Đinh Hằng, một gương mặt trẻ và đầy cá tính với “công việc” là một blogger du lịch, vừa ra mắt một cuốn sách thuộc thể loại du ký – tự truyện mới có tựa đề “Người tình Havana”. Xuất bản phẩm này ra đời sau 5 năm, kể từ cuốn sách khá thành công “Quá trẻ để chết: hành trình nước Mỹ”. Như tiếp nối cuộc hành trình đầy trải nghiệm, chuyến đi và hành trình tìm lại, nhìn nhận lại giá trị của bản thân, của sự sống ấy kết thúc ở đây, giữa thủ đô đảo quốc Cuba.
Với trải nghiệm máu thịt của mình trong “Người tình Havana”, cuốn sách là hành trình của người phụ nữ tự hào đã đi qua nhiều sóng gió, đã tỉnh thức ở dưới đáy sâu cuộc đời, và đã thoát xác để sống một đời không bao giờ phải hối tiếc về sau. Cuba và Havana, qua cuốn sách của một blogger du lịch đã tạo dựng được tên tuổi này, hiện lên trước mắt người đọc ngồn ngộn, đầy màu sắc, mùi, vị, thanh âm, vừa nguy nga vừa nhếch nhác, vừa thô lậu vừa lãng mạn.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách du ký – tự truyện “Người tình Havana”, tác giả Đinh Hằng đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về cuốn sách mới cũng như những chuyến phiêu lưu đặc biệt của bản thân.
Tự do lựa chọn hạnh phúc, tình yêu và cuộc sống
___Thông điệp mà bạn muốn gửi gắm qua “Người tình Havana” là gì?
Sự dũng cảm để sống cuộc đời mà mình không giờ phải hối tiếc về sau: “Người tình Havana” là câu chuyện của những phụ nữ trên dưới ngưỡng 30, độc thân hay đã có gia đình, luôn luôn muốn được TỰ DO lựa chọn hạnh phúc, tình yêu, và cuộc sống của chính mình.
Có những người đi tìm tình yêu cả cuộc đời mình, không nhận ra có những tình yêu lớn hơn cả tình yêu. Thứ tình yêu quan trọng nhất và cũng khó học nhất trên cõi đời này không phải là tình yêu dành cho người bạn đời, mà là tình yêu cuộc sống và tình yêu dành cho chính bản thân mình.
Đọc “Người tình Havana”, độc giả biết được một số điều ít ai nói tới về Cuba, có được bức tranh gần với thực tế hơn về nó. Và, biết mặt tối của Cuba, bạn vẫn muốn đến đó, vẫn sẵn sàng phải lòng Cuba, vẫn mơ đến một ngày mình lưu luyến Cuba.
___Từ đâu mà Đinh Hằng có ý tưởng viết “Người tình Havana”?
“Người tình Havana” được chấp bút từ những ghi chép vụn vặt của tôi từ năm 2013. Đó là năm mà tôi thực hiện chuyến đi kéo dài một năm trời xuyên Hàn Quốc, Mỹ, Mexico và Cuba. Một phần của chuyến đi đã được viết thành sách “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” (2015) và được rất nhiều độc giả yêu thương, đón nhận đến tận ngày hôm nay.
Gọi “Người tình Havana” là phần tiếp theo của “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” cũng vừa đúng vừa không đúng. Đúng là vì cuốn sách là sự tiếp nối những gì đã xảy ra trong “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ.” Không đúng là vì trải qua rất nhiều năm cho đến khi bản thảo “Người tình Havana” hoàn chỉnh, cô gái dữ dội và mạnh mẽ của “Quá trẻ để chết: hành trình nước Mỹ” ngày ấy đã trở thành người phụ nữ nồng nàn và mẫn tuệ trong “Người tình Havana” Chỉ có duy nhất một thứ không hề thay đổi, đó là sự quyết liệt trong việc lựa chọn cuộc sống của chính mình.
___Tại sao lại là Havana, Cuba chứ không phải là một nơi khác?
Trong hơn 10 năm ngao du, ngang dọc thế giới, tôi đã phải lòng nhiều cung đường, nơi chốn, vùng đất. Có những nơi khiến tôi phải trở đi trở lại trên dưới chục lần nhưng vẫn không ngừng mê say. Havana là một nơi như thế. Qua bao nhiêu năm, Havana vẫn là thành phố mà tôi đã in hằn trong tâm trí. Nó vừa mê hoặc, quyến rũ, vừa suy tàn, đổ nát.
