Ngày 3-10 vừa qua, lễ lạt diễn ra tại nhiều nơi trên nước Đức, kỷ niệm 25 năm ngày hai miền Đông – Tây thống nhất (năm 1990). Truyền thông Pháp nhìn lại bạn đã làm được gì trong thời gian đó. Bắt đầu một ít mảng để cuối cùng là toàn bộ bức tường sụp đổ hoàn toàn vào ngày 9-11-1989, trả lại cho Berlin sự nguyên vẹn của thành phố dù vẫn còn nhiều vết sẹo. Và dù vết đau của lịch sử vẫn còn âm ỉ, nó đã vô tình tạo cho Berlin một bộ mặt rất riêng duy nhất.
Thành lập trong thế kỷ XIII, Berlin liên tục được chọn làm thủ đô qua nhiều thể chế, từ đầu thế kỷ XVIII đến hết Thế chiến thứ II. Sau năm 1945, bị chia làm bốn vùng chiếm đóng cho đến khi bức tường sụp đổ. Rồi từ 1990 đến nay, Berlin là thủ đô của nước Đức thống nhất. Đây là thành phố văn hóa và nghệ thuật với rất nhiều thư viện, bảo tàng, viện nhạc kịch. Hằng năm Berlin đón tiếp trên triệu du khách.
Được ông Thị trưởng ví von “nghèo nhưng sexy”, Berlin thu hút đông đảo nghệ nhân nhờ đời sống tương đối rẻ và tự do hạnh phúc là có thực. Xe đạp rất nhiều trên đường dành riêng khiến phố phường có vẻ trẻ trung, an lành thanh sạch. Chuyện bia bọt và xúc xích Đức thì hẳn ai cũng nghe nói rồi. Đại lộ Kurfurstendamm dân Đức cho là “đẹp nhất thế giới”, hai hàng cổ thụ rủ bóng, bên dưới không… bận quần trắng, không bị vòng xi măng bao vây, đường rộng, không bụi bặm, không ồn ào tấp nập chen lấn, lề đường thênh thang bày tủ kính quảng cáo hàng cao cấp, đi bộ thực sự an lành thú vị.
Nhiều khu xe cộ cũng đông đúc nhưng trật tự, không cảm thấy sợ. Đức là một trong những dân tộc rất tôn trọng luật pháp. Đường vắng dù đèn đỏ, khách đi bộ vẫn chờ.
Các đoạn tường
Ai đến Berlin cũng đi xem các đoạn tường, và chính các đoạn tường cũng là lý do kéo du khách đến Berlin. Nếu trong đêm 12 đến 13-8 năm 1961, một bức tường mọc lên đã chia cắt thành phố ra hai mảnh, thì từ năm 1989 đến nay chỉ còn đó đây những khúc nhỏ. Và chúng tiếp tục kết thành bức tranh tập thể của họa sĩ nghiệp dư, mạnh ai nấy vẽ. Thảng hoặc vài du khách ngắm nghía chuyện trò, không thì họa sĩ gật gù tự chiêm ngưỡng tác phẩm của mình. Có người rất thời sự, vẽ cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis với nét sắc sảo sinh động cố hữu của ông, rất đạt.
Ở một đoạn tường có cổng còn lại ở ngoại ô, du khách dán má vào song sắt nhìn bên trong: tường hai lớp cao gần bốn mét, chính giữa là con đường xi măng. Rất im ắng, như có thể nghe tiếng chân xưa kia lính gác rảo soát mỗi đêm, với hào, chó nghiệp vụ, dây kẽm gai, ụ súng và tháp canh được trang bị đèn pha… Hệ thống cảnh giác này đã được hoàn thiện mỗi ngày. Bây giờ có chăng chỉ là oan hồn những người muốn vượt qua mà thất bại.
Trong phố, thi thoảng có những tấm biển đồng gắn trên mặt đất trước nhà, ghi danh tính và ngày sinh, ngày bị đi đày của người Do Thái đã từng cư ngụ. Nhiều nơi bức tường chạy ngang chia cắt một con đường. Dù vậy vẫn thấy nhà cửa phía đông không khang trang đẹp đẽ bằng phía tây. Nhiều nơi khu Đông hãy còn giữ vài dấu tích. Như đèn xanh đèn đỏ là hình người đứng dang rộng hai tay, cứng nhắc thô thiển. Như số nhà liên tục chẳng phân biệt bên lẻ bên chẵn gì, có khu chạy vòng tròn, tìm phát khờ. Đặc biệt là rất nhiều quán ăn Việt Nam.
Truyền thông Pháp nói hai mươi lăm năm sau bờ Đông vẫn có những khó khăn: 2 triệu dân đã bỏ đi không trở lại (giờ hy vọng dân nhập cư Trung Đông trám chỗ); thiên hạ vẫn chỉ ham sản phẩm bờ Tây; thất nghiệp lên tới 11% (tức 2/3 của cả nước); 18 đội bóng đá giải vô địch hạng nhất cũng chơi ác nằm toàn bộ ở phía… mặt trời lặn.
Ngày 9-11 này, truyền hình sẽ chiếu lại cảnh dân chúng hân hoan gậy – búa hét hò đập, đập cho bức tường đổ xuống và con người kiêu hãnh đứng lên. Họ nhào vào tay nhau dù mới thấy lần đầu. Bản giao hưởng kèn xe rộn rã khắp Berlin. Làn sóng người cực kỳ ấn tượng nổi lên hồi chuông báo tử kết thúc cuộc chiến tranh lạnh bị áp đặt giữa người cùng dòng máu. Được tin, phiên họp Quốc hội ở Bonn đã ngừng lại, và toàn thể nghị sĩ tự động cùng hát quốc ca. Sự kiện đánh dấu ngày quan trọng này mang tên “bước ngoặt” trong lịch sử Đức.
Chiếc cầu, dòng sông
Biểu tượng lịch sử của Berlin còn là Cửa ô Brandenburger, bộ phận không thể tách rời của bức tường suốt 28 năm và chiếc cầu Glienicker dẫn qua Postdam. Về “sứ mạng lịch sử”, Glienicker chẳng khác Hiền Lương của nước ta là mấy. Bởi đoạn giữa cầu là ranh giới để Nga – Mỹ dính dấp tới hai miền, trao đổi tù binh. Rồi cũng chính nó đã đưa bao nhiêu người tràn qua phía tây, chạy hớt hải hỏi thăm tên địa danh nọ kia nằm ở hướng nào.
Chợt nhớ câu chuyện: có bất hòa, người con dọn sang bên kia sông và thề sẽ không gặp bố nữa. Nhân có người thợ nề đi qua, anh thuê xây bức tường cao ngăn tầm mắt để anh không nhìn thấy bố. Rồi anh đi vắng một thời gian. Khi về, chẳng thấy tường đâu, chỉ có chiếc cầu bắc ngang sông, và ông bố hớn hở đi qua: “Có cây cầu bố mừng quá. Từ nay bố có thể sang thăm con mỗi ngày”. Và anh thợ lắc đầu khi người con nhờ làm việc khác: “Không, tôi phải đi. Còn rất nhiều chiếc cầu phải xây”.
Tuy chúng đã và vẫn còn luôn mang lại rất nhiều chất liệu cho văn học nghệ thuật, nhưng mong sao ở bất cứ đất nước nào, dân tộc nào, cũng đừng có những chiếc cầu dòng sông và các bức tường với tinh thần kiểu ấy.