Không cần phải có ý kiến của các chuyên gia, với nhiều nhà đầu tư, việc VN-Index nhanh chóng vượt đỉnh cũ (thiết lập vào tháng 3-2007) và tiếp tục chinh phục các mốc điểm mới cao hơn trong những ngày qua có cái gì đó không thực sự thuyết phục.
Thật vậy, đợt tăng điểm từ đầu tháng 2-2018 đến nay không hề là sự đồng thuận tăng giá của đa số cổ phiếu trên thị trường. Không chỉ vậy, thống kê cho thấy quá nửa số cổ phiếu niêm yết đã giảm điểm trong giai đoạn này. Điều đó chứng tỏ sự phân hóa của thị trường là rất lớn, và chỉ có một nhóm cổ phiếu “trụ”, đầu ngành vẫn còn duy trì đà tăng điểm, đồng thời nhóm này lại chiếm tỷ trọng cao trong rổ tính VN-Index nên chỉ số mới đi lên. Việc thanh khoản của HoSE nói riêng và cả ba sàn nói chung đều suy giảm so với trước cũng là một dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng của VN-Index chưa thực sự bền vững.
“Thóc đến đâu bồ câu theo đó”, bám theo nhóm cổ phiếu đầu ngành đang là chiến lược được nhiều nhà đầu tư cá nhân ưa chuộng. Thế nhưng, trước nay những cổ phiếu này là “món yêu thích” của khối ngoại. Thế nên mới có chuyện khối ngoại vốn quen mua ròng bluechip thì nay chuyển sang vai trò của người bán, mục đích không gì khác là chốt lời, còn nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước lại đang vào vai người mua khá hào phóng. Đây là giai đoạn dòng tiền tỏ ra rất hào hứng với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận tại các cổ phiếu đã tăng mạnh thời gian qua có thể vẫn còn.
Dù thế, quanh vùng điểm 1.200 của VN-Index, giá của các cổ phiếu trụ đã khá cao và vì vậy, sự giằng co là khá quyết liệt. Khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn tại nhóm vốn hóa lớn, nhiều nhà đầu tư bắt đầu chuyển sự chú ý sang các cổ phiếu trung bình và nhỏ – vốn đang được định giá rẻ một cách tương đối. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo việc nhóm cổ phiếu này có thể thay thế được các bluechip trong thời gian tới.
Thị trường vẫn tồn tại những rủi ro nhất định trong ngắn hạn, nhưng về cơ bản sẽ tiếp tục tăng trưởng vì lực đẩy của nền kinh tế đang khá mạnh và Chính phủ đang thể hiện quyết tâm cải cách, đồng thời có những chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài. Khi rủi ro điều chỉnh xảy ra, với nhiều nhà đầu tư, đây lại là cơ hội để họ tái cơ cấu danh mục và mua vào những cổ phiếu cơ bản tốt.
Những ngày giữa tháng Tư, dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa, tập trung ở nhóm cổ phiếu có thông tin tích cực từ báo cáo kết quả kinh doanh quý I và mùa đại hội cổ đông. Các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản được kỳ vọng tiếp tục là điểm đến của dòng tiền, do những thông tin như chia cổ tức cao hay phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông. VN-Index, vì vậy, hoàn toàn có thể vượt qua ngưỡng cản mạnh 1.200 điểm để tiến đến thử thách vùng kháng cự 1.250-1.270 điểm. Tất nhiên, trong khi đi lên, chỉ số có thể trải qua quá trình rung lắc, điều chỉnh. Thậm chí, không loại trừ khả năng sẽ có những ngày “đỏ rực” và điều này là một “liều thuốc thử” cho những nhà đầu tư thiếu kiên định.
Giữ được cái đầu lạnh, không bị diễn tiến thị trường chi phối đến quyết định đầu tư trong giai đoạn này là điều khó và để làm được, nhà đầu tư cần luôn tuân thủ chiến lược và chiến thuật đã đề ra. Đừng vì sợ hãi khi thấy thị trường bỗng dưng lao dốc mà vội vàng bán ra cổ phiếu tốt đang có, nhưng cũng không nên cố giữ một cổ phiếu khi nó không còn khả năng tăng giá. Đó là chưa kể sự sợ hãi sẽ ngăn cản nhà đầu tư mua khi giá thị trường đã xuống đến mức thấp nhất, nhưng lại vội vã gia nhập thị trường khi giá đang ở vùng đỉnh…