Một bộ quy tắc ứng xử riêng dành cho khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam với sự tham gia của các ngành liên quan có thể là “chìa khóa” giúp quản lý nguồn khách này hiệu quả hơn.
Sau vụ việc khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình bản đồ “đường lưỡi bò” tại sân bay Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cách đây 2 tuần, một lần nữa vấn đề thu hút và quản lý nguồn khách du lịch từ Trung Quốc “nóng” trở lại. Nhiều ý kiến cho rằng cần hạn chế khách Trung Quốc đến Việt Nam vì những du khách này không những bêu xấu hình ảnh Việt Nam mà còn làm xáo trộn tình hình kinh tế, xã hội tại các địa phương.
Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Việt Nam trong những năm qua với số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong tổng số 5,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, chỉ riêng khách du lịch Trung Quốc là hơn 1,7 triệu, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm ngoái, có 4 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng gần 50% so với năm 2016. Đi cùng với số lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng là lợi ích kinh tế từ thị trường này cũng ngày càng tăng.
Ông Lâm Duy Anh Cường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, nhìn nhận khách du lịch Trung Quốc là một yếu tố rất quan trọng giúp du lịch phát triển, đồng thời tạo nguồn thu lớn ngành công nghiệp không khói tại các nước trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, việc tăng trưởng đột phá của thị trường khách Trung Quốc đi theo các tour lớn giá rẻ cũng dẫn đến một số hệ lụy về môi trường du lịch. “Một sách lược hướng đến việc điều chỉnh thị trường, tập trung thu hút phân khúc khách Trung Quốc phù hợp cùng với một tốc độ tăng trưởng hợp lý để đảm bảo chất lượng sản phẩm của điểm đến , không gây quá tải cho hạ tầng sẽ là chìa khoá cho sự phát triễn bền vững đối với thị trường này”, ông Cường chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Khu nghỉ mát Furama Đà Nẵng, đặt câu hỏi: Liệu chúng ta đã thực sự quan tâm người Trung Quốc thích gì tại Việt Nam hay chưa? Chúng ta có tạo điều kiện cho họ tiêu tiền nhiều hay chưa? Theo gợi ý của ông Quỳnh, các ngành liên quan có thể ngồi lại với nhau bàn bạc để thực hiện dự án điều tra, quy hoạch những khu mua sắm đạt chuẩn riêng và bán những sản phẩm và dịch vụ mà khách Trung Quốc cần. “Nếu làm tốt chúng ta sẽ có thể xuất khẩu ngay tại chỗ và thu về ngoại tệ ngay tại chỗ”, ông Quỳnh nói.
Ở tầm vĩ mô, việc hợp tác giữa các ngành liên quan cũng được ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đề cập với báo chí sau vụ việc “áo in hình đường lưỡi bò”. Theo ông Tuấn, việc ngăn chặn sự thất thoát về kinh tế trong hoạt động kinh doanh lữ hành nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng cần có sự vào cuộc cụ thể, sự quan tâm thường xuyên của các ngành, các cấp, nhất là ngành thuế, quản lý thị trường, xuất nhập cảnh, chính quyền địa phương và người dân.
Theo ý kiến của những người làm trong ngành du lịch thì việc hợp tác giữa các cơ quan liên quan bên cạnh ngành du lịch là điều cần thiết, để kiểm soát những du khác “có vấn đề” một cách hữu hiệu. Cụ thể, khi khách Trung Quốc vào Việt Nam, cơ quan xuất nhập cảnh sẽ chịu trách nhiệm về việc khách Trung Quốc mang áo hay vật dụng có in bản đồ “đường lưỡi bò” hay bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quản lý thị trường sẽ chịu trách nhiệm việc người Trung Quốc trong vai trò khách du lịch thao túng các sản phẩm tại Việt Nam. Ngành thuế vào cuộc thanh tra các hoạt động tour giá rẻ. Chính quyền địa phương và người dân nâng cao tinh thần phát giác các sai phạm của khách Trung Quốc. Và, ngành du lịch sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động hướng dẫn viên du lịch, bao gồm xử lý nghiệm các hướng dẫn viên “chui.”
Được biết, tháng 3-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Đây là những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh với đối tượng áp dụng là khách du lịch là người Việt Nam đi du lịch trong nước và nước ngoài; người nước ngoài đi du lịch Việt Nam; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch; cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch.
Vậy tại sao, không dựa trên bộ quy tắc ứng xử nói trên để làm ra một bộ quy tắc riêng dành cho thị trường khách Trung Quốc, với những quy định và đặc thù riêng, để Việt Nam có thể thu lợi hiệu quả từ thị trường du lịch lớn nhất của mình?
Các nước có chính sách riêng cho khách du lịch Trung Quốc
Từ tháng 9-2017, khách du lịch Trung Quốc đến Singapore được tặng cuốn sổ tay các mẹo nhỏ khi đến Singapore. Trong cuốn sổ tay bao gồm các khuyến cáo mà khách Trung Quốc không nên làm khi đi du lịch tại đảo quốc sư tử.
Năm 2016, Campuchia đã thành lập China Ready Centre (Trung tâm sẵn sàng phục vụ khách Trung Quốc) nhằm khai thác riêng thị trường khách du lịch này. Theo đó, trung tâm China Ready Centre nhằm nghiên cứu về sở thích, thị hiếu, nhu cầu của khách Trung Quốc, đồng thời tăng cường năng lực, kỹ năng phục vụ, giao tiếp tiếng Trung và văn hóa Trung Hoa cho những nhà cung ứng dịch vụ trong nước.
Năm 2015, Thái Lan đã in, phát hàng nghìn cuốn sổ tay hướng dẫn cách hành xử văn minh bằng tiếng Trung cho du khách Trung Quốc- thị trường khách quốc tế lớn nhất của du lịch Thái Lan trong những năm gần đây. Cuốn sổ tay này được ban hành sau khi cách hành xử thiếu ý thức của khách du lịch Trung Quốc khiến người dân Thái Lan bức xúc và cơ quan chức năng của nước này đau đầu.