Điều đặc biệt hơn ở Overland Club, nơi “phổ cập” gốm Việt ấy chính là chủ nhân của nơi này – Tomizawa Mamoru – người đàn ông đến từ xứ sở hoa anh đào mà học viên hay gọi một cách thân mật là thầy Tomi: Từ một người xa lạ với nghề gốm, bằng tình yêu gốm Việt, anh đã cất công học nghề để rồi sau đó gắn đời mình với công việc dạy làm gốm. Bây giờ, Việt Nam đã thực sự là quê hương thứ hai của anh khi ở nơi đây, anh gặp sự đồng điệu với một người phụ nữ Nhật khả ái, người không chỉ cùng anh thành lập Overland Club mà hai người còn xây dựng chung một mái gia đình. Sau vài lần dời đổi, Overland Club hiện đã yên vị trên một con đường nhỏở quận 1 (36 Bis Huỳnh Khương Ninh).
Bén duyên cùng gốm Việt
Gần 20 năm trước, trận động đất ở thành phố Kobe đã làm cho chàng thanh niên Tomizawa 27 tuổi đang tràn đầy lạc quan yêu đời trong phút chốc mất hết tất cả. Anh quyết định rời khỏi quê nhà, đi đến một nơi nào đó để có thể nguôi đi nỗi đau quá lớn. Được sự giới thiệu, anh tham gia tổ chức phi chính phủ về giáo dục và du lịch của Nhật Bản, làm việc tại các nước châu Á.
Khi đến Việt Nam, có dịp đi nhiều nơi, anh rất có ấn tượng về sự phong phú, đa dạng về văn hóa giữa các vùng miền. Trong lần đến thăm làng gốm Bát Tràng, anh bị hút hồn bởi vẻ đẹp của gốm và đôi tay tài hoa của các nghệ nhân. Vốn biết gốm là vật dụng quen thuộc trong đời sống từ xa xưa của người Việt Nam, và nghệ thuật tạo hình trên gốm là một môn nghệ thuật có tính sáng tạo và tư duy cao nên khi được tận mắt chứng kiến những nghệ nhân thổi hồn vào gốm cho anh cảm giác rất thích thú. Vừa yêu thích vừa tò mò, anh thu xếp công việc để học làm gốm Bát Tràng trong ba tháng. Không ngờ đây lại là bước ngoặt khơi dậy niềm đam mê với gốm để anh bắt đầu theo đuổi mối duyên mới mang tên “gốm Việt”.
Thầy Tomi (bìa phải) đang hướng dẫn các học viên nhí làm gốm
Không chỉ học từ những nghệ nhân gốm giàu kinh nghiệm, anh còn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo thêm những cách thức mới nên tiến bộ rất nhanh. Anh thấy ở Nhật, việc làm gốm tương đối phổ biến như một loại hình giải trí nhưng ở Việt Nam không như thế nên bắt đầu ấp ủ dự định sẽ làm một điều gì đấy để mọi người biết đến gốm hơn. Không chỉ mê làm gốm, anh còn nghiện cảẩm thực Việt. Thích cái nào là phải tự tay làm bằng được thứấy nên một lần nữa, khi vào TP. Hồ Chí Minh, anh đăng ký học nấu ăn tại Nhà Văn hóa Phụ nữ. Ở đây anh đã gặp Yuki, một phụ nữ Nhật cũng mê món ăn Việt và cả văn hóa Việt. Sự đồng điệu trong sở thích đã dẫn đến tình yêu để rồi anh chị đến với nhau, đồng lòng gầy dựng Overland Clup – không gian văn hóa Việt giúp mọi người thư giãn sau một ngày làm việc hay học tập căng thẳng, mệt mỏi bằng việc chồng dạy làm gốm, vợ dạy nấu ăn.
Niềm vui của học viên khi hoàn thành sản phẩm
Nhờ mối quan hệ khi làm du lịch mà anh Tomizawa liên kết giới thiệu Overland Club với du khách nước ngoài để họ có thêm sự lựa chọn khi đến TP. Hồ Chí Minh. Khác với những nơi tham quan khác, họ không “cưỡi ngựa xem hoa” mà thật sự thích thú với những trải nghiệm thú vịở đây. Có người sau vài năm trở lại Việt Nam là tranh thủ đến Overland Club, khi về nước họ còn giới thiệu cho bạn bè. Các bạn trẻ thì rỉ tai nhau, thay vì ngồi quán cà phê, lướt Facebook, các bạn chọn Overland Club như một nơi giải trí. Có bạn là du học sinh, khi nghỉ hè về nước cũng được bạn bè rủ rê đến. Nhiều bé cũng được cha mẹ dẫn đến học làm gốm để rèn tính tập trung, sáng tạo. Hiện Overland Club có nhiều lớp dạy làm gốm: Lớp giải trí và thực hành cho các bạn chưa biết hoặc đã biết về gốm thủ công, lớp sáng tạo, lớp học gốm cơ bản dành cho những bạn mong muốn trở thành nghệ nhân gốm. Ngoài ra còn có những lớp dạy tạo các sản phẩm gốm theo chủ đề, lớp vẽ trên gốm…
Hai bé Phương Lan và Phương Vy trong buổi đầu học làm gốm
Giải trí để khơi dậy niềm đam mê với gốm
Những ai đã thọ giáo học làm gốm với thầy Tomi đều biết người đàn ông có vẻ phong trần nhưng nụ cười thì vẫn luôn ấm áp và cởi mở này rất tận tình với nghề. Anh biết cách động viên và khơi dậy niềm đam mê của học viên, bởi anh là minh chứng của việc “Có đam mê sẽ làm được tất cả”. Mục tiêu mà chủ nhân Overland Club xây dựng là khuyến khích mọi người khám phá sự sáng tạo của bản thân, thông qua đó còn làm cầu nối giao lưu văn hóa giữa các quốc gia để quảng bá cái hay, cái đẹp của văn hóa Việt Nam.
