, để tắm giặt, để chuyện trò giao tiếp, còn là nơi hẹn hò vào những đêm trăng sáng của trai gái nữa. Phía trên bến nước người ta sẽ không làm nhà ở, không chăn thả gia súc để đảm bảo nguồn nước được sạch sẽ.
Và tất nhiên, rừng phải còn cây thì bến mới còn nước chứ.
Trong khu rừng còn nhiều cây to, nắng hôm ấy óng vàng.
Nắng rơi từng giọt xuống dòng suối đang chảy đi một cách vui vẻ và nồng nhiệt.
Một vài chiếc lá đỏ ửng rụng xuống.
Một vài con bướm nhỏ đập cánh…
Những khu rừng như thế này đang ngày một hiếm đi và những người Êđê đang ra sức giữ gìn.
Hậu không phải người Êđê. Cha mẹ cậu đều là người Kinh lên Tây Nguyên lập nghiệp, và anh chị em cậu đều được sinh ra ở đây. Cậu là một người địa phương đích thực với tất cả những mê say núi rừng và tha thiết với màu xanh của cây cối.
Tôi nói với Hậu, nhất định chị sẽ trở lại khu vườn của em. Có lẽ chỉ để thêm một lần nữa cảm nhận đầy đủ hơn về nó, trong những ngày tháng khác, thời điểm khác. Nhưng tôi cảm thấy rằng, bất kể thời điểm nào trong năm, thì mùa xuân luôn ngự trị ở đây với tiếng ríu ran của bầy chim và những chiếc lá xanh nõn đang bật mầm.