Tôi đã yêu thành phố này bằng cả tâm hồn mình, và thành phố này đã luôn bao dung tôi – một con bé hai mươi sáu tuổi lang bạt bất cần bảy năm trước – trở thành người phụ nữ ba mươi ba tuổi, đã bình thản hơn trước những đến và đi của cuộc đời.
Có một thứ mà tôi không bao giờ thay đổi trong những lần đến Havana, như thể thời gian vốn chẳng có nghĩa lý gì. Đó là những xúc cảm trào dâng đến đỉnh điểm như một cơn sóng thần, bên trong những cái chạm mắt rất khẽ lên kỷ niệm ở từng góc phố. Đó là những lần nước mắt tự nhiên rơi vì xúc động dưới trời Caribe nắng cháy, khi tôi nhận ra mình yêu thành phố này quay quắt.
Đó là những khi tôi nhắm mắt lại trên con đường vắng lặng đang đổ xuống những vệt đèn vàng, nghe lòng mình trải ra trên những con phố hẹp, tâm hồn mình quyện vào những cây cột cũ kỹ của tòa chung cư trăm tuổi, và trái tim mình chầm chậm tan vào bầu không khí nóng bức của một đêm mùa hè, giữa thành phố nghèo nàn rực rỡ và không bao giờ thôi đẹp đẽ trong tâm khảm tôi.
___“Người tình Havana” được viết trong thời gian bao lâu? Thử thách lớn nhất khi viết cuốn sách là gì?
7 năm. Đây là cuốn sách được tôi viết trong thời gian dài nhất từ trước đến nay.
Tôi đã trở đi trở lại Cuba 3 lần trong 7 năm mới có thể hoàn thành cuốn sách này. Thậm chí đã có nhiều lúc, tôi đã nghĩ mình không thể hoàn thành được bản thảo, vì đây quả thực là một cuốn sách khó viết.
Ai đọc “Người tình Havana” cũng sẽ nhận ra “dấu ấn” rất riêng của Đinh Hằng qua những đoạn miêu tả vô cùng chi tiết, tinh tế không chỉ khung cảnh và còn cả cảm xúc nội tâm.
Tôi đã có rất nhiều ngày đi lang thang khắp các ngõ ngách của Havana để cảm nhận và ghi chép. Có nhiều buổi chiều, tôi đến đúng một nơi, ngồi đúng một chỗ là pháo đài Morro-Cabaña giữa biển, nhìn về phía Havana bên kia bờ vịnh, chỉ để quan sát sự chuyển động màu sắc đầy rực rỡ của thành phố trong giấc hoàng hôn. Hoặc việc miêu tả những đường nét yêu kiều, duyên dáng đầy cầu kỳ của các công trình kiến trúc cổ ở Havana cũng đòi hỏi nhiều ngày quan sát, ghi chép và miêu tả tỉ mỉ.
Điểm yếu của tôi là viết về kiến trúc. Nhưng Havana làm say lòng người chính bởi kho báu kiến trúc cổ tuyệt mĩ. Vì vậy, tôi đã cố gắng hết sức để vượt qua điểm yếu này, và hoàn thành việc “vẽ” bằng ngôn từ những bức phác thảo về thành phố rực rỡ mà điêu tàn, lộng lẫy mà nghèo nàn bằng một tình yêu đắm say dành cho nó.
Ngoài ra, để viết được cuốn sách này, tôi đã dành rất nhiều thời gian đọc, xem, tham khảo nhiều tài liệu về lịch sử, kiến trúc, văn hoá… của Cuba nói chung và Havana nói riêng.
Viết sách đã khó, bán sách còn khó gấp nhiều lần!
___Được biết với cuốn sách “Người tình Havana” bạnchọn tự xuất bản mà không có bất cứ một đơn vị làm sách hay nhà xuất bản “đỡ đầu”?
Thông thường, tác giả sách sẽ luôn làm tốt nhất phần việc của họ là viết sách. Sau đó, họ giao phó đứa con tinh thần của mình cho một đơn vị làm sách hay xuất bản nào đó.
Có lẽ không nhiều người biết rằng, một cuốn sách từ khi lên ý tưởng đến lúc thành hình cầm trên tay độc giả, đã phải trải qua một quá trình dài. Quá trình này bao gồm nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi nhiều nhân sự với nhiều chuyên môn khác nhau.
Với “Người tình Havana”, đây là lần đầu tiên tôi muốn đóng những vai trò mới, bên cạnh vai trò tác giả. Tôi muốn tự tay thực hiện mọi công đoạn, để đưa đứa con tinh thần của mình đến với độc giả theo cách chỉn chu nhất.