Với các bạn trẻ, việc học làm gốm cũng là một hình thức giúp thư giãn, giải trí
Anh Hà Hùng Dũng là họa sĩ, lúc đầu anh chỉ định học làm gốm để giải trí, nhưng khi được thầy Tomi hướng dẫn, anh thật sự yêu thích công việc này. Từ lò học này, anh đã có nhiều đơn đặt hàng gốm từ bạn bè, khách hàng cũ và cũng đã tổ chức thành công một triển lãm gốm cá nhân. Anh chia sẻ cảm nghĩ: “Tôi rất thích không gian này, nó là một sân chơi đầy tính sáng tạo. Gốm có sức hấp dẫn tôi đến kỳ lạ, từ việc học để giảm tress nhưng sau đó tôi bị “ghiền” lúc nào không hay. Bây giờ gốm là một món ăn tinh thần, có thời gian rảnh là tôi lại đến đây để làm gốm”. George cũng là trường hợp đặc biệt, cuối tuần nào anh cũng đến học trong suốt ba năm mà chỉ thích làm mỗi ấm trà. Có bạn học đã lâu, tay nghề đã khá cho biết, sau khi làm gốm được rồi thì chỉ muốn tự tay làm hết những vật dụng trong nhà của riêng bạn như ly, tách, chén, dĩa… chứ không muốn mua nữa.
Sản phẩm gốm đã triển lãm của học viên Hà Hùng Dũng
Dù lần đầu đến Overland Club hay đã là học viên quen thuộc, hầu như ai cũng cảm nhận không gian nơi này nhỏ xinh, thân thiện và gần gũi với mọi người. Những dãy kệ chất đầy những mẫu gốm đủ hình dạng, kích cỡ, cái đã hoàn chỉnh, cái đang làm dang dở mà nếu tinh ý, người xem có thể nhận biết tính cách của tác giả. Phần lớn là những vật dụng tương đối dễ làm cho người mới nhập môn với gốm như ly, ca, đĩa, hộp cắm bút… Cái thì màu sắc sặc sỡ, cái thì màu trầm tối, cái có hình dạng phóng khoáng, cái lại chỉn chu… Có nhiều sản phẩm của học viên đã làm xong, gửi lại chờ nung nên ở Overland Club thêm cả dịch vụ gửi hàng cho khách. Trên bàn là những chiếc bàn xoay nho nhỏ để học viên thực hành. Kiều Trang, cô nhân viên đảm nhận việc làm trợ lý cho các lớp thực hành giải trí cho biết, học viên ở đây rất đa dạng. Ngoài khách nước ngoài đến tham quan và đăng ký học theo buổi, còn lại là trẻ em khoảng trên 10 tuổi và các bạn trẻ tầm 30 tuổi trở lại chiếm phần lớn.
Sản phẩm gốm đã triển lãm của học viên Hà Hùng Dũng
Chị Viết Hoa là mẹ của hai bé Phương Lan và Phương Vy lên bảy và năm tuổi, buổi chiều chị chở con đến Overland Club cho hai bé học làm gốm. Là người làm trong lĩnh vực mỹ thuật, chị rất quan tâm việc kích thích sự sáng tạo của con. Được người quen giới thiệu nơi đây và cũng đã tìm hiểu qua nhưng mãi đến hè, có thời gian chị mới cho hai bé đi học. Buổi học đầu tiên nên bé Vy còn lúng túng, dù có chị trợ lý hướng dẫn, cô bé vẫn chưa quen việc cầm máy sấy sấy khô cái ca vừa nặn xong nên nũng nịu nhờ mẹ giúp. Còn bé Lan thì bậm môi tỉa gọt cho cái ca tròn trịa và hào hứng với việc pha màu. Bảy giờ tối, nhóm ba bạn Liên, Kha, Duy đến để làm tiếp sản phẩm còn dang dở. Câu chuyện của các bạn rất rôm rả nhưng thật xúc động khi biết đây là cách mà hai người bạn chia sẻ, động viên cô bạn Liên của mình, bởi hôm sau Liên phải vào bệnh viện để phẫu thuật khớp gối. Riêng chúng tôi, chỉ vài lần đến làm quen với Overland Club mà đã thấy nhen nhóm lên tình yêu với gốm.
Ngân An