Có 980 trường lọt vào Bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới năm 2016-2017 (World University Rankings) do tạp chí Times Higher Education của Anh thực hiện, trong đó có 18 trường ở châu Á. Kết quả này cho thấy nền giáo dục ở các nước khu vực đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ, là kinh nghiệm tốt cho nền giáo dục Việt Nam trong thời gian tới.
Sự trỗi dậy của giáo dục các nước láng giềng Việt Nam
Mười vị trí đầu trong bảng xếp hạng World University Rankings 2016-2017 thuộc về Đại học Oxford, Viện Công nghệ California, Đại học Stanford, Đại học Cambridge, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Harvard, Đại học Princeton, Trường Imperial College London, Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ Zurich và hai trường đồng hạng 10 là Đại học California và Đại học Chicago.
Còn về xếp hạng các trường ở châu Á, Trường Đại học Quốc gia Singapore chiếm vị trí 24. Ngoài ra, Singapore còn có thêm Trường Đại học Công nghệ Nanyang, chiếm vị trí 54. Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) từ vị trí 42 năm ngoái lên 29 vào năm nay. Đại học Thanh Hoa giành vị trí thứ 35, tăng 12 bậc so với năm trước. Hongkong có nhiều trường đại học trong Top 200 của châu Á nhất với năm trường. Trong số 980 trường lọt vào World University Rankings thì Thái Lan có sáu trường, Malaysia có bảy trường, Indonesia có hai trường và Philippines có một trường. Việt Nam không có trường nào lọt vào bảng xếp hạng.
Times Higher Education xếp hạng các trường đại học dựa trên 13 tiêu chí chia thành bốn lĩnh vực: giảng dạy (chiếm 30%, trong đó có tiêu chí danh tiếng học thuật chiếm 15%, dựa trên khảo sát), nghiên cứu (30%, gồm số lượng, thu nhập, danh tiếng, trong đó tiêu chí danh tiếng chiếm 18%, dựa trên khảo sát), tầm ảnh hưởng nghiên cứu (chiếm 30%, dựa trên số lần công trình nghiên cứu của trường được học giả toàn cầu trích dẫn), triển vọng quốc tế (gồm có tỷ lệ sinh viên trong và ngoài nước, tỷ lệ giảng viên trong và ngoài nước và hợp tác quốc tế, chiếm 7,5%) và chuyển giao kiến thức (2,5%, dựa trên thu nhập của trường từ việc bán nghiên cứu cho các doanh nghiệp).
Bà Rajika Bhandari, Phó chủ tịch nghiên cứu và đánh giá của Viện Giáo dục Quốc tế, đồng biên tập của cuốn sách Châu Á, siêu cường tiếp theo của giáo dục bậc cao, cho biết “sự trỗi dậy mạnh mẽ” của các trường đại học châu Á là nhờ ba yếu tố chính: (1) Sự phát triển chóng mặt về dân số và nhu cầu về giáo dục đại học trong khu vực, (2) Chính phủ đóng vai trò là “nhà đầu tư lớn” trong các trường đại học và (3) Sự đổi mới của các tổ chức cá nhân. Bà cho biết thêm, sự thăng hạng của các trường đại học châu Á là nhờ các giáo sư, học giả tại các trường đại học trong nước đã “thực sự bắt đầu thay đổi lĩnh vực giáo dục đại học” với tư duy phê phán và giáo dục khai phóng sau quá trình theo học tại các trường đại học phương Tây. Họ cũng định hướng phát triển giáo dục bằng cách thu hút nguồn nhân tài và tận dụng đầu ra của các nghiên cứu. Bà Rajika Bhandari cũng dự đoán rằng quan hệ đối tác giữa các tổ chức giáo dục châu Á và phương Tây sẽ tiếp tục phát triển và đây cũng là động lực rất lớn cho nền giáo dục của các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Richard Robison, giáo sư danh dự tại Trung tâm nghiên cứu châu Á tại Đại học Murdoch (Úc) cho rằng chỉ có một số trường học tại châu Á với môi trường học khác biệt mới có thể vào trong danh sách đánh giá này, phần lớn các trường còn lại vẫn còn bị bỏ lại rất xa ở phía sau. Ông nói rằng điểm chưa phù hợp của các trường đại học châu Á tạo ra một môi trường rất áp lực, có rất nhiều học thuộc lòng và hầu như không có nhiều cuộc thảo luận trong lớp học…
