Những số liệu của trận đấu cho thấy điều đó: 33 lần ghi điểm, không gặp bất kỳ nguy cơ thua bàn cầm giao bóng, chuyển hóa thành công sáu cơ hội thắng bàn của Fognini (trong tổng số 22 cơ hội)… Dẫn trước 5-3 trong ván đầu tiên, Djokovic thắng liền bảy bàn để kết thúc hai ván chỉ trong vòng 59 phút. Thỉnh thoảng anh càu nhàu khi đánh hỏng vì muốn tiết kiệm sức. “Chúng tôi biết rõ nhau. Tôi rất muốn cười trước những trò đùa của Fabio, nhưng mặt khác tôi phải giữ tập trung. Tôi đã chộp lấy mọi cơ hội có được”, Djokovic giải thích.
Lần thứ 19 liên tiếp vào đến tứ kết một giải Grand Slam, Djokovic chỉ kém Roger Federer (36 lần) và Jimmy Connors (27 lần) trong danh sách các tay vợt vào đến tứ kết Grand Slam liên tục nhiều nhất ở kỷ nguyên Open (từ 1968). Ngoài việc chuẩn bị thể lực thật tốt, tay vợt số 2 thế giới còn cho rằng yếu tố tinh thần còn quan trọng hơn để trở thành nhà vô địch Grand Slam: “Nhiều tay vợt rất mạnh về thể lực để có thể đấu sức trên sân, nhưng yếu tố tinh thần là điều không thể tìm thấy trong phòng tập. Tất nhiên bạn cần sử dụng kinh nghiệm cần thiết trên sân. Bạn có thể thua nhiều lần, nhưng phải biết trở lại mạnh mẽ hơn”.
Dưới sự theo dõi của Boris Becker trên khán đài, Djokovic thi đấu ngày càng tốt hơn trong tuần lễ đầu tiên. Nhưng cuộc dạo chơi của anh bắt đầu gặp “khách lạ mà quen” từ tứ kết, khi Stanislas Wawrinka chơi xuất sắc trong trận thắng Tommy Robredo trong ba ván 6-3, 7-6 (3), 7-6 (5). Năm ngoái, Wawrinka thua Djokovic 10-12 trong ván thứ năm ở vòng bốn. “Tôi có xem Novak thi đấu. Phải nói rằng thật khó đánh bại anh ta. Năm ngoái, tôi thua Novak cả hai trận đều trong năm ván ở Australian Open và US Open vì không tìm ra giải pháp. Vì vậy nay thật khó để đánh bại anh ấy”. Ở trận tứ kết còn lại của nửa bảng dưới, David Ferrer gặp Tomas Berdych. Hạt giống số 3 người Tây Ban Nha được đánh giá cao hơn nhờ lối chơi đeo bám cuối sân tốt, nhưng anh mất nhiều sức hơn đối thủ ở những vòng đấu trước.
Huỳnh Quang