Lịch sử cổ đại Trung Quốc đã trải qua hàng ngàn năm với những thay đổi triều đại liên tục và chiến tranh liên miên là điều không thể tránh khỏi.
Một bối cảnh lịch sử Trung Quốc xa xưa với những âm mưu tranh giành thế lực luôn là đề tài được các đạo diễn Trung Quốc yêu thích, cũng là dòng phim thu hút khán giả của điện ảnh Hoa ngữ.
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu nổi tiếng với những tác phẩm có bối cảnh xã hội hiện đại, nhưng ông cũng thử sức với hàng loạt bộ phim cổ trang gây ấn tượng mạnh mẽ như Anh hùng, Thập diện mai phục, Hoàng kim giáp… Những nơi diễn ra chiến tranh chắc chắn sẽ có cảnh chém giết, mà khi có sự chém giết thì luôn có kẻ thế thân.
Những con người thế thân ấy được gọi là “ảnh tử”. Trong tác phẩm cổ trang mới nhất của mình, Trương Nghệ Mưu đã kể một câu chuyện về “ảnh tử” trong bối cảnh lịch sử thời Tam Quốc.
Một “ảnh tử”, từ kẻ luôn lầm lũi nghe theo lời của chủ nhân cho đến khi thức tỉnh khỏi sự mê muội, bắt đầu nảy sinh ý niệm trở thành “người” đứng giữa hai chọn lựa: làm người quang minh chính đại ngoài ánh sáng, hay trở thành một linh hồn chui rúc trong bóng tối?
Câu chuyện của bộ phim Ảnh (Shadow) khởi đầu từ sau thất bại liên tục của nhà Bái, để mất thành Cảnh Châu về tay nhà Địch. Đô đốc Tử Ngu của nhà Bái kiên quyết không chấp nhận sự nhu nhược của triều đình về việc giao cả thành Cảnh Châu cho quân xâm lược.
Ông sắp xếp một cuộc đấu tay đôi với viên tướng mạnh nhất của ngoại bang, cũng là kẻ đã gây ra vết thương khủng khiếp cho mình trong trận chiến gần đây nhất để quyết định số phận của thành Cảnh Châu.
Dù đang rất ốm yếu và bị thương trầm trọng, Tử Ngu vẫn sử dụng người thế thân có vẻ ngoài giống y hệt mình – một “ảnh tử” của Tử Ngu – để thực hiện mưu đồ đánh đuổi giặc ngoại xâm, cũng như gầy dựng lại nước Bái.
Trọng tâm của bộ phim Ảnh không ra ngoài chủ đề mà Trương Nghệ Mưu rất thích đưa vào các tác phẩm của ông: giá trị nhân tính. Và cũng giống như rất nhiều tác phẩm điện ảnh trước đó, Trương Nghệ Mưu dung hòa những yếu tố truyền thống của Trung Quốc với mỹ học điện ảnh đương đại, sáng tạo một trải nghiệm nghe nhìn mới lạ, độc đáo cho khán giả.
Hầu hết những hình ảnh trong toàn bộ tác phẩm Ảnh chỉ dùng ba tông màu chủ đạo là đen – xám – trắng, tuy không đầy sắc màu rực rỡ như những bộ phim cổ trang trước đó của Trương Nghệ Mưu, nhưng vẫn tạo được vẻ đẹp riêng biệt, đầy ý thơ, khiến khán giả có cảm giác đó là những bức tranh thủy mặc vô cùng sinh động lần lượt được Trương Nghệ Mưu đưa lên màn ảnh rộng.
Trương Nghệ Mưu đã sớm muốn thực hiện một bộ phim cổ trang Trung Quốc lấy “ảnh tử” làm nòng cốt của câu chuyện sau khi coi bộ phim Kagemusha của nhà làm phim lừng danh người Nhật Bản – Akira Kurosawa.
Mãi sau này, ông mới tìm được nguồn cảm hứng đầu tiên từ tác phẩm Tam Quốc, Kinh Châu của Chu Tô Tiến và sau một thời gian khá dài chỉnh sửa mới có được kịch bản hoàn chỉnh.
Việc chọn diễn viên cũng là một thách thức của Trương Nghệ Mưu. Thông thường, ông thích tìm những gương mặt mới, nhưng do bộ phim Ảnh có bóng dáng của một tác phẩm bi kịch theo phong cách Shakespeare, cho nên một gương mặt mới khó có thể thỏa mãn được những đòi hỏi cao của Trương Nghệ Mưu.
Và ông đã chọn Đặng Siêu vào vai Tử Ngu sau khi xem một số bộ phim của anh. Nhân vật Tiểu Ngãi (vợ của Tử Ngu) lúc đầu đã được giao cho một nữ diễn viên nhưng do cô kẹt lịch quay, cuối cùng xét đến mối quan hệ tình cảm đầy phức tạp trong phim, vợ của Đặng Siêu là nữ diễn viên Tôn Lệ nếu thủ vai này sẽ có sự phối hợp tốt hơn, vì vậy Trương Nghệ Mưu quyết định giao vai Tiểu Ngãi cho Tôn Lệ.
Việc chọn lựa diễn viên chính càng gây thêm sự chú ý đối với bộ phim Ảnh, bởi Đặng Siêu – Tôn Lệ là một trong những cặp đôi diễn viên rất được yêu thích và có lượng khán giả cao, và việc lần đầu tiên cả hai cùng sánh đôi trên màn ảnh rộng càng đem đến sức thu hút cho bộ phim.
Ảnh được xem là sự “hồi sinh” vô cùng xuất sắc của Trương Nghệ Mưu sau một thời gian dài không có nhiều tác phẩm nổi bật, mà gần đây nhất là bộ phim cổ trang gây thất vọng to lớn – The Great Wall.
Ảnh đã được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 75, Liên hoan phim Toronto 2018 và nhận được rất nhiều lời khen ngợi của các nhà làm phim quốc tế. Tại lễ trao giải Kim Mã lần thứ 55, Ảnh nhận được 12 đề cử và chiến thắng ở bốn hạng mục: Đạo diễn, Kỹ xảo, Chỉ đạo nghệ thuật, Hóa trang và Thiết kế phục trang.
Dù có thời điểm sự nghiệp đạo diễn của Trương Nghệ Mưu sa sút, nhưng đối với điện ảnh, ông vẫn luôn có một niềm đam mê mãnh liệt bao năm như một.
Từng có người nghĩ rằng những tác phẩm của Trương Nghệ Mưu đã bị thương mại hóa, còn ông bày tỏ: “Làm phim không nên là một hành vi kiếm tiền mà nên có một tấm lòng yêu nghệ thuật hết mình”.
Và, theo ông bộ phim đẹp nhất là “bộ phim có một câu chuyện thật hay, có thể đánh động con tim của khán giả, có thể tìm được tiếng nói chung với mọi người và là nhịp cầu giúp khán giả vượt qua được ranh giới quốc gia, dân tộc, văn hóa”.