Tại một phòng làm việc của báo Wall Street Journal
Để tìm con đường tự cứu, hầu hết báo in hiện nay lập ra các trang mạng (website) qua đó giới thiệu một số bài viết trên báo in để tự quảng bá sản phẩm và thu hút nguồn quảng cáo từ các doanh nghiệp. Nhưng theo nhiều nhà phân tích, đó chỉ là một sai lầm chết người. Nhiều độc giả còn trung thành với báo in sẽ chụp lấy cơ hội được xem báo miễn phí trên mạng để không phải bỏ tiền ra mua báo nữa, mặt khác, nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo trên mạng không đủ bù đắp vào sự thiệt hại do mất đi một số lượng phát hành lớn của báo in. Một số trường hợp thất bại đáng được giới truyền thông suy ngẫm, chẳng hạn trường hợp chủ nhân của các tờ báo sừng sỏ Thời báo Los Angeles (Los Angeles Times) và Nhật báo phố Wall (Wall Street Journal) đã bán đi phần lớn cổ phần của họ, hay sự kiện trị giá cổ phần của tờ Thời báo New York (New York Times) hiện sụt giảm 54% tính từ cuối năm 2004 đến nay. Nhiều tờ báo khác tại Mỹ như Tribune Company, Minneapolis Star Tribune, Freedom Communications đã làm thủ tục xin phá sản. Rút kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, tờ Bưu điện Washington (Washington Post) tự thay đổi thương hiệu là một “công ty giáo dục và truyền thông”. Những biểu hiện đó rõ ràng đã báo hiệu một nguy cơ có thật đối với sự tồn vong của ngành công nghiệp báo in. Một số nhà bình luận dự báo là New Orleans (bang Louisiana) sẽ sớm trở thành thành phố lớn nhất nước Mỹ không còn bóng dáng của tờ nhật báo in. Sau 175 năm tồn tại, tờ nhật báo Times-Picayune của thành phố này phải giảm số ngày phát hành chỉ còn ba ngày/tuần và không biết số phận trong tương lai sẽ ra sao. Trong tác phẩm The Vanishing Newspaper (tạm dịch “Báo in đang biến mất”), cây bút Philip Meyer dự đoán là tờ báo in cuối cùng của nhân loại sẽ xuất hiện vào một ngày của năm 2043, và không phải là không có lý khi vào mùa xuân năm nay, người ta đã khai trương Bảo tàng Newseum trị giá 450 triệu USD tại Washington, D.C, một bảo tàng báo chí, nơi trình bày lịch sử 500 năm báo chí, hẳn nhiên phần lớn là báo in, như sự chuẩn bị hoành tráng nhất cho cái ngày mà loại hình báo này chỉ còn là một hoài niệm…
Báo in bắt đầu xuất hiện trên thế giới vào thế kỷ XV và phát triển mạnh mẽ tại Mỹ vào nửa đầu thế kỷ XX. Nhưng với sự ra đời của vô tuyến truyền thanh và sau đó là truyền hình, đến giữa thế kỷ XX, vai trò gần như độc tôn của báo in không còn nữa. Số phát hành giảm dần, hàng loạt khó khăn, bất lợi trong việc tranh giành độc giả với các phương tiện truyền thông khác đã khiến cho nhiều tờ báo phá sản và biến mất trên thị trường. Sau khi internet ra đời, tình hình lại càng tồi tệ hơn. Chỉ riêng tại Mỹ, năm 2010 đã có 151 tờ báo in phải đình bản, sang năm 2011, con số này là 150. Hậu quả của tình trạng trên là hàng ngàn nhà báo mất việc. Cách nay mấy thập niên, cũng tại Mỹ, nguồn thu về quảng cáo chiếm đến 86% tổng thu nhập của ngành công nghiệp báo in, nhưng nay thì nguồn lợi này đã bị báo điện tử chia sẻ và tầm hoạt động của báo in chỉ còn khoảng 50% so với cách nay năm năm. Không khó nhận ra nguyên nhân sự đi xuống của báo in, đó là sự hình thành một cộng đồng mạng to lớn có sức thu hút mạnh mẽ đối với người đọc, tính “miễn phí” của những thông tin nhanh nhạy mà họ được cung cấp. Những chuyển biến này làm thay đổi thị trường quảng cáo, nguồn thu quan trọng tạo điều kiện cho ban điều hành tờ báo trang trải chi phí và tái đầu tư cho tờ báo. Năm 2000, tổng giá trị mà ngành báo in tạo ra được là 59 tỉ USD, song đến những năm gần đây chỉ còn khoảng 34 tỉ USD/năm.
Lê Nguyễn tổng hợp