Hiệp hội Quần vợt nam nhà nghề (ATP) vừa thông báo tiền thưởng ở các giải sẽ đạt 135 triệu USD từ nay đến năm 2018 và lần đầu tiên vượt mức 100 triệu USD trong mùa giải năm 2015. Phần tiền thưởng tăng nhiều nhất là hạng Masters 1000 với mức tăng hằng năm là 14% cho đến năm 2018. Đối với các giải hạng ATP 250, mức tăng giới hạn ở con số 3,5%/năm trong cùng thời gian.
Cần nhắc lại rằng năm 2014, Top 10 các tay vợt chiếm gần phân nửa tiền thưởng dành cho Top 100, trong đó bộ ba Novak Djokovic, Roger Federer và Rafael Nadal bỏ túi một phần tư số tiền thưởng. Cụ thể, Djokovic kiếm 14,3 triệu USD, trong khi Federer là 9,4 triệu và Nadal 6,7 triệu. Để so sánh, một mình Djokovic kiếm tiền thưởng nhiều hơn chín tay vợt hàng đầu của Pháp trong Top 100 (9,98 triệu USD), hơn 33 tay vợt xếp hạng từ 68 đến 100 thế giới (14,1 triệu).
Nhờ thành tích thi đấu tốt, trong đó có bảy danh hiệu của mùa giải (Indian Wells, Miami, Rome, Wimbledon, Bắc Kinh, Bercy và Masters Cup) và tình trạng lạm phát tiền thưởng ở các giải (gắn với việc tăng giá vé, các hợp đồng truyền hình…) chủ yếu ở những vòng đấu cuối các giải Grand Slam, Djokovic chỉ mới 27 tuổi nhưng đã vươn lên vị trí thứ hai trong danh sách các tay vợt kiếm tiền thưởng nhiều nhất. Với tổng cộng 72,4 triệu USD, tay vợt người Serbia chỉ xếp sau Federer (88,6 triệu) và qua mặt Nadal (71,4 triệu). Những ngôi sao tên tuổi trước đây đều kém xa: Pete Sampras 45,3 triệu, Andre Agassi 31,2 triệu, Boris Becker 25,1 triệu, Ivan Lendl 21,3 triệu, Stefan Edberg 20,6 triệu… Tay vợt Pháp có tiền thưởng cao nhất là Jo-Wilfried Tsonga xếp thứ 22 với 14,4 triệu USD, xếp dưới cả tay vợt vừa nghỉ hưu Nikolay Davydenko (16,2 triệu).
Việc tái phân phối thu nhập bất bình đẳng này là cuộc tranh luận dai dẳng trong thế giới quần vợt, nhất là giữa hệ thống giải ATP và hệ thống Challengers và Futures. Ngày 24-11 vừa qua, tay vợt người Agrentina 24 tuổi Tomas Buchhass, xếp hạng 1.355 thế giới, đã đăng trên trang Facebook một bức thư ngỏ gửi đến Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) trong đó anh giải thích rằng ngoài yêu cầu tổ chức một giải hạng Future ở Temuco (Chilê), “chỉ có khoảng 100 người trên thế giới có thể sống bằng quần vợt. Các ông có thấy chuyện đó là bình thường? Số còn lại trong chúng tôi chẳng được gì cả”.
Dù tiền thưởng cao (Go Seoda hạng 100 thế giới kiếm được 131.346 USD trong năm 2014), hố sâu mà Bucchhass nhắc đến có thể nhìn thấy được ngay bên trong Top 100. Với 59,6 triệu USD tiền thưởng trong năm 2014, Top 10 tay vợt hàng đầu lấy đi gần phân nửa (48,08%), dù họ chính là nguồn thu hút nhà tài trợ và khán giả đến sân.
Nếu chỉ nhìn vào bảng xếp hạng sau một mùa giải thì không thể suy đoán được thứ hạng liên quan đến tiền thưởng. Chẳng hạn Edouard Roger-Vasselin hạng 87 ATP, kiếm được 1,16 triệu USD (trong đó 555.751 USD ở nội dung đơn) nên được xếp hạng 24 về tiền thưởng trong năm. Vậy giải thích sự khác biệt này như thế nào? Nhờ xếp hạng 40 ATP vào đầu mùa giải, Roger-Vasselin được vào thẳng vòng chính bốn giải Grand Slam và tám giải Masters 1000, do đó anh đảm bảo có số tiền thưởng tương xứng, cộng với thu nhập ở các nội dung đôi.
Ngược lại, Ricardas Berankis, hạng 86 ATP, lại kiếm được tiền thưởng chỉ bằng một phần năm Roger-Vasselin (207.222 USD). Xếp hạng 130 ATP hồi đầu năm, tay vợt người Lithuania 24 tuổi này chưa hề vượt qua được vòng đấu loại các giải Grand Slam và thành tích tốt nhất của anh chủ yếu ở các giải hạng Challenger (đoạt hai danh hiệu tại Andria và Astana). Cũng tương tự Roger-Vasselin, có tám tay vợt trong Top 100 ATP đạt thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng tiền thưởng. Đó là Marcel Granollers (46 ATP và hạng 22 tiền thưởng), Ivan Dodig (96 và 35). Cả hai đều thi đấu ở nội dung đơn và đôi nên có tiền thưởng tăng cao. Trường hợp Gilles Muller có khác khi anh xếp hạng 47 ATP và 94 về tiền thưởng (263.430 USD). Bị rớt xuống hạng 366 ATP vào đầu năm 2014 do chấn thương khuỷu tay trái, tay vợt người Luxembourg này chủ yếu tranh tài ở hạng Challenger và đoạt năm danh hiệu có tiền thưởng kém. Với gần 80% điểm thưởng (78,8 điểm) ở hạng Challenger, Muller trở lại Top 50.
Để dự đoán thu nhập của tay vợt thì không chỉ nhìn vào bảng xếp hạng ATP, mà còn phải theo dõi bước thăng tiến của anh ta trong năm, nội dung tranh tài (đơn, đôi) và lịch dự giải.
Danh sách 10 tay vợt có tiền thưởng (USD) cao nhất còn đang thi đấu | |
Roger Federer | 88.611.538 |
Novak Djokovic | 72.403.908 |
Rafael Nadal | 71.379.236 |
Andy Murray | 34.190.085 |
David Ferrer | 24.733.109 |
Lleyton Hewitt | 20.452.876 |
Tomas Berdych | 20.049.468 |
Juan Martin Del Potro | 15.345.947 |
Stanislas Wawrinka | 14.399.798 |
Jo-Wilfried Tsonga | 14.392.782 |
(Nguồn: ATP)
- Huỳnh Quang