Trong tiềm thức của hầu hết những ai quan tâm đến thời trang, Haute Couture là những buổi trình diễn của giấc mơ mà ở đó, qua những bộ sưu tập (BST), những mẫu thiết kế đẹp lộng lẫy với những chi tiết thủ công cầu kỳ, người xem như được sống trong một thế giới đầy tưởng tượng và được truyền cảm hứng. Tuy nhiên, mọi thứ dường như đang dần thay đổi khi Haute Couture ngày càng giảm bớt sự phù hoa và nâng cao tính ứng dụng một cách rõ ràng hơn trong mùa thời trang cao cấp Paris Thu-Đông 2014. Âu cũng để chiều lòng một làn sóng khách hàng trẻ và hiện đại hơn. Cùng nhau nhìn về quá khứ để tạo cái mới từ cái cũ, các nhà thiết kế (NTK) mang đến mùa thời trang Haute Couture một làn gió mới.
Với mùa Thu-Đông 2014, Raf Simons đóng vai trò là Christian Dior, chu du qua các giai đoạn lịch sử, đặt ra câu hỏi liệu Christian Dior sẽ sáng tạo những gì ở giai đoạn này. BST là sự hội tụ của tám BST nhỏ thay mặt cho tám giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong khán phòng hình tròn được phủ kín bởi hoa phong lan trắng, buổi trình diễn như một màn dạ vũ của những chiếc áo dạ hội thế kỷ XVIII, áo khoác dài thời kỳ Edwardian đầu thế kỷ XX, jumpsuit phi hành gia, váy flapper của thập niên 20, bar jacket của thập niên 50, váy suông thập niên 60… Những chiếc áo khoác với kỹ thuật cắt may thượng thừa, thêu đính thủ công sang trọng và những chiếc áo lông thú đánh mạnh vào thị trường Đông Âu và Nga. Đặc biệt, sự xuất hiện của công nghệ hiện đại về vải vóc đã tạo nên chiếc váy flapper mềm mại, có chuyển động đẹp mắt là điểm sáng ngoạn mục của BST.
Dường như tuổi tác không phải là trở ngại đối với Karl Lagerfeld khi ông vẫn tiếp tục cho ra những BST thật ngoạn mục. Thừa hưởng di sản của Coco Chanel và làm mới theo cách của mình, BST Haute Couture Thu-Đông của Chanel pha trộn nét cổ điển và hiện đại. Lấy cảm hứng từ kiến trúc sư Le Corbusier, người nổi tiếng với những công trình kiến trúc hiện đại, Karl Lagerfeld trở thành một kiến trúc sư của thời trang. Dựa trên bộ suit bằng vải tweed cổ điển của Chanel, Karl phát triển những hình khối của kiến trúc như hình trụ từ cột nhà, hình kén từ những mái vòm. Người ta nói “Chúa Trời nằm tại những chi tiết”. Karl Lagerfeld chưa bao giờ làm thất vọng trên những chi tiết. Những họa tiết từ trừu tượng cho đến baroque cổ điển được tạo nên từ hàng trăm hàng nghìn hạt cườm và kim sa lấp lánh. Tại những tổ hợp dạng khảm hình vuông nhỏ li ti trên trang phục, ta có thể thấy ảnh hưởng từ phong cách kiến trúc hiện đại của Le Corbusier.
Tưởng chừng luôn đứng ngoài ảnh hưởng của hình khối và kiến trúc, nhưng cuối cùng Versace cũng bắt đầu vận dụng những kỹ thuật dựng khối hiện đại trong thiết kế của mình.Phảng phất vẻ đẹp của thập niên 50, Donatella mang đến vẻ đẹp quyến rũ của Versace bằng những thiết kế mang tính dở dang trong BST lần này.Với dụng ý phơi bày những đường cong gợi cảm, Donatella đểẩn hiện những đường sườn cho đến toàn bộ chiếc corset (phụ trang định hình cơ thể trong thời trang cao cấp), tạo những đường xẻ cao hoặc sâu đến chết người. Trên mỗi thiết kế của Versace, có thể thấy tồn tại một lúc hai cá thể như một bên ống quần dài, một bên ngắn, hay chi tiết lệch vai…
Cặp đôi Maria Grazia Chiuri và Pierpaolo Piccioli của Valentino vẫn trung thành với vẻ đẹp nữ tính cổ điển pha lẫn chút thần thoại Hy Lạp. Buổi trình diễn và BST cao cấp của Valentino đẹp thơ mộng như một bức tranh thời tiền Raphael. Ngoài những kiểu dáng tối giản quen thuộc mà Maria và Pierpaolo vẫn thường mang đến, những chiếc váy vải xếp kiểu nữ thần đặc trưng của Hy Lạp phiên bản hiện đại lấy cảm hứng từ kiểu váy tương tự của thế kỷ XIX được chuyển thể từ trang phục khăn quấn Toga nguyên bản. Thay vì quá sa đà vào kỹ thuật thêu đính lấp lánh, những thiết kế couture hiện đại của Valentino tạo điểm nhấn bằng những họa tiết hoa lá hay những bức tranh được vẽ tay hoặc sử dụng kỹ thuật may chắp.
Giorgio Armani cũng tìm về với quá khứ, một trong những BST của mình đầu thập niên 80. Mang âm hưởng Nhật Bản và nghệ thuật Kabuki kết hợp với những đường cắt tối giản đặc trưng của Armani, BST một lần nữa chứng minh sự sáng tạo miệt mài cũng như phong độ của NTK tài ba. Những thiết kế của Giorgio Armani, đặc biệt là những trang phục công sở được đánh giá như những thiết kế bất hủ trường tồn theo thời gian. Không ngủ quên trên chiến thắng, Armani luôn tìm tòi những điều mới mẻ mà điển hình trong BST này là chất liệu lông thú và nỉ được làm từ sợi lụa organza và nylon. Tại những thiết kế dạ hội, những đốm màu đỏ, đen trắng trên nền vải tulle lưới tương phản với trang phục giống như những hạt tuyết đang rơi tạo nên một bầu không khí thơ mộng và lãng mạn. Có thể nói, BST này tượng trưng cho sự giao thoa giữa quá khứ và tương lai.
- Khải Hoàn