Tại vòng bán kết World Cup vừa qua, “đội adidas” tỏ ra thắng thế “đội Nike” khi cả hai đội tuyển do họ tài trợ (Đức và Argentina) đều chiến thắng hai đội tuyển nhận tài trợ của Nike (Brazil và Hà Lan). Không những thế, ngay sau World Cup, adidas lại làm một cuộc lật đổ nữa khi thay chân Nike để tài trợ cho đội bóng nổi tiếng Manchester United (M.U) của nước Anh. Hãng thể thao nổi tiếng của Đức không phải là đối tác xa lạ với M.U khi từng cung cấp trang phục thi đấu cho đội chủ sân Old Trafford trong nhiều năm trước khi bị Nike giành lấy (năm 2002). Nike sẽ chấm dứt hợp đồng tài trợ áo đấu trị giá 40 triệu USD/năm cho M.U sau khi kết thúc mùa giải 2014-2015.
M.U và adidas đã quyết định gắn bó với nhau trong 10 mùa giải, kể từ mùa 2015-2016
Vậy là sau ba năm thương thảo, bản hợp đồng tài trợ áo đấu trị giá đến 1,3 tỉ USD với thời hạn 10 năm đã được ký kết, bắt đầu có hiệu lực từ mùa bóng 2015-2016. Đây là một kỷ lục mới trong lĩnh vực tài trợ trang phục, cao hơn nhiều so với những gì mà các đội bóng hàng đầu châu Âu nhận được, dù thành tích thi đấu mùa giải vừa qua của M.U là rất tệ, không được tham dự cúp châu Âu mùa giải 2014-2015 tới. Tuy nhiên, việc HLV Louis Van Gaal nắm đội bóng này sau một kỳ World Cup thành công cùng đội tuyển Hà Lan được fan của M.U kỳ vọng sẽ giúp “Những con quỷ đỏ” trở lại quỹ đạo chiến thắng. Khoản chi 1,3 tỉ USD cho M.U dù rất lớn nhưng adidas hy vọng sẽ thu lại gấp đôi, khoảng 2,6 tỉ USD từ việc bán áo đấu của M.U trên toàn thế giới trong thời gian 10 năm tới.
Theo phó chủ tịch điều hành Ed Woodward của M.U, chỉ riêng hợp đồng với adidas cũng đủ để câu lạc bộ này mỗi năm có thể đưa về sân Old Trafford một siêu sao cỡ Luis Suarez, người vừa rời Liverpool để đến với Barcelona với giá 63 triệu bảng Anh (khoảng 110 triệu USD). Không những thế, với việc bản hợp đồng với adidas chỉ ràng buộc ở trang phục tập luyện và thi đấu, M.U còn có thể kiếm thêm nhiều triệu USD nữa nhờ các hợp đồng tài trợ quần áo và các dụng cụ tập luyện của cầu thủ.
Cho đến nay, M.U vẫn sở hữu một thương hiệu ăn khách bậc nhất trên thị trường, được vận hành bởi bộ máy tiếp thị hoạt động rất hiệu quả. Theo Wall Street, sau khi ký hợp đồng với adidas, giá cổ phiếu của M.U đã tăng gần 5%, đưa câu lạc bộ này trở thành đội bóng có giá trị lớn nhất thế giới (Wall Street định giá 3,6 tỉ USD cho thương hiệu M.U). Mới tháng 4-2014, Real Madrid mới là đội bóng số 1 về giá trị khi được định giá 3,3 tỉ USD, còn M.U chỉ có giá 3,17 tỉ USD. Bản hợp đồng mới với adidas cũng giúp M.U phá vỡ kỷ lục về hợp đồng tài trợ áo đấu của chính Real Madrid, khi mà hợp đồng hiện tại của đội bóng Tây Ban Nha có giá trị 53 triệu USD/năm với adidas.
Tuy nhiên, theo tạp chí kinh tế Forbes số ra gần đây, trong danh sách 50 câu lạc bộ thể thao giàu có nhất hiện tại, M.U vẫn xếp sau Real Madrid và Barcelona. Cụ thể, Real Madrid là đội bóng giàu có nhất thế giới với tổng giá trị khoảng 3,44 tỉ euro (4,64 tỉ USD). Đây là năm thứ hai liên tiếp Real Madrid đứng đầu danh sách những câu lạc bộ thể thao giàu nhất thế giới. Đứng sau Real Madrid lần lượt là Barcelona với 3,2 tỉ euro (4,32 tỉ USD) và M.U với 2,81 tỉ euro (3,79 tỉ USD). Ngoài ba câu lạc bộ nói trên, trong bản danh sách của Forbes còn có các câu lạc bộ bóng đá khác, là Bayern Munich (thứ 7), Arsenal (16), Chelsea (48), Manchester City (49) và AC Milan (50). Bản danh sách của Forbes gồm tám câu lạc bộ bóng đá, 30 đội bóng bầu dục, sáu đội bóng chày, bốn đội bóng rổ, một đội ở giải đua công thức một và một đội khúc côn cầu trên băng.
Dù có chút khác nhau về thứ hạng giữa các bảng xếp hạng giàu có, nhưng dù sao, câu lạc bộ nhiều người yêu kẻ ghét nhất nước Anh (M.U) vẫn là một cỗ máy kiếm tiền khủng khiếp trong thế giới bóng đá.
Địch Vân