Từ năm 2010 trở về trước, khi còn ở Việt Nam, cái tên Syria chỉ gợi lên trong tôi hình ảnh mờ nhạt của một đất nước Tây Á chưa đến 20 triệu dân. Chỉ đến lúc đi học ở Pháp, tôi mới thường xuyên được nghe bạn bè cùng lớp thường nhắc đến quốc gia này vì bề dày lịch sử văn hóa đáng nể.
Trong tình hình chính trị bất ổn, Syria tuy có phần nguy hiểm nhưng lại hấp dẫn nhiều du khách châu Âu bởi những di sản văn hóa vô giá đang có nguy cơ biến mất. Du khách đến Syria không phải để vui chơi hay thư giãn. Họ đến đó để được chiêm ngưỡng những công trình tinh hoa của nhân loại mà rất có thể chỉ ít lâu nữa sẽ chỉ còn là tro bụi.
Damascus – những khoảnh khắc bình yên
Khi chúng tôi đến Damascus, thật may mắn là những trận chiến ác liệt tại ngoại ô chưa ảnh hưởng nhiều đến thành cổ – trung tâm của thủ đô lâu đời bậc nhất thế giới này. Các góc phố rợp bóng cây xanh và các tòa nhà hiện đại vẫn giữ được nhịp sống bình thường.
Trong những quán cà phê ấm áp, khói shisha vẫn tỏa mịt mờ giữa tiếng trò chuyện râm ran. Damascus rất đông đúc, có nơi ồn ào hỗn độn. Bên cạnh phố cổ là nhiều cao ốc và dinh thự lộng lẫy. Khu trung tâm có nhiều đại lộ và các cửa hàng, khách sạn sang trọng lịch lãm. Các hành lang, các con đường trong khu dân cư hẹp và quanh co như mê cung.
Tọa lạc giữa vùng sa mạc phía Tây Nam Syria bên dòng sông Barada, từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên Damascus đã được ví là vườn hoa giữa sa mạc nhờ vẻ xanh tươi trù phú. Hiện nay, thủ đô này vẫn là một trong các thành phố cổ nhất còn lưu giữ các giá trị lịch sử lâu đời ở khu vực Trung Đông.
Nhờ những giá trị lịch sử và văn hóa đại diện cho thời kỳ thịnh vượng trong giai đoạn đầu của Hồi giáo nên Damascus đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới và là thánh địa thứ tư của đạo Hồi.
Nơi được coi là trái tim của thành phố là thánh đường Hồi giáo Umayyad đồ sộ nằm ngay trong khu dân cư. Thánh đường được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ VIII và được xem là một trong những kiến trúc tôn giáo đầu tiên của đạo Hồi.
Công trình tuyệt đẹp này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của kiến trúc thánh đường trong thế giới Hồi giáo với khung vòm hình móng ngựa và tháp quảng trường… Bên trong thánh đường, trên bức tường ngay chính diện của lễ đường đồ sộ là bức tranh khảm đá rất công phu và đẹp mắt. Bức tranh nổi bật với các dãy phố màu xanh thể hiện niềm mơước về một cuộc sống lý tưởng giữa sa mạc.
Từ khoảng thế kỷ VII về trước, Damascus nằm dưới sự chi phối của Đế chế La Mã phương Đông Byzantine, hiện nay, dấu ấn của đế chế vẫn còn lưu lại ở Umayyad khá nhiều. Năm 1.300, Damascus trở thành một thành phố đạo Hồi nhưng các tôn giáo khác vẫn được tiếp tục phát triển tại đây.
Những đổi thay qua bao thời cuộc đã cho Syria tiếp nhận nhiều nền văn minh và văn hóa khác biệt, trên đất nước này nhiều thành phố cổ và đền đài vĩ đại vẫn đang lưu giữ hình ảnh những năm tháng huy hoàng nhất của các thời kỳ.
Trước khi nội chiến nổ ra vào năm 2011, Damascus có đời sống văn hóa tinh thần phong phú do sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo. Các khu vui chơi giải trí và cuộc sống về đêm của giới trẻ cũng hết sức sôi động. Hai năm sau ngày xảy ra chiến sự, chợ Al Hamidieh Souq – khu vực tấp nập nhất nằm trong trung tâm thành phố vẫn còn giữ được vẻ sầm uất.
- Xem thêm: Di sản thế giới tại Syrie ngày nay
Suốt nhiều thế kỷ, Al Hamidieh Souq là một trong những nơi giao dịch nổi tiếng và hấp dẫn trên thế giới. Tại đây, mọi người có thể tìm thấy những hàng hóa đặc trưng của Syria và cả Trung Đông. Bên cạnh các giá trị truyền thống được lưu giữ lâu đời, Al Hamidieh Souq cũng như Damascus khá cởi mở khi tiếp nhận các luồng văn hóa mới được du nhập vào từ phương Tây.
