Thế nhưng, các nhà điều hành chỉ có thể đưa ra chủ trương, chính sách, còn thực tế hoạt động tín dụng nằm ở khâu thực hiện, là các ngân hàng thương mại. Các tổ chức tín dụng cũng đang rất nỗ lực trong việc hạ giảm lãi suất cho vay. Trong tháng 5, lãi suất huy động vẫn ổn định ở mức thấp, giúp lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm 0,5%/năm so với tháng trước. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm 1 – 1,5%/năm so với cuối năm ngoái. Bên cạnh việc giảm lãi suất các khoản vay mới, trong tháng 5, các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho các khoản vay cũ. Dư nợ cho vay có lãi suất trên 15%/năm đến nay chỉ chiếm chưa đến 15% tổng dư nợ cho vay, giảm mạnh so với con số 65,8% tại thời điểm 15-7-2012.
Lãi suất cho vay giảm và các ngân hàng thương mại luôn nỗ lực giải ngân, thế nhưng tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống tính đến cuối tháng 5 mới chỉ tăng 1,31% so với cuối năm 2013, thấp hơn cả mức tăng của cùng thời kỳ năm ngoái (2,29%). Nhiều ngân hàng đến nay mới thoát khỏi tăng trưởng tín dụng âm, dù đã hạ lãi suất cho vay đối với một số doanh nghiệp xuống thấp hơn cả lãi suất huy động. Các doanh nghiệp được đánh giá tốt đều có thể vay vốn với lãi suất 5 – 6%/năm tại nhiều ngân hàng. Thế nhưng, lãi suất cho vay chỉ là phần ngọn của vấn đề, phần gốc nằm ở chỗ tổng cầu của nền kinh tế chưa được cải thiện. Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, chính điều này khiến cho họ không thể hấp thụ được vốn. Dù vậy, điểm tích cực của năm tháng đầu năm 2014 là nguồn vốn đã tập trung khá tốt vào các lĩnh vực ưu tiên. Tính đến thời điểm này, tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 2,6%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung. Một số lĩnh vực cần ưu tiên khác như xuất khẩu cũng tăng mạnh và đặc biệt là tín dụng dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đạt mức tăng trưởng 0,34% sau nhiều tháng tăng trưởng âm. Việc Ngân hàng Nhà nước tới đây triển khai các gói tín dụng như 10 ngàn tỉ đồng cho ngư dân, 12 ngàn tỉ đồng cho ngành cà phê,… sẽ giúp tín dụng khởi sắc hơn trong những tháng tới.
Theo quy luật những năm trước, tín dụng thường tăng thấp những tháng đầu năm rồi tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy nhiều người cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 – 14% trong năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước nhằm cân đối với các thông số vĩ mô khác vẫn có thể đạt được. Như năm ngoái, tính đến 31-10, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 7,18%, vậy mà đến cuối năm đã vọt lên 12,51%, tức là chỉ trong hai tháng lượng tiền cung ra thị trường đã xấp xỉ 140 ngàn tỉ đồng. Chưa tính đến chất lượng của những hợp đồng tín dụng trong giai đoạn cấp tập này liệu sau đó có trở thành nợ xấu cho các ngân hàng, thì việc nền kinh tế có hấp thụ nổi một lượng vốn lớn trong một thời gian ngắn như vậy hay không là cả một vấn đề. Việc một ngân hàng thương mại cố gắng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để được phép duy trì tốc độ tăng tín dụng cho năm sau là vấn đề của riêng họ. Nhưng với cả nền kinh tế, việc “dồn toa” đồng vốn như vậy rõ ràng là “lợi bất cập hại”. Để khắc phục được điều này, rất cần các giải pháp phù hợp của các nhà điều hành, trong đó có việc để các ngân hàng chủ động đề ra kế hoạch kinh doanh, mức tăng trưởng, miễn là trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Minh Hằng