Tròn một phần tư thế kỷ, cặp đôi thiết kế Viktor Horsting – Rolf Snoeren đã xây dựng nên một tượng đài thời trang đầy ấn tượng, đồng thời là những người hiếm hoi giữ lửa cho thế giới thời trang nhiệm màu trong thời buổi của sự thực dụng.
Điều đầu tiên thu hút sự quan tâm của mọi người với thời trang là những ý tưởng có vẻ điên rồ được thực hiện qua trang phục. Đó là những thứ chúng ta không mặc hằng ngày và thậm chí nằm mơ cũng không thấy. Điều kỳ diệu của thời trang là thế. Các nhà thiết kế đã biến những điều trong trí tưởng tượng của họ thành những bộ sưu tập để truyền cảm hứng cho mọi người. Giới hâm mộ đã từng không thể che giấu cảm xúc choáng ngợp và dành hết lời ngợi khen cho những kết quả sáng tạo của Alexander McQueen, John Galliano, Thierry Mugler, Jean Paul Gaultier và tất nhiên không thể thiếu Viktor&Rolf – cặp đôi đến từ Hà Lan.
Cũng là thời trang ấn tượng, nhưng điều gì làm Viktor&Rolf khác biệt với những tài năng thời trang khác? Nếu như Alexander McQueen là “sự ma mị thống khổ”, Galliano và Gaultier là “kịch tính kết hợp văn hóa” thì Viktor&Rolf lại là một “thế giới kỳ quặc” được pha trộn giữa nhiều trường phái nghệ thuật và ý tưởng phi thực tế, biến những điều rất đỗi quen thuộc thường ngày trở nên cực kỳ độc đáo, giống như truyện Alice ở xứ sở Thần tiên. Trong một thời gian dài, Viktor&Rolf không ngừng làm giới phê bình lẫn người yêu thời trang phải bất ngờ. Từ bộ sưu tập chục lớp lấy cảm hứng từ búp bê Nga Matrioshka, người đẹp mộng du trong trang phục chăn và gối, những chiếc rèm màn biến thành đầm hay những chiếc đầm bằng tulle được cắt xén như điêu khắc…, Viktor&Rolf đã tạo nên một trong những điều quan trọng khiến người ta phải chờ đợi và chào đón các tuần lễ thời trang sắp diễn ra.
Thế nhưng những thứ quá lạ lùng và khó mặc thì không dễ tạo ra lợi nhuận. Mặc dù đã ngưng dòng haute couture và thay vào đó bằng dòng ready-to-wear cùng nước hoa nhưng thương hiệu thời trang nổi tiếng này vẫn không bù đắp được thua lỗ. Cũng không lấy làm ngạc nhiên khi chính dòng ứng dụng của họ trông không khác gì couture và vẫn không đáp ứng được tính ứng dụng của thị trường thời trang. Năm 2015, Viktor&Rolf chính thức tuyên bố ngưng dòng ready-to-wear để tập trung vào haute couture với định hướng hoàn toàn thiên cả về nghệ thuật và tính sáng tạo.
Rất may mắn là Renzo Rosso – ông chủ Tập đoàn OTB sở hữu thương hiệu đã tin tưởng và tiếp tục đầu tư, quan trọng hết là vẫn để cho hai nhà thiết kế Viktor Horsting và Rolf Snoeren quyền tự do trong sáng tạo. Những bộ sưu tập Haute Couture mang dấu ấn Viktor&Rolf sau đó lấy lại được phong độ và sự quan tâm của công chúng. Đúng nghĩa là những tác phẩm nghệ thuật có thể mặc được, mỗi bộ sưu tập như đưa người xem đến với một buổi triển lãm mà ở đó có trang phục mô phỏng đá phong thủy trong khu vườn thiền của Nhật, có những khung tranh treo trên tường có thể biến thành quần áo hay những thiết kế theo cảm hứng của trường phái hình khối của chủ nghĩa lập thể (Cubism). Người ta ví sự có mặt của Viktor&Rolf trong Tuần lễ thời trang Haute Couture giống như “chút bụi tiên cuối cùng” của thế giới thời trang tươi đẹp.
Có nhận định rằng thời trang ngày nay mang tính thị trường hơn và cũng vội vã hơn. Chính vì thế mà những thương hiệu như Viktor&Rolf vẫn rất cần thiết, không chỉ bởi sự cân bằng giữa nghệ thuật và thương mại, mà còn là lý do để bao người tiếp tục tin và yêu thời trang.