Dĩ nhiên, một tác giả tự xuất bản sách thì không chỉ công việc chất chồng, mà thử thách cũng chất đống. Để đi qua được trên dưới 100 đầu hạng mục công việc, tôi đã phải đối mặt với nhiều áp lực, lo lắng và căng thẳng.
Từ lỗi chính tả nhỏ nhất lúc dàn trang, đến chọn màu nào lên bìa, rồi hồi hộp chờ những bản in đầu tiên tại nhà in, đến thiết kế website cho sách, rồi tự tay viết thông cáo báo chí, lên kế hoạch marketing, quảng cáo…
Cùng một lúc, tôi làm việc với các nhóm khác nhau từ thiết kế, biên tập, kỹ thuật, in ấn… bất kể giờ giấc từ sáng sớm đến tối muộn. Có đôi khi quá mệt, tôi nghĩ mình sẽ khó có thể hoàn thành được dự án cá nhân này.
Viết sách đã khó, ra sách còn khó hơn, bán sách còn khó gấp nhiều lần. Nhưng tôi quả thực rất may mắn và biết ơn vì trong hành trình này, tôi có rất nhiều người bạn giỏi giang, hết lòng hết sức giúp đỡ, mong cho “Người tình Havana” những điều tốt đẹp nhất. Tôi không biết phải biết ơn họ bao nhiêu cho đủ.
Trải qua hết tất cả quá trình vất vả này và vẫn “sống sót”, tôi tự hào đã học được rất nhiều từ ngành sách. Mỗi quyển sách được gửi đến tay người đọc là sản phẩm chứa đầy tâm huyết, tình yêu. Phải đam mê thực sự mới có thể theo đuổi ngành nghề cực nhọc này.
2020 là một năm vất vả với tất cả chúng ta. Nhưng 2020 cũng cho tôi sự bình tâm, thâm trầm, và cả thời gian nữa, để hoàn thành bản thảo “Người tình Havana”.
Nhiều người nói việc tôi tự xuất bản sách là “chơi một canh bạc lớn với nhiều rủi ro.” Nhưng tôi nghĩ thứ gì càng khó, càng mạo hiểm, thì sẽ càng đáng để thử sức. Vì ở đời những điều làm cho ta sợ, luôn sẽ là những thứ khiến ta vui nhất khi vượt qua. Ở thời điểm này, tôi khẳng định việc tự tay thành hình “Người tình Havana” đã đem đến cho tôi một niềm vui rất lớn.
___Theo bạn, việc tác giả tự ra sách đem lại giá trị gì cho người đọc?
Việc xuất bản sách theo cách truyền thống là tác giả hợp tác với đơn vị làm sách/xuất bản. Điều này khiến tác phẩm khi đến tay độc giả đã ít nhiều bị thay đổi màu sắc. Tự xuất bản cho phép tôi được giữ lại gần như nguyên vẹn tác phẩm của mình cho độc giả.
Bên cạnh đó, đơn vị làm sách/xuất bản đến cuối cùng cũng là đơn vị kinh doanh, một bản thảo được chấp nhận thường chỉ khi nó có khả năng đem lại lợi nhuận, nói nôm na là “bán chạy.” Do đó, không phải tất cả các tác giả đều có thể ra sách với các đơn vị này, không phải bản thảo nào cũng có khả năng được xuất bản với họ.
Bằng việc tự xuất bản, tôi muốn tiếp thêm động lực cho những tác giả ngoài kia không may mắn với việc hợp tác xuất bản, chứng minh cho họ thấy họ có thể tự tay thành hình đứa con tinh thần của mình. Qua đó, tôi có thể khuyến khích mọi người viết nhiều hơn và đóng góp thêm sự đa dạng vào thị trường sách.
___Vài năm trước, khi là một tác giả trẻ mới nổi, Đinh Hằng đột ngột ngưng bản sách. Lần này ra sách trở lại sau nhiều năm với “Người tình Havana,” Đinh Hằng có lo lắng rằng người đọc đã lãng quên mình không?
Thực ra, đây không phải là lần đầu tôi nhận được thắc mắc như thế này. Trong chính xác là bốn năm không ra sách, tôi cũng nhận được đề nghị của nhiều đơn vị làm sách/xuất bản về việc ra những cuốn sách du ký. Sau 10 năm đi lang thang, “gia tài” các bài viết thuộc thể loại du ký của tôi vào khoảng 250 bài. Nếu muốn ra một cuốn sách để độc giả “không lãng quên mình” thì tôi nghĩ điều đó không khó.
