Đổi mới giảng dạy không có nghĩa là thêm một phương pháp mới mà là thay đổi cách nhìn về giáo dục, về quan hệ thầy trò, về thi cử đã ăn sâu trong tiềm thức cả người dạy lẫn người học lâu nay.
Tại hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm theo hướng tiếp cận năng lực người học” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vào cuối năm học 2015-2016, TS Phan Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: hiện nay chúng ta đang chú trọng quá đến kết quả học tập, chú ý quá nhiều đến kế hoạch giảng dạy, chương trình dạy của giáo viên mà chú ý quá ít đến trải nghiệm của người học.
GS Hoàng Tụy lại cho rằng: “Đánh giá sự sa sút trầm trọng của chất lượng giáo dục, nhiều ý kiến thường nhấn mạnh khuyết điểm lớn nhất của nhà trường là chỉ chú ý dạy chữ (dạy kiến thức) mà lơ là dạy người. Điều đó theo tôi có lẽ chỉ mới đúng một nửa. Trên thực tế nhà trường của ta dạy người có khi còn chặt chẽ, quyết liệt hơn ai hết. Chỉ có điều cái nội dung và cách dạy người của ta sai, lệch hướng. Sai, lệch hướng vì chỉ nhằm đào tạo ra những mẫu người hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu cuộc sống hiện đại, thiếu những tố chất cơ bản để có thể thành công trong thế giới hiện đại: tự do, trung thực và sáng tạo. Kinh nghiệm khắp nơi trên thế giới đều cho thấy trong những điều kiện ấy mà dạy người theo cách áp đặt, ức chế tư duy một chiều trong khi giáo lý giảng dạy trong nhà trường trái ngược với thực tế phũ phàng ngoài xã hội thì hệ lụy tất yếu dẫn đến phát sinh và nuôi dưỡng gian dối, đạo đức giả và bạo lực, cuối cùng gây ra bất ổn trầm trọng trong xã hội”.
Dự án TEACH – Cùng giáo viên thay đổi
Dự án Cùng giáo viên thay đổi (còn gọi là TEACH, viết tắt của Transform the Education Aims by Change) là dự án thiện nguyện về giáo dục do NES Education khởi xướng. Đây là dự án của cộng đồng, và phụng sự vì cộng đồng, thông qua sự thay đổi của giáo viên trên toàn quốc. Ban cố vấn của dự án là hai vị nguyên giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM Hồ Thiệu Hùng và Huỳnh Công Minh. Chủ tịch Hội đồng chuyên gia là ông Lê Vinh Quốc (ĐH Sư phạm TP.HCM), cùng các thành viên Bùi Trân Phượng, Trần Viết Ngạc, Nguyễn Quốc Vương, Trần Thiện Tùng, Hồ Thanh Tâm, Nguyễn Khánh Trung, Phan Dũng, Nguyễn Văn Ngai, Ngô Chơn Tuệ; có trách nhiệm xây dựng nội dung, chương trình cho các buổi chia sẻ phương pháp giảng dạy với giáo viên các trường THPT; tổ chức tập huấn đội ngũ chuyên gia, thống nhất các phương pháp triển khai về mặt chuyên môn; lựa chọn các đầu sách để tặng/bán cho các trường THPT; cũng như phát triển mạng lưới chuyên gia ở nhiều tỉnh thành khác nhau theo từng giai đoạn của dự án và kêu gọi, vận động tài trợ từ cộng đồng.
Sau khi đồng ý tham gia dự án này, giáo viên sẽ đạt được các mục tiêu: Tự học bằng trải nghiệm từ các nguồn tri thức khoa học mới để áp dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả dạy học; Hiểu mối quan hệ tương tác giữa bốn yếu tố cơ bản trong mọi quá trình giáo dục là Mục tiêu, Nội dung, Phương pháp và Đánh giá (thể hiện qua thiết kế bài học và thực hành); Áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến vào thực tiễn dạy học ở trường phổ thông hiện nay; chú trọng hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong học tập và đời sống; và Ý thức được việc đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới phương pháp dạy học nói riêng cần phải dựa trên các nguyên lý của khoa học giáo dục hiện đại.
