Yếu tố nào từ môi trường gây hại cho mắt nhất? Các bệnh về mắt thường gặp có dẫn đến biến chứng mù lòa hay không? Đối với trẻ em thì xem tivi nhiều hay hoạt động ngoài trời dễ bị bệnh về mắt hơn? Nên bảo vệ mắt của bạn như thế nào? Phương pháp LASIK sử dụng trong điều trị các tật khúc xạ của mắt có thật sự đáng tin cậy?…
Để giải đáp cho các thắc mắc liên quan đến “cửa sổ tâm hồn”, DNSGCT đã có buổi trò chuyện với bác sĩ Nam Trân Phạm, Giám đốc Y khoa của phòng khám American Eye Center (*), thành viên Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ. Bác sĩ cho biết:
Đối với một số bệnh về mắt thường gặp như bệnh mắt do biến chứng của tiểu đường, Glaucoma và thoái hóa võng mạc… thì các phương pháp điều trị hiện nay có kết quả tốt, nhưng do chúng ta không chú ý kiểm tra, phát hiện và điều trị kịp thời nên đã dẫn đến tình trạng giảm thị lực nghiêm trọng và gây mù lòa.
Như chúng ta đã biết, tỷ lệ bệnh tiểu đường đang ngày gia tăng rất nhanh ở nước ta. Những biến chứng ở mắt do tiểu đường gồm: triệu chứng song thị (nhìn một thành hai), đục thủy tinh thể gây nhìn mờ, bệnh lý võng mạc tiểu đường (xuất huyết võng mạc, bong tróc võng mạc) và mù lòa.
Bệnh Glaucoma (tăng nhãn áp hoặc cườm nước) xuất hiện do áp lực nội nhãn tăng cao, chèn ép và làm tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến tình trạng mất dần thị trường. Glaucoma có thể xảy ra nguyên phát hay sau một chấn thương hoặc sau khi dùng các thuốc có nguy cơ gây tăng nhãn áp. Glaucoma nguyên phát bao gồm
Glaucoma góc đóng và Glaucoma góc mở. Bệnh Glaucoma góc mở thường không có triệu chứng nên bệnh nhân chỉ đi khám khi bệnh ở giai đoạn muộn. Glaucoma góc đóng có triệu chứng rõ ràng hơn: đau nhức mắt, nhìn mờ, quầng xanh đỏ, đau nửa đầu bên mắt bị đau. Tất cả mọi người đều có thể bị Glaucoma nhưng những người có nguy cơ cao gồm: người trên 40 tuổi, bệnh nhân tiểu đường hay cao huyết áp, người có tiền sử gia đình bị Glaucoma, bệnh nhân viễn thị, giác mạc nhỏ, người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid trong thời gian dài, chấn thương… Nhiều trường hợp Glaucoma không được điều trị kịp thời dẫn đến mù lòa do bệnh nhân lầm lẫn với bệnh đục thủy tinh thể (ở người lớn tuổi).
Bệnh thoái hóa võng mạc cũng gây biến chứng mù lòa, thường gặp ở người lớn tuổi, nguyên nhân chủ yếu từ sự ảnh hưởng của tia cực tím. Cận thị cao độ cũng có thể dẫn đến thoái hóa võng mạc ở người trẻ tuổi.
Ngoài bệnh thoái hóa võng mạc và Glaucoma, người lớn tuổi thường mắc bệnh đục thủy tinh thể. Theo thống kê thì ở Việt Nam có đến 70% người từ 60 tuổi trở lên bị bệnh này. Tuy nhiên, tôi nghĩ bệnh này không quá lo ngại vì phương pháp chữa trị bệnh đục thủy tinh thể hiện nay khá đơn giản và cho hiệu quả rất tốt.
Với những bệnh có biến chứng nguy hiểm như trên thì nên được điều trị bằng phương pháp nào thưa bác sĩ?
Những phương pháp điều trị các bệnh lý này đang phát triển rất nhanh trong ngành nhãn khoa quốc tế. Vì vậy bác sĩ nhãn khoa cần liên tục cập nhật, học hỏi để đạt kết quả tối ưu trong điều trị cho bệnh nhân. Hiện nay, việc điều trị bao gồm thuốc (nhỏ mắt, uống và tiêm nội nhãn), điều trị bằng laser, và phẫu thuật. Quan trọng nhất cho việc bảo vệ thị lực và giảm thiểu mù lòa là được phát hiện bệnh kịp thời, được chẩn đoán đúng bệnh, và được theo dõi điều trị chuẩn mực.
Trước đây, bác sĩ đã từng lưu ý về vấn đề thị lực ở trẻ em vì phải chăng vì hiện tượng suy giảm thị lực đang gia tăng ở lứa tuổi thiếu niên?