Tuy nhiên, để ra một cuốn sách mà không chỉ bản thân tôi là tác giả tự hào, mà còn khiến độc giả say mê (như cách họ vẫn tiếp tục gửi tin nhắn cảm ơn tôi, sau nhiều năm những cuốn sách đầu tiên ra đời) thì cần nhiều hơn thế. Tôi không ngại dành nhiều năm hoàn chỉnh bản thảo, để người đọc chờ đợi lâu một chút, để ra đời những cuốn sách đáp ứng được cả hai tiêu chí trên.
Phần nữa, tôi không nghĩ là độc giả đã lãng quên mình. Bằng chứng là chính họ, qua nhiều năm, liên tục hỏi và động viên tôi hoàn thành bản thảo dang dở của mình.
Ngay cả khi “Người tình Havana” còn chưa thành hình, đã có rất nhiều “đơn đặt hàng” từ những người theo dõi tôi. Họ đặt niềm tin nơi tôi và tác phẩm của tôi, dù còn chưa biết chất lượng của nó ra sao. Có được những độc giả như vậy là niềm hạnh phúc vô cùng với những người sống với nghề viết như tôi.
___Sau “Người tình Havana” bạn có dự định xuất bản thêm cuốn sách nào tiếp theo không?
Tôi đến với việc viết sách là duyên, và cũng viết sách đầy ngẫu hứng, không theo bất cứ một kế hoạch đã định nào. (Có lẽ vì vậy nên tôi chỉ là tác giả tay ngang, nghiệp dư.)
Đã 4 năm trôi qua từ khi tôi xuất bản cuốn sách gần nhất. Tôi quan niệm trong bất cứ công việc nào, nếu đã không làm thì thôi, còn đã làm thì luôn phải đặt hết trái tim, trí óc, nhiệt huyết của mình vào. Tôi muốn bất cứ tác phẩm nào đưa đến bạn đọc, dù hơi chậm, dù hơi lâu, nhưng luôn là sản phẩm tốt nhất của tôi.
Hạnh phúc không bao giờ là điểm đến
___Điều gì giúp Đinh Hằng giữ được “lửa” đam mê xê dịch, khám phá, viết lách suốt hơn 10 năm qua?
Xê dịch với tôi gần như là một dạng triết lý, xê dịch không chỉ trên những cung đường mà còn trong cuộc sống. Xê dịch là đam mê thấm vào trong máu, những vùng đất là nơi tôi chiêm nghiệm và khám phá không chỉ thế giới bên ngoài, mà còn là thế giới bên trong chính mình.
Điều ý nghĩa nhất tôi học được khi ở trên những cung đường, là hạnh phúc không bao giờ là điểm đến, mà chính trên từng chặng đường đi. Nên tôi luôn giữ cho mình “tiến về phía trước” không chỉ khi du lịch, mà còn trên đường đời.
10 năm có lẽ là một khoảng thời gian đủ dài để tôi lớn hơn chính mình ngày hôm qua. Và quá trình trưởng thành đó phần lớn diễn ra trên những hành trình, giống như hành trình Havana, Cuba này.
Ghi lại những trải nghiệm, chiêm nghiệm của chính mình cũng là một cách để tôi nhìn lại quá trình trưởng thành, con đường mình đi. Nhưng quan trọng hơn cả, nó cho tôi cơ hội được chia sẻ niềm đam mê đi, truyền cảm hứng sống, và tìm được sự đồng cảm trong tư duy với những người khác, những người đã theo dõi tôi trên mạng xã hội suốt 10 năm qua.
___Từ một blogger du lịch trên mạng xã hội đến tác giả sách ngoài đời thực, Đinh Hằng được gì và mất gì?
Tôi nghĩ là mình không mất gì cả. Ngược lại, tôi được rất nhiều.
“Tuổi nghề” trong làng sách của tôi mới chỉ có năm năm, nhưng tôi đã làm blogger du lịch được 10 năm rồi. Đây chính là bệ phóng rất tốt khi tôi quyết định trở thành tác giả sách cách đây vài năm.
Những người theo dõi tôi trên dưới một thập kỷ không chỉ sẵn sàng ủng hộ những trang viết của tôi, họ còn là những người đánh giá chúng bằng những bình luận trực tiếp, đóng góp ý giúp tôi chọn bìa sách, và giúp tôi quảng bá sách trên mạng xã hội bằng những lượt chia sẻ.
Hơn hết, họ là lí do tôi vẫn kiên trì với việc chia sẻ các trang viết và cố gắng hoàn thành các bản thảo. Họ kiên nhẫn chờ đợi các tác phẩm của tôi nhiều năm trời. Họ luôn nói tôi là người truyền cảm hứng cho họ trong cuộc sống, nhưng tôi muốn nói rằng họ cũng đã tiếp thêm cho tôi rất nhiều động lực để sống và đam mê cùng các trang viết của mình.