Trong thư ngỏ của người sáng lập dự án TEACH, bà Bùi Trân Phượng – nguyên Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen – chia sẻ sự cảm thông với đồng nghiệp của mình: “Là nhà giáo, chúng tôi thấu hiểu những trăn trở của giáo viên phổ thông: chương trình và sách giáo khoa nặng nề, nhiều mặt lạc hậu với thời đại, với mong đợi và tiềm năng tìm kiếm thông tin của học sinh; đồng lương eo hẹp và những công việc hành chính làm cạn kiệt quỹ thời gian đáng lẽ dành cho việc nghiên cứu, tự học, tự nâng trình độ của người thầy; sự thiếu cảm thông từ công chúng đang nóng lòng trước nhiều bất cập kéo dài trong thực tế giáo dục. Và còn nhiều trở lực khác có thể làm chùn bước, nản lòng, nếu chúng ta đơn độc. Nhưng chúng tôi tin trong đông đảo thầy cô giáo, lòng yêu nghề, tình thương yêu học sinh và sự tự trọng của người thầy không cho phép chúng ta buông xuôi, bỏ cuộc. Chi bằng, cùng nhau, chúng ta tiếp sức cho nhau để tạo ra thay đổi”.
TEACH sẽ bắt đầu giai đoạn thí điểm trong hai tháng ở năm trường phổ thông và dạy nghề tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Kiên Giang, sau đó sẽ từng bước mở rộng ra cả nước. Theo kế hoạch, sau đó dự án triển khai trực tiếp đến 5% – 10% số trường trong tổng số hơn 28.000 trường phổ thông từ cấp 1 tới cấp 3 và trung học nghề; sau đó sẽ chuyển sang hoạt động lâu dài, tận dụng công nghệ truyền thông và mạng xã hội.
Đi tìm lớp học hạnh phúc
Chương trình truyền hình thực tế Thầy cô chúng ta đã thay đổi đang phát sóng trên kênh VTV1 và VTV7 nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Rất nhiều ý kiến trên fanpage của chương trình đều cho rằng đây là chương trình về giáo dục hay nhất và cởi mở nhất từ trước đến nay, và là chương trình “đáng xem nhất trong năm 2017”. Nhà báo Tạ Bích Loan đánh giá, chương trình là một phương pháp “thí nghiệm xã hội” được sử dụng lần đầu tiên một cách khá bài bản: “Lần đầu tiên các máy quay đã ghi lại chân thật những cách ứng xử của một giáo viên với học sinh mà chính giáo viên đó không nghĩ là có vấn đề. Điều đó làm cho khán giả nhận ra thực trạng của các trường THPT hiện nay, khi giáo viên giữ một khoảng cách quyền lực với học sinh để có được sự tôn trọng, thay vì xây dựng mối quan hệ tôn trọng với học sinh của mình”.
Đây là chương trình dành cho các giáo viên trên toàn quốc. Với tám giáo viên dũng cảm đăng ký tham gia, mục đích của chương trình nhằm đào tạo, huấn luyện với mục đích giúp các thầy cô vượt qua những khó khăn mà họ phải đối mặt trong môi trường sư phạm.
Trong khoảng thời gian gần một năm, với những kỹ năng phân tích và huấn luyện, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của chương trình sẽ giúp các giáo viên hiểu rõ hơn về bản thân, hiểu hơn về các em học sinh cũng như nhận thức rõ về ưu điểm, hạn chế trong phương pháp giảng dạy và cách thể hiện tình cảm đối với chính những học sinh của mình.
Khi xem các tập phát sóng của từng giáo viên, mỗi giáo viên trên cả nước có thể thấy được một phần nào hình ảnh của mình, thấy được phần nào những vấn đề mà mình đang gặp phải. Đồng thời, các giải pháp mà ban cố vấn và chương trình đưa ra cho mỗi giáo viên cũng sẽ là những gợi ý để họ có thể áp dụng vào trong chính công việc dạy học của mình nhằm tạo nên một lớp học hạnh phúc hơn.