Nàng dâu sa mạc Palmyra
Rời Damascus, chúng tôi tiến sâu vào sa mạc nằm ở trung tâm Syria. Cách thủ đô chỉ khoảng 200km về phía Đông Bắc, Palmyra là một di sản của Syria mà những ai nghiên cứu lịch sử đều mơước đến thăm. Giữ vị trí một trong mười mắt xích quan trọng nhất của Con đường tơ lụa huyền thoại, Palmyra trong thời gian dài đã kiêu hãnh với vai trò của một trung tâm văn hóa quan trọng hàng đầu thế giới cổ đại.
Cách đây hai ngàn năm, giữa sa mạc khô cằn đã mọc lên một thành phố sầm uất và vô cùng thịnh vượng. Dưới sự quản lý trực tiếp của Đế chế La Mã, Palmyra trở thành nút giao thông cực kỳ quan trọng trong hoạt động vận chuyển hàng hóa vượt sa mạc trên tuyến đường thương mại Đông – Tây, nối Ba Tư, Ấn Độ và Trung Quốc với Đế chế La Mã.
Người La Mã cũng biến thành phố này thành pháo đài để chống lại sự xâm lược của Ba Tư. Theo nhiều nhà sử học, Palmyra được coi là biên giới của đế chế hùng mạnh: từ thành phố trở vào là La Mã, bên ngoài thành phố là vùng đất “unknown” (không biết).
Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ III sau Công nguyên, tất cả các đoàn thương buôn trên Con đường tơ lụa đều dừng chân tại quảng trường trung tâm ở Palmyra để trao đổi hàng hóa. Rượu vang, ô liu, ngũ cốc có thể đổi lấy vàng bạc, đá quý hay giấy papyrus, nước hoa, gia vị… Chính quyền thành phố đánh thuế khá nặng lên những hoạt động trao đổi mua bán này và có tiền để xây dựng những kiến trúc bằng đá đồ sộ.
Trên bề mặt các cột đá, những hình điêu khắc còn kể lại sống động cảnh giao thương tấp nập. Hình ảnh người giàu xưa ở Palmyra được tìm thấy trong các món đồ khảo cổ cho thấy cả sự phô trương với trang phục cầu kỳ và những chuỗi ngọc trai nặng trĩu.
Dù có lối quy hoạch hoàn toàn theo kiểu La Mã nhưng kiến trúc Palmyra ngoài phong cách nghệ thuật Hy – La thì còn chịu ảnh hưởng của nghệ thuật bản địa và của đế chế Ba Tư láng giềng. Nổi bật trong số các phần công trình còn lại đến ngày nay là các hàng cột kỳ vĩ trên trục phố chính dài 1,1 cây số.
Trục đường này cũng dẫn đến ngôi đền được xem là một trong những công trình tôn giáo quan trọng nhất và có thiết kế độc đáo nhất trong thế kỷ thứ I ở phương Đông. Ngoại vi thành phố có bốn nghĩa trang với các kiểu lăng mộ tiêu biểu.
Đây chính là yếu tố địa phương vì nền văn minh La Mã không có truyền thống xây lăng mộ tập thể. Các gia tộc giàu có xưa của Palmyra luôn thiết kế cho dòng họ những mộ tháp to lớn và rất mỹ thuật. Mộ tháp thường được xây bằng sa thạch, bên trong được trang trí bằng cột chống và trần nhà chia ô kẻ với nhiều bức tranh đẹp.
- Xem thêm: 16 điều cấm kỵ ở các quốc gia
Theo các nhà khảo cổ, thành phố với dân số khoảng 100 ngàn người mà lượng mộ tháp lên đến hơn 400 cái cho thấy con số các dòng họ thịnh vượng ở Palmyra là không nhỏ. Trải qua mấy ngàn năm, hiện nay chỉ còn khoảng hơn mười mộ tháp còn tồn tại.
Sau sự tàn lụi của đế chế La Mã, sang đến thế kỷ thứ VIII, Palmyra rơi vào tay các thế lực Ả Rập. Một lần nữa, thành phố được mệnh danh là “Nàng dâu của sa mạc” này lại tiếp nhận thêm một phong cách kiến trúc mới. Một số cung điện xa hoa theo kiểu Hồi giáo mọc lên, mà nổi bật là cung Hisham hay pháo đài Qualat Ibn Maan. Nhưng tiếc rằng dưới sự thống trị của các dòng họ Ả Rập, Palmyra không bao giờ còn tìm thấy ánh hào quang rực rỡ của một đô thị trung tâm dưới thời La Mã nữa…