Sức mạnh của con người
“Chúng ta thường cho rằng việc đạt được mục tiêu trở thành một trong những trường đại học hàng đầu thế giới đòi hỏi một chiến lược về tài chính, các quan hệ đối tác quốc tế, phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, nguồn nhân lực mới chính là chìa khóa cho sự thành công của các trường hàng đầu”, đại diện Trường Đại học Oxford chia sẻ. “Điều quan trọng nhất là các trường đại học sẽ tạo một môi trường để các học giả có cơ hội thể hiện hết năng lực và các nhà khoa học được hỗ trợ hết mình cho các nghiên cứu của họ. Môi trường nhiều người tài sẽ thu hút thêm nhiều người tài khác đồng thời thu hút sinh viên và các nhà tài trợ nghiên cứu, đây là một vòng tròn phát triển rất tốt”.
Cùng quan điểm trên, ông Lim Chuan Poh, Chủ tịch Cơ quan phụ trách Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Singapore cho biết: “Với một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên thì con người chính là tài sản duy nhất của Singapore. Điểm trọng tâm của các trường đại học Singapore là có khả năng cung cấp một môi trường thuận lợi và điều kiện thích hợp để thu hút các học giả tốt nhất đồng thời tạo ra một môi trường nghiên cứu vượt trội và cung cấp nền giáo dục đẳng cấp thế giới”.
“Liệu một trường đại học châu Á sẽ đạt top 10 trong bảng xếp hạng trong một tương lai gần?”. Trả lời cho câu hỏi này, bà Rajika Bhandari cho rằng điều này có thể thành hiện thực nếu các nước châu Á quan tâm hơn đến việc đầu tư về con người – nhân tố quan trọng nhất trong giáo dục hiện đại. Còn GS Simon Marginson, đến từ Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH Melbourne, Úc thì cho rằng phải cần thời gian đầu tư đến năm 2060 hoặc muộn hơn. Ông nói: “Giả sử thực hiện ngay lập tức theo mức đầu tư của Trung Quốc và Hàn Quốc thì cũng không thể đạt kết quả xếp hạng trong top 200 của Đại học Giao thông vào năm 2020. Một mục tiêu thiết thực hơn, tuy rằng khó, là lọt vào top 500 của Đại học Giao thông vào năm 2025 hoặc 2030”.
Phân tích sâu hơn về các trường đại học ở Việt Nam, GS Simon Marginson cho biết: “Xây dựng một trường đại học nghiên cứu hoặc nhóm nhỏ trường đại học có lẽ là cái mà Việt Nam có thể làm để đảm bảo bước vào cuộc chơi kinh tế tri thức sớm hơn. Cần có chính sách đưa những người học lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ và châu Âu về Việt Nam. Trả lương cho những giảng viên ưu tú với mức lương gần như của Mỹ để giữ chân họ và đối xử với giảng viên nước ngoài theo cái cách của ĐH Quốc gia Singapore. Tuy nhiên, ngay cả Singapore cũng gặp khó khăn khi giữ người nước ngoài đủ lâu để có một tác động lâu dài đến năng lực nghiên cứu. Thứ hai, đổi mới từ gốc đến ngọn văn hóa quản lý chất lượng, đặc biệt là sự tự do học thuật. Người ta sẽ không thể sáng tạo được nếu chính sách rập khuôn”.
- Tường Lam
Xem thêm:
MDIS lọt vào nhóm học viện giáo dục tư nhân hàng đầu Singapore