Theo ban tổ chức Australian Open, nhà vô địch đơn nam cũng như nữ sẽ nhận được 2,43 triệu AU$ (2,55 triệu USD) từ tổng tiền thưởng kỷ lục gần 31 triệu AU$. Tay vợt thua từ vòng một sẽ nhận được 27.600 AU$, tăng 32,7% so với năm 2012, vòng hai sẽ bỏ túi 45.500 AU$ (tăng 36,6%) và vòng ba là 71.000 AU$ (tăng 30%). Tiền thưởng từ vòng bốn, tứ kết và bán kết tăng trung bình hơn 14%, trong khi tiền thưởng cho vòng một nội dung đôi tăng hơn 30%. Ở vòng đấu loại, tiền thưởng tăng khoảng 15%.
Australian Open đi tiên phong trong việc tăng thưởng
Ông Brad Drewett, chủ tịch ATP không giấu sự hài lòng khi đây có thể là bước đầu tiên hướng đến việc cải thiện đáng kể tiền thưởng dành cho các tay vợt vốn được đánh giá là quá thấp so với lợi nhuận thu được ở các giải Grand Slam. Hội đồng các tay vợt do Roger Federer, Novak Djokovic và Andy Murray đại diện cho rằng điều quan trọng đối với các tay vợt có thứ hạng thấp khi lọt vào danh sách 128 tay vợt dự giải là họ được nhận tiền thưởng nhiều hơn. Giám đốc giải Craig Tiley giải thích: “Động cơ của chúng tôi là góp phần giúp các tay vợt nhà nghề có thể sống đàng hoàng hơn. Chính vì vậy mà tiền thưởng tăng cao nhất ở các vòng ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ghi nhận sự đóng góp của các tay vợt hàng đầu”.
Thật ra, quyết định của Australian Open cũng là hưởng ứng chuỗi tăng thưởng trong năm 2012 của các giải Roland Garros, Wimbledon và US Open. Tuy nhiên, có không ít câu hỏi được đặt ra. Chẳng hạn Darren Cahill, một huấn luyện viên khi còn thi đấu từng vào đến bán kết US Open 1988 và xếp hạng 22 thế giới khi ngừng thi đấu, phản đối việc tăng tiền thưởng cho các tay vợt bị loại từ vòng ngoài, trừ phi đó là những tay vợt đã nỗ lực vượt qua vòng đấu loại. “Mọi thứ đều phải xứng đáng”, Cahill nói. “Nếu là tôi, tôi sẽ tìm cách giảm thưởng ở vòng một để thưởng mạnh ở vòng hai, vòng ba… Điều đó sẽ giúp loại bớt các tay vợt bị chấn thương đến dự giải mà thể lực chưa sẵn sàng, chỉ đấu có vài bàn thủ tục rồi bỏ cuộc để bỏ túi số tiền hậu hĩnh”.
Trong thực tế, chi phí của chuyến đi sang Úc, cộng với lương trả cho huấn luyện viên, tiền ăn ở và đi lại… làm giảm đáng kể tiền thưởng mà tay vợt nhận được. “Trong số 185.000 euro kiếm được trong năm 2012, tôi chỉ còn không tới 50.000. Tôi không nghĩ với số tiền này mình sẽ sống tốt sau đó và tôi vẫn trông chờ các nhà tài trợ”, Mathilde Johansson, tay vợt nữ xếp hạng 88 thế giới và thuộc Top 5 của Pháp cho biết. Việc có nhiều tay vợt biết trước chấn thương rồi bỏ cuộc làm ảnh hưởng đến giá trị thể thao, và nhất là tước đi dịp may thi đấu lẽ ra dành cho người khác xứng đáng hơn, chẳng hạn tay vợt tranh vòng loại vất vả trước đó.
Trong lịch sử của mình, các giải Grand Slam từng gặp khó khăn do bị các tay vợt hàng đầu tẩy chay. Đó là trường hợp của Roland Garros, Australian Open và thậm chí Wimbledon trong thập niên 1970. Lúc đó, khái niệm Grand Slam gặp nguy hiểm đến mức người ta đã đặt ra món tiền thưởng 1 triệu USD cho tay vợt nào đoạt cả bốn giải liên tiếp. Ngay lập tức, Martina Navratilova đã lập kỳ tích này, nhưng cô chẳng được gì cả vì “lời hứa gió bay”. Nay nguy cơ tẩy chay chưa hẳn đã biến mất hẳn khi các tay vợt, thông qua hội đồng của mình, ý thức rõ quyền lực và đòi hỏi phải có đối thoại thẳng thắn.
Mới đây, cựu tay vợt Top 10 Wayne Ferreira phát biểu trên tờTennis News Brazil rằng các tay vợt không nên tốn sức vào việc đòi các giải Grand Slam chia tiền thưởng nhiều hơn, mà thay vì vậy nên tập trung vào các giải ATP. “Đừng tẩy chay Grand Slam mà nên tẩy chay ATP vì từ nhiều năm nay tiền thưởng ở hệ thống giải này chẳng hề tăng, trong khi các giải Grand Slam tăng đều mỗi năm”, Ferreira giải thích. “Khi tôi ngừng thi đấu, nhà vô địch Grand Slam nhận được từ 800-900 ngàn USD, và nay là 2 triệu USD. Tay vợt thua từ vòng một được thưởng 10.000 USD, nay là 25.000-30.000 USD. Nhưng tiền thưởng ở các giải ATP hạng 250, 500 và Masters 1000 cơ bản vẫn như cũ”. Tuy nhiên, phát ngôn viên của ATP đã lập tức phản bác nhận định này khi công bố rằng tổng tiền thưởng ở ATP World Tour, không gồm Grand Slam, đã tăng hơn 31 triệu USD (tăng 58,2%) kể từ mùa giải năm 2004 đến 2013. Để so sánh, năm 2004 tổng tiền thưởng của US Open là 17,17 triệu USD, và năm 2013 này sẽ là 29,5 triệu USD, tức tăng 58,2% trong cùng thời gian.
Minh Trường