___Nền tảng viết lách của bạn được xây dựng như thế nào?
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành tác giả sách, bước vào thế giới viết lách cho đến cách đây 5 năm. Nhờ một duyên lành, vào năm 2015 khi tôi cho ra đời tập sách đầu tay “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” và nhận được sự ủng hộ ngoài mong đợi của độc giả.
Tôi xuất thân là một học sinh giỏi quốc gia môn Văn. Giải thưởng này giúp tôi được tuyển thẳng vào khoa Báo chí – Truyền thông của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Tôi có nhiều năm làm việc như một phóng viên, biên tập viên, chuyên viên truyền thông, quản lý nội dung PR, online marketing… trước khi trở thành một người làm việc tự do (freelancer) suốt hơn 5 năm qua. Công việc này cho tôi cơ hội và thời gian được đi nhiều hơn như tôi mong muốn. Blogger du lịch cũng là một “công việc” hoàn toàn không được trả công, mà tôi làm vì đam mê chia sẻ suốt 10 năm qua.
Nền tảng viết lách của tôi được hình thành trong suốt quá trình làm các nghề nghiệp liên quan đến con chữ như vậy. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là tác giả chuyên nghiệp vì phong cách làm việc ngẫu hứng, ít bị gò bó bởi các kế hoạch. Nên các tác phẩm của tôi đều ra đời cũng ngẫu hứng như cách tôi viết vậy.
___Đâu là nơi yêu thích nhất của bạn ở Havana?
Mỗi khi nhắm mắt lại và nghĩ về Havana, hình ảnh hiện ra đầu tiên trong đầu tôi là các ô cửa sổ kính màu đầy mê hoặc, kiều diễm nép mình dưới mái hiên ban công của những dãy nhà phong cách thực dân ở Quảng trường Cổ, Plaza Vieja. Trong những quảng trường ở khu phố cổ La Habana Vieja, đây là quảng trường đẹp nhất với bốn mặt là những kiến trúc cổ trăm năm tuổi, xa lạ hoàn toàn với đường nét bê tông hiện đại mà người ta vẫn thấy ở những đô thị trên thế giới.
Gần như ngày nào cũng vậy, tôi sẽ gọi cà phê từ chiếc bàn gỗ nâu trong góc ngôi nhà hai tầng màu vàng nhạt của Café el Escorial ngay góc quảng trường. Tôi thích chọn ghế nhìn thẳng ra quảng trường, khi nắng mới chỉ hắt chói chang lên dãy nhà phía đối diện bên kia bức tượng đồng, khắc họa một người phụ nữ cưỡi con gà đứng chỏng chơ trên gạch.
___Havana và Cuba trong sách “Người tình Havana” của Đinh Hằng có gì khác so với những tác phẩm khác?
Tôi là tác giả Việt Nam đầu tiên dành cả một cuốn sách để viết về Havana và Cuba.
Cái nhìn của tôi trong “Người tình Havana” hoàn toàn chân thực, tinh tế, sắc sảo. Đời sống Cuba cuốn sách là đời sống mà chính tôi đã sống và trải nghiệm cùng với người bản địa trong nhiều tháng, qua nhiều lần trở đi trở lại Cuba trong gần một thập kỷ.
Cuba, qua cuốn sách, hiện lên trước mắt độc giả ngồn ngộn, đầy màu sắc, mùi, vị, thanh âm, vừa nguy nga vừa nhếch nhác, vừa thô lậu vừa lãng mạn. Đó thực sự là một đất nước duyên dáng đầy quyến rũ, song đồng thời cũng là đất nước của sự chật vật kiếm ăn từng ngày một, của những người đàn bà không bao giờ cạn kho từ vựng chửi thề.
Cuba, đa sắc và đậm vị, dù có những phương diện có thể làm cho người ta ghét, trước hết và trên hết là một xứ sở khiến người ta yêu, lưu luyến và phải lòng như một người đàn bà đẹp và khó lường, một nam nhi phong trần, phóng đãng và tử tế.
Đinh Hằng sinh tháng 9.1987, là người phụ nữ đã dọc ngang thế giới hơn 10 năm, là người viết, người chụp ảnh, kẻ lang thang, thích chuyện trò với người lạ và tò mò ngắm nhìn thế giới.
Đinh Hằng tự do như gió, đam mê những con đường như tình nhân và khao khát xê dịch như lẽ sống cuộc đời.
Facebook cá nhân: https://www.facebook.com/dinhhang.
– Ảnh Nhân vật cung cấp