Có hai lý do. Thứ nhất vì tỷ lệ trẻ có vấn đề về thị lực đang tăng nhanh và ngày càng nặng hơn. Các vấn đề về thị lực thường gặp ở trẻ gồm: viễn thị, loạn thị, cận thị lé, giảm hội tụ và nhược thị. Trẻ em xem tivi, sử dụng máy tính và chơi video game nhiều có thể bị khô mắt, mỏi mắt, tăng tật khúc xạ, hoặc các tình trạng khác. Có kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy những trẻ chơi ngoài trời ít nhất ba giờ đồng hồ mỗi ngày giảm mức tăng cận thị so với trẻ trong nhà liên tục.
Lý do thứ hai, trong việc điều trị các bệnh, tật của mắt ở trẻ em, khi chữa trị trước 10 tuổi dễ đạt hiệu quả hơn. Vì vậy, cha mẹ nên cho con đi kiểm tra mắt ở các độ tuổi từ ba đến sáu tháng, ba tuổi, năm tuổi. Sau đó khám định kỳ ít nhất mỗi hai năm một lần hoặc khi bé có các biểu hiện: đỏ mắt, mắt nhìn không thẳng, phần trước của mắt bị đục, đồng tử trắng (thường thấy trong các tấm ảnh).
Có đến 1/3 tổn thương thị lực ở trẻ dưới 10 tuổi là do chấn thương và hầu hết chấn thương mắt có thể ngăn ngừa bằng cách: bảo vệ mắt phù hợp (kính bảo hộ khi chơi thể thao), để xa chất hóa học khỏi tầm tay trẻ em, đeo kính chống nắng hoặc nón khi đi ra ngoài trời. Xin lưu ý là ở tuổi trưởng thành, việc chữa trị bệnh tật của mắt thường mất nhiều thời gian và hiệu quả cũng kém hơn.
Phương pháp LASIK có được sử dụng trong điều trị các vấn đề về thị lực như bác sĩ vừa đề cập hay không? Một số thông tin trên các phương tiện truyền thông từng khuyến cáo về nguy cơ rối loạn thị giác, mất cảm giác và khô mắt sau khi chữa trị bằng LASIK. Bác sĩ đánh giá thế nào về phương pháp này?
Phương pháp LASIK được thực hiện rộng rãi trên thế giới từ năm 1990 đến nay và được xác nhận là một phương pháp chữa trị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) an toàn, chính xác và hiệu quả, có đến 95% bệnh nhân hài lòng với kết quả điều trị bằng phương pháp này. LASIK là phương pháp dùng tia laser tác động lên giác mạc để làm thay đổi độ cong giác mạc do đó điều chỉnh được các tật khúc xạ của mắt. Đa số trường hợp sau phẫu thuật sẽ đạt thị lực không kính bằng thị lực tốt nhất khi đeo kính trước mổ, giúp bệnh nhân sinh hoạt tốt hơn không phụ thuộc vào kính.
Tuy nhiên, kết quả thị lực sau mổ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một số ít trường hợp để đạt được thị lực tốt nhất vẫn cần dùng thêm một kính số thấp. Nguy cơ bị biến chứng mù lòa hầu như không có. Tuy nhiên, cũng như những phương pháp điều trị khác, điều trị bằng LASIK vẫn có thể gặp tác dụng phụ như khô mắt, chói mắt, hào quang vào đêm… Quan trọng nhất là được khám toàn diện trước mổ xem mắt có phù hợp với phẫu thuật không, đồng thời bác sĩ phải có kinh nghiệm trong xử lý những tác dụng phụ hoặc biến chứng để đạt kết quả tốt nhất cho bệnh nhân. Một nghiên cứu hồi cứu lớn năm 2009 cho biết, với những bệnh nhân được xác định phù hợp với phẫu thuật LASIK, tỷ lệ bị biến chứng giảm thị lực còn ít hơn so với đeo kính áp tròng lâu dài.
Xin bác sĩ cho một vài lời khuyên trong việc bảo vệ đôi mắt.
Trong các nguyên nhân môi trường gây bệnh về mắt thì tia cực tím là tác nhân nguy hiểm nhất. Mắt tiếp xúc với tia cực tím lâu ngày có thể bị bệnh từ ngoài vào trong như: ung thư mí mắt, mộng thịt mắt, đục thủy tinh thể, thoái hóa võng mạc… Do đó, chúng ta cần bảo vệ mắt khỏi tia cực tím bằng cách đeo kính râm chống 100% UV và đội nón khi ở ngoài trời nắng.
Ngoài ra, để mắt khỏe, chúng ta nên học tập, làm việc và xem tivi trong điều kiện đủ ánh sáng. Làm việc trên máy vi tính mỗi 20 phút thì nên cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn khoảng hai phút, tránh thức khuya nhiều, massage quanh mắt nhẹ nhàng, đắp khăn lạnh để thư giãn mắt. Nên ngưng hút thuốc để giảm nguy cơ thoái hóa võng mạc.
Cảm ơn bác sĩ về những lời khuyên hữu ích.
(*) Để tìm hiểu thêm về những thông tin liên quan, bạn đọc có thể vào website: http://www.americaneyecentervn.com